Thứ sáu, 20 Tháng 3 2015 15:09

Với trẻ mồ côi, thiệt thòi lớn nhất là thiếu vắng đi sự chăm sóc về cả vật chất và tinh thần của người cha, người mẹ. Hoàn cảnh ấy cũng đẩy các em vào những nguy cơ tiềm ẩn khác như không được chăm sóc sức khỏe, phải nghỉ học hoặc không được đến trường,... Tìm ra phương pháp hỗ trợ thích hợp, đảm bảo quyền bình đẳng, hướng tới tương lai cho các em là việc làm cần thiết của các tổ chức thành viên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Thời gian gần đây, ngoài hình thức vận động trao tặng học bổng một lần, xe đạp, quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật, nhiều tổ chức Hội đã quan tâm đến tương lai của các em hơn, vận động trao tặng những suất học bổng dài hạn, giúp các em yên tâm học tập.

Bà Trần Thị Na, PCT tỉnh Hội Phú Thọ:

Phú Thọ là địa phương còn nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt với người khuyết tật, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, đời sống của các đối tượng trong tỉnh đã được cải thiện đáng kể.

Riêng đối tượng trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, học giỏi, nhưng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội đã vận động hỗ trợ theo hình thức học bổng dài hạn cho các em. Thông qua điều tra, nắm bắt đối tượng, Hội xây dựng cơ sở dữ liệu về các em cần giúp đỡ. Trên cơ sở đó, Hội tuyên truyền, gặp gỡ nhà tài trợ, vận động họ đỡ đầu cho các em. Hội đã nhận được sự hưởng ứng của Công ty TNHH Jakjin Việt Nam (là doanh nghiệp FDI có 100% vốn từ Hàn Quốc, đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ) đã nhận tài trợ thường xuyên cho 15 em mồ côi cả cha lẫn mẹ thuộc các huyện Đoan Hùng, Tam Nông, Cẩm Khê, Lâm Thao và thành phố Việt Trì. Mức hỗ trợ 300.000 đồng/1 em/tháng được triển khai từ tháng 8/2014 và hỗ trợ cho đến khi các em hoàn thành chương trình Phổ thông. Độ tuổi thụ hưởng chương trình là học sinh đang học cấp tiểu học và trung học cơ sở. Số tiền hỗ trợ này được chi trả qua thẻ ATM (đối với những gia đình có tài khoản ngân hàng) hoặc các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội để trao tận tay các gia đình.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hội, đây là hoạt động hết sức hiệu quả, ý nghĩa, giúp các em yên tâm vượt qua mặc cảm và khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và học tập. Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng lâu dài, bền vững còn góp phần gắn kết các em với nhà tài trợ. Trong dịp Tết ất Mùi vừa qua, cũng là dịp kết thúc học kỳ đầu tiên các em nhận sự hỗ trợ, Công ty TNHH Jakjin Việt Nam đã tổ chức gặp mặt, trao đổi về tình hình học tập, động viên các em đồng thời tặng mỗi em 10 kg gạo, 200.000 đồng tiền mặt và 1 suất quà Tết.

Hướng trong thời gian tới tỉnh Hội Phú Thọ sẽ tăng cường hoạt động này, vận động thêm các nhà tài trợ tham gia nhằm nhân rộng mô hình trợ giúp này tới nhiều trẻ mồ côi hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, PCT kiêm Thư ký tỉnh Hội Bình Thuận:

Trong quá trình hoạt động của mình, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Thuận rất trăn trở về các hình thức hỗ trợ mang tính bền vững cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trong tỉnh. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đối tượng trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, có khả năng học tập, rất ít có cơ hội được học lên cao do những khó khăn về hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là chi phí học tập, điều kiện vật chất. Nhiều em thường chỉ học được đến bậc Tiểu học hoặc bỏ học giữa chừng ở bậc THCS, thậm chí có em không có cơ hội được đến trường. Việc các em không đi học đến nơi đến chốn cũng đồng nghĩa với khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm và có một công việc ổn định sau này. Đó cũng là lý do Hội xây dựng và triển khai hoạt động hỗ trợ học bổng dài hạn cho các em.

Hội làm việc với nhà tài trợ, vận động họ nếu các em học được thì hỗ trợ các em đến khi ra nghề, sau đó nhận các em vào làm tại đơn vị của mình luôn. Từ sự vận động của Hội và tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, từ 2 năm nay, hoạt động này đã được triển khai với 9 em được hưởng lợi với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng. Các em là những học sinh mồ côi cả cha và mẹ, học giỏi, đang học từ cấp II trở lên. Vì ở cấp Tiểu học, các em vẫn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, gia đình, người thân các em dù có khó khăn vẫn có thể cáng đáng được. Hội cũng thống nhất với nhà tài trợ các khoản trợ cấp được chuyển đến các em hàng tháng chứ không chuyển một lần. Như vậy sẽ đảm bảo hiệu quả khoản tiền hỗ trợ. Hàng năm, Hội đều tổng hợp và báo cáo kết quả học tập của các em đến nhà tài trợ. Vì các nhà tài trợ của Hội rải rác ở nhiều nơi, số trẻ được hỗ trợ chưa nhiều nên Hội sẽ có kế hoạch tổ chức buổi gặp gỡ trực tiếp giữa nhà tài trợ và đối tượng hưởng lợi.

Cùng với hoạt động của Hội trong việc nuôi dạy trẻ khuyết tật tại cộng đồng (hiện nay là 35 cháu), việc trao tặng học bổng dài hạn cho trẻ mồ côi nghèo được đánh giá là hình thức hỗ trợ bền vững, thúc đẩy các đối tượng nỗ lực vượt khó vươn lên. Tuy nhiên, do đối tượng cần được hỗ trợ dài hạn nhiều, có huyện lên tới gần 30 trẻ mồ côi học giỏi mà nguồn lực vận động có hạn nên thực hiện hỗ trợ còn hạn chế. Trong thời gian tới, tỉnh Hội Bình Thuận rất mong tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân để có nhiều trẻ mồ côi được thụ hưởng chương trình này, góp phần đem đến cho các em cơ hội học hành, tương lai bền vững.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi