Thứ hai, 23 Tháng 3 2015 19:39

Việc tham gia giao thông đối với nhiều người khuyết tật (NKT) là tương đối khó khăn. Nhưng trong thời gian tới, những "khó khăn" của họ sẽ phần nào vơi bớt, khi NKT sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể sử dụng dịch vụ taxi làm phương tiện di chuyển. Việc này rất thiết thực để giúp những người kém may mắn, tự tin hơn trong hòa nhập cộng đồng.
Hỗ trợ NKT tự tin hòa nhập cộng đồng...


Quyết định 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NKT giai đoạn 2012 – 2020, nhằm hỗ trợ NKT phát huy khả năng; tạo điều kiện giúp họ vươn lên tham gia bình đẵng vào các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần công sức xây dựng xã hội. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, có ít nhất 80% NKT có nhu cầu tham gia giao thông, được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về giao thông, hoặc được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tương đương.


Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu NKT, chiếm khoảng 6% dân số. Hiện tại đời sống vật chất tinh thần của NKT cũng còn nhiều khó khăn, có tới từ 70 – 80% NKT phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Và 35% NKT cũng nằm trong diện nghèo khó. Gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cũng cản trở NKT tiếp cận các dịch vụ công, giáo dục, y tế, việc làm, đi lại... dẫn đến họ thiếu tự tin trong hòa nhập cộng đồng.


Nhằm giúp đỡ thiết thực hơn cho NKT, hãng taxi Thành Công đang triển khai đề án "taxi dành cho NKT" trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là hãng taxi đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình này. Theo đó bắt đầu từ đầu năm 2015, những NKT trên địa bàn Thủ đô, sẽ được hỗ trợ để có thể tiếp cận loại hình vận chuyển bằng xe taxi của hãng taxi Thành Công, được hỗ trợ lên xuống xe, cũng như giảm giá cước và các dịch vụ hỗ trợ khác...


"Cụ thể, đề án hiện đã được chúng tôi trình các cơ quan chức năng xem xét, song song với đó chúng tôi sẽ liên hệ với Hội NKT, để có kế hoạch triển khai – bồi dưỡng kỹ năng nhận biết các dạng khuyết tật, và kỹ năng phục vụ đối tượng NKT cho tài xế của taxi Thành Công. Đối tượng phục vụ của chúng tôi là NKT ở các bệnh viện, trung tâm y tế; trung tâm chăm sóc NKT; các tổ chức bảo trợ xã hội. Từ đầu năm 2015, NKT nếu có nhu cầu đi taxi, có thể liên hệ với chúng tôi để được phục vụ. Chúng tôi sẽ có những ưu đãi đặc biệt, về giá cước, trước mắt chúng tôi giảm 30 – 50% đối với NKT đi tuyến cố định; và 20 đến 40% đối với NKT là khách vãng lai" – ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐ thành viên taxi Thành Công cho biết.


Bày tỏ quan điểm về đề án trên, ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội NKT TP Hà Nội cho biết: "Đây là một đề án rất nhân văn thiết thực, trong việc giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng, việc này khiến chúng tôi rất xúc động. Hiện tại TP Hà Nội có khoảng 90. 000 NKT, nhưng chỉ có khoảng 9.000 người đăng ký là hội viên hội khuyết tật TP Hà Nội. Để triển khai tốt, và phát huy đầy đủ ý nghĩa của chương trình này, chúng tôi mong rằng taxi Thành Công sẽ nỗ lực cố gắng trong việc trang bị phương tiện; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để tài xế phục vụ tốt cho NKT, cũng như giảm giá cước để làm sao NKT dễ dàng tiếp cận dịch vụ di chuyển này".


Bản thân là một NKT, nhiều năm nay việc di chuyển phải dựa vào xe lăn, chị Trần Thị Bích Hường, (Hội NKT quận Long Biên) không giấu nỗi sự xúc động, khi trao đổi với PV báo PL&XH:
"Tôi rất vui mừng, khi được biết có hãng taxi lại hỗ trợ những NKT chúng tôi. Bản thân tôi cũng từng gặp thực tế, khi có nhu cầu đi taxi, nhưng gọi mãi mà các tài xế đều từ chối phục vụ, vì hỗ trợ chúng tôi lên xuống xe khá khó khăn. Tôi được biết, Nhà nước cũng có những chính sách nhằm hỗ trợ những người kém may mắn như tôi, ví dụ như đi xe buýt được giảm giá. Tuy nhiên, những NKT vẫn chưa tiếp cận được với loại hình ưu đãi từ xe buýt, do tính cơ động của xe buýt, không bằng taxi, xe buýt không thể vào các ngõ ngách theo yêu cầu của chúng tôi được. Đây là một chương trình nhân văn, ý nghĩa mà không phải DN nào cũng có thể làm, đã khiến chúng tôi rất xúc động" - chị Hường tâm sự.

 

Từ đầu năm 2015, loại hình phục vụ taxi cho NKT lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội – chưa địa phương nào trong cả nước có chương trình này.

 

Tính khả thi đến đâu?


Hỗ trợ giúp đỡ NKT, đang trở thành vấn đề cấp bách, cần được xem xét giải quyết trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhưng các dịch vụ dành cho NKT chưa được chú trọng đúng mức. Chính vì thế, đề án của taxi Thành Công, quan tâm hơn đối với NKT đã được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng băn khoăn về tính khả thi của đề án này.


Theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong bối cảnh các DN vận tải đều chạy đua lợi nhuận, nên dịch vụ hỗ trợ NKT là một việc làm nhân văn ý nghĩa.


"Ở nhiều nước trên thế giới người ta đã làm từ lâu, nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa có điều kiện để có thể triển khai thật tốt. Cách đây 8 năm, ngân hàng Châu Á cũng đã hỗ trợ chúng ta thực hiện đề án hỗ trợ NKT có thể sử dụng xe buýt, ở các TP lớn như: Hà Nội; TP HCM; Đà Nẵng, nhưng khi thực hiện chỉ mỗi TP HCM triển khai được. Việc này rất nhiều khó khăn, do phương tiện người lái phải có những tiêu chuẩn "đặc biệt" mới có thể phục vụ tốt nhu cầu của NKT. Tôi thực lòng mong muốn, hãng taxi Thành Công sẽ vượt qua khó khăn, thách thức ban đầu. Tôi nghĩ, đơn vị nên xin ý kiến các cơ quan chức năng, để được hỗ trợ và làm thật tốt đề án nhân văn và ý nghĩa này" – ông Đỗ Xuân Hoa nói.


Tuy nhiên, ông Hoa cũng băn khoăn về cước taxi nếu giảm tới 50% cho NKT thì vẫn còn cao. Bởi xuất phát từ thực tế, ông Hoa cho rằng, những NKT kiếm được việc làm có thu nhập đã là khó, mà thu nhập của họ phần lớn đều... không cao. Cước taxi bình thường từ 11.000đ đến 15.000đ/km, nay nếu giảm 50% thì với thu nhập của nhiều NKT, họ cũng khó tiếp cận loại hình di chuyển này.


"Thực tế là, ở TP HCM, hiện miễn phí cho NKT đi xe buýt, nhưng cũng không có nhiều NKT sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại. Một vấn đề nữa, tôi không rõ cụ thể chính xác thời gian nào taxi Thành Công triển khai đề án này?" – ông Hoa nêu thắc mắc.


Thực tế, vấn đề hỗ trợ NKT hòa nhập với cộng đồng cũng được Nhà nước rất quan tâm, chúng ta có Luật, có những Nghị định hướng dẫn. Thời gian vừa qua triển khai các văn bản về quản lý vận tải, Nghị định 86, thay thế Nghị định 91, 93 của Chính phủ cũng đặt vấn đề này. Đặc biệt, Bộ GTVT trong thông tư 63 năm 2014 cũng đặt vấn đề yêu cầu tất cả các phương tiện vận tải hành khách trên tuyến cố định, từ năm 2016 trở đi phải có vị trí dành cho NKT, đặc biệt là NKT vận động. Đây là vấn đề rất khó đối với các DN vận tải, trong điều kiện của chúng ta hiện nay, vì phải có vị trí riêng và hệ thống hỗ trợ cho NKT lên xuống. Rõ ràng, việc taxi Thành Công đi đầu trong các DN vận tải ở HN,triển khai kế hoạch phục vụ NKT như vậy là rất đáng hoan nghênh.


Ông Nguyễn Khương Duy, GĐ taxi Thành Công:
"Trước 1 – 3 – 2015, chương trình hỗ trợ NKT sẽ triển khai"
Trao đổi với PV báo PL&XH ông Nguyễn Khương Duy, GĐ hãng Taxi Thành Công cho biết: "Chương trình hỗ trợ NKT, chúng tôi không chờ đến khi cơ quan chức năng cho phép mới làm, mà sẽ triển khai trước 1 – 3 – 2015, vì ý thức của DN thấy rằng triển khai càng sớm càng tốt".


Theo ông Duy, đề án này đã được taxi Thành Công trình cơ quan chức năng từ 2 năm trước, để họ xem xét ủng hộ. Nhưng cho đến nay không nhận được ý kiến phản hồi, mặc dù Cty rất mong muốn nhận được sự ủng hộ của cơ quan chức năng cũng như từ phía cộng đồng và các nhà hảo tâm.


"Đến giai đoạn này chúng tôi quyết định triển khai. Cụ thể, chương trình được chúng tôi chia làm 2 giai đoạn, thứ nhất, triển khai trước 1 – 3 – 2015, tất cả 100% taxi của hãng Thành Công đều sẵn sàng phục vụ NKT khi họ có yêu cầu. Các tài xế được tập huấn kỹ năng giúp đỡ NKT hỗ trợ họ lên xuống xe, và thực hiện việc giảm giá cước theo quy định Cty. Sang giai đoạn 2 chúng tôi sẽ có xe chuyên dụng (đặc biệt) để phục vụ NKT, đồng thời hoàn thiện hơn nữa chương trình về cách phục vụ, hỗ trợ NKT gọi taxi, cũng như cách tính cước cụ thể minh bạch, có thể xây dựng một "gói cước" hộ trợ riêng cho NKT, và thanh toán cước qua thẻ quẹt" – ông Duy nói.

 

Được biết, ngay trong tháng 2-2015 taxi Thành Công phát hành một loại thẻ cho khách hàng (nói chung), việc thanh toán cước qua thẻ - đối với NKT, cũng có những "ký hiệu" riêng để nhận biết, và có chế độ giảm giá. Về hệ thống điều hành, có đường dây nóng để NKT khi có nhu cầu đi xe gọi vào được hướng dẫn cụ thể. Đối với phương tiện, cũng sẽ có những ký hiệu, biểu tượng để khách hàng dễ nhận biết, yêu cầu phục vụ.

 

(Theo Báo Pháp Luật Xã Hội)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi