Thứ hai, 17 Tháng 8 2015 16:15

 

Hà Tĩnh hiện có trên 28.000 người khuyết tật và 8.000 trẻ mồ côi. Để phong trào thi đua yêu nước được triển khai kịp thời sát với tính chất đặc thù của tổ chức Hội, hàng năm Hội đồng thi đua - khen thưởng của tỉnh Hội đã có hướng dẫn, kế hoạch và chỉ đạo bám sát trọng tâm 6 chương trình hoạt động do Trung ương Hội đề ra, căn cứ vào khả năng, nguồn lực và nhiệm vụ chính trị của địa phương để lựa chọn thực hiện từng chương trình có hiệu quả.

 

Yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Hội

 

Các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Vì người khuyết tật và trẻ mồ côi” được phát động gắn liền với Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12 hàng năm, gắn với các đợt cao điểm thi đua của địa phương. Các phong trào này đã thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu trong các tổ chức Hội và hội viên. Kết quả, tổ chức Hội đã ghi nhận nhiều tấm gương cán bộ Hội không quản ngại khó khăn vất vả, với lòng nhiệt huyết, tình thương với đối tượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều tổ chức Hội cơ sở không ngừng tìm tòi, sáng tạo, vận động mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác bảo trợ. Có thể kể đến các cá nhân tiêu biểu như ông Trần Quốc Dinh, Chủ tịch huyện Hội Can Lộc, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Chủ tịch huyện Hội Cẩm Xuyên, ông Phạm Hữu Hồng, Chủ tịch huyện Hội Lộc Hà… các huyện Hội Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà… tổ chức Hội các xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Thạch Châu (Lộc Hà), xã Sơn Giang (Hương Sơn), Vượng Lộc (Yên Lộc)… đã có nhiều đóng góp xây dựng nguồn quỹ Hội cơ sở đạt 30 – 70 triệu đồng/xã/năm, đưa nguồn quỹ hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi các cấp đạt 31 tỷ đồng.

 

Dien dan 1111

Họat động biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ của tỉnh Hội

 

Từ những nguồn quỹ đó, Hội đã phối hợp dạy nghề cho 1.250 người, tạo việc làm cho 300 người có thu nhập ổn định từ 1,5 - 3 triệu đồng, nhiều em đã có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Được sự chỉ đạo, giúp đỡ kinh phí của Trung ương Hội, tỉnh Hội đã chỉ đạo huyện Cẩm Xuyên khảo sát và xây dựng đề án hỗ trợ sinh kế tại xã xây dựng nông thôn mới Cẩm Thành và Cẩm Lĩnh, huyện Hương Khê khảo sát tại xã Gia Phố. Sau thời gian triển khai các mục tiêu mà đề án đề ra đều đã hoàn thành. Với 187 người khuyết tật và 98 trẻ mồ côi được hưởng lợi. Nhiều hộ gia đình người khuyết tật đã vươn lên thoát nghèo trong năm 2014.

 

Phong trào bảo trợ tiếp thêm nghị lực cho người khuyết tật, trẻ mồ côi vươn lên thông qua các chương trình đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện thể chất, điều kiện sống cho đối tượng. Trong đó, tỉnh Hội đã tổ chức phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 780 người mù nghèo, mổ tim bẩm sinh cho 40 cháu, khám và cấp thuốc miễn phí cho 1.800 lượt người, cấp 2.800 xe lăn cho người khuyết tật, tặng 600 xe đạp, cấp 16.000 quyển vở và 2.000 bộ dụng cụ học tập cho trẻ mồ côi, làm mới và sửa chữa 370 ngôi nhà, tặng 70.000 suất quà, hỗ trợ phát triển kinh tế trị giá 14 tỷ đồng. Phong trào thi đua phát triển tổ chức Hội và kết nạp hội viên cũng được đẩy mạnh, đến nay trong toàn tỉnh đã có 240/262 xã, phường, thi trấn thành lập tổ chức Hội và đi vào hoạt động nề nếp có hiệu quả.

 

Thúc đẩy sự vươn lên của người khuyết tật, trẻ mồ côi

 

Không chỉ phát động phong trào thi đua trong hệ thống tổ chức Hội, tỉnh Hội Hà Tĩnh còn vươn tới các đối tượng của mình là người khuyết tật, trẻ mồ côi, khuyến khích họ phát huy khả năng của mình, vươn lên trong cuộc sống. Từ các phong trào đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của người khuyết tật và trẻ mồ côi trên nhiều lĩnh vực.

 

Trong phát triển kinh tế có anh Phạm Văn Tám, ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, bị khuyết tật vận động phải ngồi xe lăn nhưng đã tự thân lập nghiệp, mở xưởng mộc, thường xuyên dạy nghề và tạo việc làm miễn phí cho từ 10 - 15 người đồng cảnh. Hiện nay, cơ sở của anh đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho các công trình tư nhân về đồ mộc trong gia đình, doanh thu hàng năm đạt khoảng 400 triệu đồng. Anh Nguyễn Danh Diệu ở Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc bị bại liệt sau một cơn sốt từ khi 7 tuổi, gia đình nghèo, anh khát khao được đi học nhưng chỉ được học lên lớp 9. Dù phải đi bằng 2 nạng nhưng mong muốn thoát nghèo và làm giàu luôn ấp ủ trong anh. Từ mảnh đất cha mẹ để lại hơn 5.000m2, anh mở ki ốt, vay ngân hàng để kinh doanh thức ăn gia súc, phân bón, xay xát, chăn nuôi lợn nái, bò sinh sản và mua máy gặt để phục vụ bà con. Hàng năm anh có thu nhập gần 200 triệu đồng từ các ngành nghề kinh doanh.

 

Phong trào thi đua trong lĩnh vực nghệ thuật có Lê Quang Lĩnh ở phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh bị bại liệt từ nhỏ không nói rõ, đi không vững. Nhưng ông trời đã ban tặng cho Lĩnh đôi tay vàng, với ý chí vượt qua số phận, bỏ qua tự ti, mặc cảm để theo nghề hội họa, Lĩnh đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc. Trong thể thao có Đặng Văn Công đến từ vùng quê sông nước Liên Minh - Đức Thọ. Mất một chân nhưng với nghị lực và tinh thần thép, anh đã luyện tập không ngừng nghỉ trong nhiều năm liền và tham gia các giải bơi lội người khuyết tật trong nước và khu vực. Từ năm 2001 đến nay, Công đã mang về 85 Huy chương Vàng cho thể thao người khuyết tật, trong đó có 30 Huy chương Vàng cấp khu vực và Công luôn phá kỷ lục sau mỗi lần xuống nước dự thi. Công đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3 và 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều Bằng khen của các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Công đã xây dựng gia đình và có 2 con, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận làm huấn luyện viên bơi lội cho người khuyết tật.

 

Cũng chính từ các phong trào thi đua do tỉnh Hội phát động, nhiều tổ chức, đơn vị có tấm lòng hảo tâm đã quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho đối tượng trong tỉnh, đặc biệt là đối tượng trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Trong thời gian qua, riêng Tập đoàn Vingroup đã thông qua tỉnh Hội hỗ trợ nuôi dưỡng tập trung 30 trẻ mồ côi tại Trung tâm Hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích của Tập đoàn ở Bắc Ninh. Sau 1 năm học, các em đều là những học sinh học giỏi, hát hay, trò ngoan của các trường thuộc thành phố Bắc Ninh. 125 em khác được nhận học bổng lâu dài, mỗi tháng từ 500.000 - 700.000 đồng, trong đó có 25 em là sinh viên Cao đẳng, Đại học.

 

Có thể nói, với đội ngũ cán bộ Hội đầy tâm huyết, đoàn kết, luôn luôn lấy mục tiêu là tất cả hoạt động đều hướng tới việc làm, học tập, thu nhập, đời sống của người khuyết tật và trẻ mồ côi, các phong trào thi đua yêu nước, bảo trợ cho người khuyết tật, trẻ mồ côi của tỉnh Hội Hà Tĩnh thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chăm sóc tốt hơn nữa cho những số phận thiệt thòi tại địa phương, tỉnh Hội rất mong được đón nhận sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương Hội, của cấp ủy chính quyền các cấp, sự phối hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, Ban ngành, đoàn thể, của tổ chức chính trị xã hội,phấn đấu hoàn thành các chương trình, mục tiêu mà Hội để ra.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi