Chủ nhật, 08 Tháng 3 2015 01:06

Trước khi mất, chị kịp để lại cho con gái một cái tên thật dễ thương. Nhưng đến nay cháu bé vẫn chưa thể làm giấy khai sinh bởi người mẹ sinh ra bé có cuộc đời bấp bênh mà đến khi “làm ma cũng không có nơi về”.

Mái ấm từ những “mãnh vỡ”

Trong căn phòng của dãy phòng trọ lập xập đã xuống cấp ở ấp 3, xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương , anh Lâm Sơn Út (48 tuổi) đang cặm cụi pha sữa cho cô con gái nhỏ chưa đầy hai tháng tuổi.

Nằm trong võng, mắt cháu bé mấp máy, miệng chóp chép vì đói nhưng dường như cảm nhận được sự vắng mẹ nên hiếm khi cháu quấy khóc… Khuôn mặt bé sáng bừng như một thiên thần mỉm cười với người đối diện.

Khi vừa chào đời cháu bé bị bỏ rơi một thời gian ở bệnh viện Từ Dũ
Khi vừa chào đời cháu bé bị "bỏ rơi" một thời gian ở bệnh viện Từ Dũ
Anh Út quê ở Trà Vinh, bố mẹ mất sớm. Người vợ ở quê mất khi con còn nhỏ, mình anh lầm lũi nuôi đứa con trai duy nhất, đến giờ cháu 24 tuổi, đang đi phụ ở quán cơm chay ở Củ Chi (TPHCM).

Cuộc sống ở quê quá khốn khó, cách đây 7 năm, anh lên Bình Dương làm công nhân. Bấy nhiêu năm thui thủi, chưa lúc nào nghĩ mình sẽ đi bước nữa cho đến khi anh gặp chị Đường Thị Quyên – cũng là công nhân tha phương với tình cảnh ai biết cũng ngán ngại.

Chị Quyên mồ côi bố mẹ từ nhỏ, học hết cấp 2 chị từ Nghệ An vào Đắc Lắc làm thuê và lấy chồng. Cuộc sống không hạnh phúc, chồng có người phụ nữ khác, chị “cặp nách” hai đứa con nhỏ vào Bình Dương mưu sinh. Cháu Trần Khánh Ly, lớp 1 và em Trần Khánh Vy đang học mầm non.

Hai số phận đó quyết định gắn bó với nhau. Tình cảm của họ trước hết xuất phát từ sự đồng cảm, của tình người và đã mang đến những giây phút gia đình đúng nghĩa cho cả hai và những đứa con riêng.

Anh Út không biết chữ, lương công nhân hạt điều bèo bọt, điều anh có thể cho người khác là cái tình. Cảnh nhà tít tít khi hai đứa trẻ nhỏ sau giờ học thường dành nhau nhổ tóc sâu, nhổ râu cho ba Út. Anh Út cũng thường dành tiền mua giấy trang trí, bút màu về để hai con vẽ trang trí…

Khi vừa chào đời cháu bé bị bỏ rơi một thời gian ở bệnh viện Từ Dũ
Cháu Lâm Đường Nhã Phương - tên được  người mẹ để lại nhưng đến nay, cháu vẫn chưa thể làm giấy khai sinh.

Quay cuồng vì chuyện cơm áo gạo tiền, đóng tiền học cho hai con, phải ra vào viện thường xuyên do vợ bị suy tim. “Nhiều người nói tui lấy Quyên là rước cục khổ vào người nhưng chưa lúc nào tui thấy mình hạnh phúc như thế, chỉ tiếc quá ngắn ngủi”, anh Út thật tình.

Hạnh phúc đứt gánh khi chị Quyên có bầu. Niềm vui có đứa con chung trở thành đau thương chia lìa mái ấm của những con người chưa từng cầu giàu sang, chỉ mong được sống bên nhau.

Người mẹ chết chưa hết khổ

Suy tim độ 3, chị Quyên được bác sĩ cảnh báo tính mạng nguy hiểm nếu sinh con. Anh Út gật đầu, động viên vợ rằng mình đã có ba đứa con. Tầm 4 – 5 lần, cầm nhúm tiền trong tay, anh với chị đến viện tính bỏ đứa bé nhưng vào đến cổng chị lại quay ra.

Chị hứa cho chồng vững tinh thần: “Bỏ con là có tội mà cũng chưa chắc được giữ mẹ. Sinh con, em sẽ khỏe”. Chị như đang dối lòng mình.

Trước Tết, chị Đường sinh con tại bệnh viện Từ Dũ khi thai mới 35 tuần. Đó là những ngày khủng khiếp khi tính mạng của vợ hết sức nguy kịch. 3 ngày tuổi, cháu bé nằm một mình trong bệnh viện Từ Dũ không người thân khi bố phải đưa mẹ sang bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị.

Anh Út chăm cô con gái - lần thứ hai trong cuộc đời anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con 
Anh Út chăm cô con gái - lần thứ hai trong cuộc đời anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con 

Trong túi anh không có tiền, may mắn cô em họ của vợ chạy, người quen, hàng gom góp dúi tiền cho anh. Ở viện, biết hoàn cảnh anh chị, người này người nọ dúi vào tay anh từng đồng tiền lẻ. Nhiều ngày ở viện, anh chỉ ăn bánh mỳ không, phần cơm từ thiện để dành vợ. Thương con nhỏ mới sinh nằm lạnh lẽo một mình, hai đứa con ở nhà phải gửi hàng xóm trông nom hộ.

Khi tính mạng vợ qua cơn nguy kịch, đã có thể về nhà anh Út mới có thể tức tốc đón cô con gái mới sinh về sau gần hai tuần “bị bỏ rơi”. Quay như chong chóng, rã rời nhưng về nhà trọ, ai cũng thấy anh tủm tỉm cười khi vợ con bình an. Mà rồi chỉ hơn hai tuần sau, chị Quyênyếu đi và qua đời.

Lần thứ hai anh rơi vào cảnh mất vợ, gà trống nuôi con. Quá quen với cái khổ, anh không ngầm ngùi cho bản thân mà thương cho người vợ bạc mệnh và những đứa con của mình.

Họ hàng bên ngoại chị Quyên ở quê ở Nghệ An mới đầu không chấp nhận đưa chị về nhà cửa chị không còn, chị đã lấy chồng, làm ma phải về nhà chồng. Nhưng anh Út mồ côi, ở quê cũng chẳng còn nhà cửa, đâu người hương khói. Dằng co mãi, cuối cùng phía họ hàng chị Quyênmới chịu nhận tro cốt chị.

Ly tan một gia đình

Mẹ mất, ba cha con ngơ ngác. Chồng cũ chị Đường đã thẳng thừng từ chối, không nhận nuôi con. Anh Út nói, nếu có sức, anh sẽ nuôi hết, không để các con phải tan tác.

Nhưng giờ anh ôm đứa con nhỏ, không đi làm được, không có tiền, lấy gì để lo cho các cháu ăn học. Hai chị em phải chia lìa, cháu 3 tuổi gửi về người quen ở Nghệ An, một cháu gửi Bình Phước trông nuôi tạm thời chứ chưa nói trước được lâu dài.

Anh Út chăm cô con gái - lần thứ hai trong cuộc đời anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con 
Mái ấm của ba đứa trẻ thiệt thòi Khánh Ly, Khánh Ly, Nhã Phương ly tan khi mẹ mất, bố chưa thể đi làm

Trước khi mất, chị Quyên kịp đặt cho cô con gái mới chào đời cái tên thật đẹp, dễ thương: Nhã Phương. Tên để khẳng định cháu đã đến với cuộc đời này chứ đến nay cháu vẫn chưa thể làm giấy khai sinh. Chị Quyên ở Nghệ An, hiện sống ở Bình Phước nhưng hộ khẩu nằm Đắc Lắc – nơi chẳng còn ai. Cũng vì thế mà anh chị cũng không làm giấy đăng ký kết hôn.

Thấy cám cảnh nuôi con nhỏ của anh, nhìn cháu Nhã Phương trắng trẻo, đáng yêu, đã có nhiều lời ngỏ ý xin nhận cháu về nuôi. Ai cũng lo anh Út trước sau cũng phải cho cháu bé nhưng anh hất tay ngay: “Con thà không thấy mặt chứ cha con tui giờ thế này, cho sao được. Tiền sẽ kiếm được, nhưng kiếm con ở đâu ra”.

Tiếng ầu ơ của người cha réo rắt, buồn thương cho cả khu trọ nghèo
Tiếng ầu ơ của người cha réo rắt, buồn thương cho cả khu trọ nghèo

Hơn hết với anh Út, đứa con này được đánh đổi bằng tính mạng của vợ. Cháu có số mạng rất lớn, đã trải qua nhiều lần chết hụt.

Khi đối diện với thực tế cuộc sống, anh Út bất lực thừa nhận rằng mình không có nhiều lựa chọn. Anh sẽ phải gửi cháu về quê nhờ người chị trông nom một thời gian, anh trên này mới có thể đi làm kiếm tiền…

Tiếng ầu ơ của người cha ru con, cảnh anh Út tẩn mẩn thay đồ, tắm táp, ôm thơm cô con gái làm nao lòng cả khu trọ nghèo.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi