Thứ hai, 02 Tháng 3 2015 22:36

Bắt đầu từ ngày 1/3, Thông tư 22/2104/TT-BTTTT Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành sẽ có hiệu lực và đây là giai đoạn đầu tiên trong việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định.

 

Thay đổi mã vùng điện thoại cố định chính thức có hiệu lực từ 1/3

 

Như Dân trí đã đăng tải thông tin trước đó, vào ngày 1/3/2015, Thông tư của Bộ TTTT về việc Quy hoạch kho số viễn thông sẽ chính thức có hiệu lực, mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh thành trên cả nước sẽ chuyển đổi về mã vùng điện thoại mới.

Tuy nhiên, người dân cần nắm rõ rằng ngày 1/3/2015 chỉ là ngày Thông tư có hiệu lực và việc chuyển đổi mã vùng của 59/63 tỉnh thành sẽ diễn ra theo từng giai đoạn một, trong vòng 2 năm. Tức, 1/3/2015 chỉ là mốc thời gian để áp dụng chính sách chứ không phải là thời gian phải thay đổi mã vùng điện thoại ngay lập tức. Bởi nó phải có lộ trình sau khi các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật và thông báo đến khách hàng.

 

Theo Cục Viễn Thông, việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ tiến hành thực hiện trong vòng 2 năm và thực hiện theo từng khu vực một (mỗi khu vực có từ 7 - 10 tỉnh, thành).

Trả lời Dân trí trước đó, đại diện Bộ TTTT cho biết, theo quy hoạch cũ thì số đầu mã làm mã vùng cho mạng cố định là 7 và làm mã mạng cho mạng di động là 2 - Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định.

 

Quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch 1 đầu mã làm mã vùng; 8 đầu mã làm mã mạng, trong đó 6 đầu mã làm mã mạng cho mạng di động, 1 đầu mã làm mã mạng sử dụng cho thuê bao di động là thiết bị và 1 đầu mã làm mã mạng cho các mạng viễn thông khác như mạng viễn thông cố định vệ tinh, mạng viễn thông dùng riêng, mạng điện thoại Internet và dự phòng.

 

Mặt khác, với việc không có sự thống nhất trong độ dài quay số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ. Quy hoạch mới giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã vùng là 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại cố định giữ nguyên là 7 hoặc 8 chữ số phụ thuộc vào vùng đánh số cụ thể.

 

Theo nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, khi tiến hành đổi mã vùng của thuê bao, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng; cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày.

 

Do đó, kể từ ngày 1/3 thông tư sẽ chính thức có hiệu lực, việc tiến hành đổi mã vùng sẽ được thông báo rộng rãi đến các thuê bao trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 60 ngày. Đồng thời, việc thực hiện sẽ trong vòng 2 năm, theo từng khu vực khi các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật.


(Theo DanTri.com.vn)

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi