Lớp học miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam; học sinh nhỏ nhất 5 tuổi, lớn nhất 32 tuổi, cùng ê a tập đọc, ca hát, vẽ tranh. Lớp học do GS Nhật Bản Michio Umegaki tài trợ.
Cô Tâm hướng dẫn các em học bài.
Chủ nhật rồi, con đi học thôi!
Lớp học bắt đầu từ 8 giờ ngày Chủ nhật hằng tuần. Mới hơn 7 giờ sáng, phụ huynh, học sinh đã có mặt đông đủ tại Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh (xã Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định). Ông Nguyễn Văn Hợi (ở thị trấn Ngô Mây, Phù Cát), ông ngoại của bé Nguyễn Chí Tường, kể: Đợi cả tuần để được đến lớp, nên sáng sớm, Tường đã dậy, tự chuẩn bị đồ và giục ông đưa tới lớp. Tường năm nay 7 tuổi, chậm nói từ bé, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở góc nhà, ít trò chuyện tiếp xúc với người ngoài. Đúng tuổi, gia đình đưa tới lớp để đi học, nhưng cô giảng bài, Tường không hiểu. "Nghe nói có lớp học này nên đưa cháu đến lớp thử, thấy cháu rất vui vẻ chạy nhảy, hát múa, không có chi vui bằng", ông Hợi rưng rưng.
32 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên Ái Tâm được đến lớp, đến trường. Khuôn mặt già dặn theo tuổi, nhưng vóc dáng và tâm lý của Tâm vẫn như đứa trẻ lên ba. Mỗi ngày với Tâm dài đằng đẵng, lủi thủi một mình, không một ai bắt chuyện, hỏi han được. Nên mỗi khi gia đình có việc hay đi làm đồng đều phải khóa trái cửa để Tâm ở trong nhà mới yên tâm.
Đúng giờ, hai cô giáo Dương Thị Ngọc Tâm và Lê Thị Thắm gọi các em vào lớp. Ai nấy đều "dạ", nhưng có em chạy tới ôm cô, có em lại trèo lên bàn. Có em chạy tít lên cầu thang vài vòng rồi mới chịu ngồi yên trong lớp. "Ở đây, cô giáo phải nhẹ nhàng, đặc biệt là giáo viên đứng lớp phải... mặc đẹp, nếu không, có nói mấy các em cũng không chịu nghe", cô Tâm mách nhỏ. Tham gia đứng lớp từ ngày đầu tiên, với cô Tâm, lớp học có nhiều kỷ niệm và cũng không ít những cú đứng tim. Có em đột nhiên lao lên cầu thang rồi cứ thế chạy khiến cô vừa đuổi theo đuối sức vừa sợ nhỡ may có chuyện gì.
Phải hiểu sở thích của trò
Lớp có 25 học sinh, nhưng phải có 2 giáo viên cùng đứng lớp, vì cùng một buổi học nhưng có em thích vẽ, có em thích học toán, làm văn, có em lại thích hát. Lớp học phải trang bị sẵn máy chiếu và mở những bài hát tuổi thơ để kích thích tâm lý vui học của các em. Các cô chủ yếu quan sát, nắm bắt tính cách, sở thích của từng em để lên giáo án dạy. Mới vào lớp được vài phút bỗng dưng Linh (25 tuổi) thu hết sách vở vào cặp và đòi về vì... đói bụng dù mới ăn sáng trước đó. Cô Tâm lại phải dỗ khéo, chút xíu nữa sẽ có phát bánh ngọt và sữa thì Linh mới chịu ngồi lại học tiếp.
Chưa đến giờ giải lao nhưng "thầy giáo thể dục" đã trực sẵn ngoài hành lang. Đó là ông Huỳnh Văn Phụng, nhân viên trạm y tế và quản lý người khuyết tật của xã, cũng là người kết nối GS Michio Umegaki với các em khuyết tật. Nhác thấy ông, lũ trẻ ùa ra gọi "bố, bố", đứa ôm chân, đứa đòi bồng bế. Ông Phụng thổi còi nhựa, chỉ một lát sau, đám trẻ xếp thành hàng ngang ngay ngắn, tập thể dục.
Ông Phụng không ít lần dẫn các đoàn về tìm hiểu về nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật trên địa bàn, nhưng rồi họ đều bặt vô âm tín. Năm 2012, lời chia sẻ "thẳng thừng" của ông với GS Umegaki (trong một lần vị khách người Nhật này đến thăm) bất ngờ có hiệu quả. Giáo sư đồng ý hỗ trợ 200 USD/tháng để mở lớp học miễn phí cho các em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam, bắt đầu từ tháng 9/2012, trong vòng 3 năm. "Tôi chỉ mong lớp học được duy trì lâu bền để thấy các em vui cười mỗi ngày như vậy là hạnh phúc lắm rồi", ông Phụng chia sẻ.
Tám giáo viên trong Trường THCS số 2 Cát Trinh đảm nhận việc dạy, trong đó có giáo viên tổng phụ trách, giáo viên dạy nhạc, họa, hầu hết là giáo viên trẻ tình nguyện tham gia đứng lớp. Lớp học duy trì được hơn 2 năm, giáo viên, phụ huynh ai nấy phấn khởi vì các em tiến bộ rõ rệt. Có em đã tự làm được cả đoạn văn ngắn, biết đếm số, làm toán. Đặc biệt là tâm lý các em trở nên vui vẻ, hòa đồng, thấy người lớn thì khoanh tay chào, thấy cô giáo từ xa đã hô to và chạy lại ôm chặt. Có em xung phong đứng hát trước lớp khiến ai nấy cảm động. "Nhưng theo như cam kết, đến tháng 9/2015 này là dự án sẽ kết thúc. Nếu không tìm được nhà tài trợ, sợ rằng lớp học sẽ không duy trì được thì tội cho mấy em quá!", cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu phó trường Cát Trinh, tâm sự.
Cô Hiền chia sẻ, lớp học ban đầu chỉ có 13 em trong xã, rồi tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh các xã lân cận tìm đến xin cho con nhập lớp. Mỗi buổi học, các em được trang bị dụng cụ học tập, ăn bữa lỡ. Những khi có các hoạt động lễ, tết hay may đồng phục cho các em, thầy cô lại chia nhau chạy quanh để xin kinh phí.
(Theo Báo Tiền Phong)
Tin mới
- Thêm phụ cấp cho nhà giáo dạy người khuyết tật, nghề đặc thù - 23/03/2015 12:43
- Taxi dành cho người khuyết tật lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội - 23/03/2015 12:39
- 20 thí sinh vào bán kết liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” - 23/03/2015 12:34
- Ngôi chùa khuyến học - 23/03/2015 12:31
- Phim ngắn 'Khóc ngược' về cô gái không thể đi - 23/03/2015 11:48
Các tin khác
- Người mẫu khuyết tật diễn thời trang bằng xe lăn, chân giả tại Tokyo - 23/03/2015 11:24
- Taxi cho người khuyết tật - 23/03/2015 10:52
- Tỉnh Hội Sơn La: Tặng 70 xe đạp, xe lăn cho người khuyết tật - 21/03/2015 02:56
- Tỉnh Hội Hà Tĩnh: Tặng xe lăn, xe đạp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi - 20/03/2015 08:12
- Học bổng dài hạn - cơ hội cho trẻ mồ côi được học tập trọn vẹn - 20/03/2015 08:09