"Trợ cấp giảng dạy đối với giáo viên dạy hòa nhập cho người khuyết tật" là một quy định hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến những đối tượng trẻ em chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Nội dung trên được cụ thể hóa bằng quyết định số 69/2011/QĐ-UBND ngày 7/11/2011 của UBND TP.HCM. Thế nhưng từ đó đến nay việc thực hiện quyết định trên luôn gặp trắc trở.
Quyết định nhân văn, nhưng...
Theo quyết định (QĐ) 69, tất cả những giáo viên (GV) hưởng lương ngân sách trực tiếp dạy hòa nhập cho học sinh (HS) khuyết tật trên địa bàn TP.HCM đều được hưởng mức trợ cấp là 200.000đ/tháng/một HS (đối với bậc học mầm non), 260.000đ/tháng/một HS (đối với bậc tiểu học), 320.000đ/tháng/một HS (đối với bậc THCS) và 365.000đ/tháng/một HS (đối với THPT và giáo dục thường xuyên).
Trường hợp một GV giảng dạy cho từ hai HS khuyết tật học hòa nhập trở lên thì chỉ được hưởng tối đa mức trợ cấp cho hai HS. TP sẽ cấp kinh phí cho Sở GD-ĐT và UBND các quận huyện để thực hiện chính sách này. QĐ được ban hành vào tháng 11/2011 và cho phép "ngược thời gian" thực hiện về 11 tháng trước (tức áp dụng từ 1/1/2011), thành phố sẽ cấp kinh phí bổ sung.
Sau QĐ trên, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có ba văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó cụ thể hóa: ở mầm non, nếu lớp có hai GV giảng dạy thì cả hai cùng được hưởng mức trợ cấp; ở tiểu học, ngoài GV chủ nhiệm, nếu có nhiều GV khác như thể dục, mỹ thuật, âm nhạc cùng dạy, thì cả bốn GV cùng được hưởng trợ cấp. Tương tự, ở bậc THCS và THPT, nếu lớp có HS học hòa nhập mà nhiều GV được phân công giảng dạy thì tất cả đều được hưởng trợ cấp.
QĐ nói trên được giáo giới đánh giá là rất nhân văn.
Nhưng, từ khi QĐ có hiệu lực (ngày 1/1/2011) đến nay, tại phần lớn các quận huyện trên địa bàn TP, việc thực hiện lại chưa đi đến đâu. Thậm chí có những quận huyện, GV còn chưa hề được biết đến chính sách này. Tại Q.6, mới đây, khi biết đến QĐ, nhiều GV ngỡ ngàng. "Tại sao lâu nay chúng tôi chưa từng được hưởng?" - một GV bức xúc.
Tại Q.Bình Tân, sau một thời gian đấu tranh kéo dài, năm ngoái tập thể GV Trường THCS Bình Hưng Hòa đã nhận được một "cục" tiền hơn 82 triệu đồng "trợ cấp giảng dạy hòa nhập" từ UBND quận (cả quận chi khoảng 940 triệu đồng), rồi "im" luôn từ bấy đến nay. Theo tính toán của một GV của trường: cô có hai năm dạy HS khuyết tật hòa nhập, sau khi "cân đong đo đếm" trường chia cho cô 1,5 triệu đồng, tính ra mỗi tháng cô được "trợ cấp" khoảng 50.000đ cho một HS, chỉ bằng khoảng 1/6 so với quy định (quy định là 320.000đ/tháng/một HS).
Còn tại Q.6, Công đoàn Trường THCS Lam Sơn đã có văn bản gửi cấp trên để hỏi rõ về khoản "trợ cấp giảng dạy hòa nhập", được lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận trả lời: "Trong năm học 2013-2014, cả Q.6 chỉ được cấp 120 triệu đồng. Phòng GD-ĐT đang thảo luận với Phòng Tài chính - kế hoạch để chia đều số tiền trên".
Thực tế vừa nêu cho thấy việc thực hiện trợ cấp đối với GV dạy hòa nhập cho người khuyết tật tại các quận đang gặp khó và chưa bao giờ thực hiện đúng theo QĐ 69 của UBND TP.HCM.
Việc thiếu kinh phí khiến các giáo viên dạy học sinh khuyết tật bị thiệt thòi - Ảnh minh họa: Phùng Huy
Tiếp tục chờ
Trả lời chúng tôi về khoản tiền 120 triệu mà cả Phòng GD-ĐT Q.6 được cấp trong năm học 2013-2014, ông Lưu Hồng Uyên - Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 - cho biết: khoản "trợ cấp dạy hòa nhập" năm 2012 thì quận đã chi, còn nợ GV năm 2013 và 2014 với số tiền khoảng hai tỷ đồng. Ông Uyên cũng cho hay, toàn quận có khoảng 200 HS khuyết tật học hòa nhập với ước tính số tiền chi cho GV lên đến 1,2 tỷ đồng mỗi năm chứ không phải chỉ 120 triệu đồng.
Nguyên nhân trực tiếp khiến không thực hiện được quy định, theo Sở GD-ĐT là các quận huyện thiếu tiền. Cụ thể, do số GV dạy HS khuyết tật hòa nhập khá lớn, nhất là ở bậc THCS, so với dự toán ban đầu, nên khoản kinh phí dự chi được cấp cho các quận huyện là rất thiếu. Vì vậy, mỗi quận huyện có cách làm khác nhau, có quận chỉ chi cho GV chủ nhiệm, có quận chi đều cho các GV. Để giải quyết khó khăn, Sở GD-ĐT đã đề xuất TP cấp kinh phí bổ sung.
Phòng Kế hoạch - tài chính của Sở GD-ĐT cho biết, thống kê trên số lượng HS học hòa nhập và số GV giảng dạy đối tượng này, trong ba năm qua, TP cần khoảng 63 tỷ đồng, nhưng mới chi có 17 tỷ đồng, còn thiếu 46 tỷ đồng. Khó khăn nữa là trên thực tế, HS học hòa nhập thật, nhưng hồ sơ lại không đạt theo yêu cầu của ngành tài chính. Đoàn khảo sát yêu cầu các trường, trước mắt cố gắng hoàn chỉnh hồ sơ. Nếu việc này là quá khó khăn thì hai sở GD-ĐT và Tài chính sẽ có giải pháp đề xuất UBND thực hiện trong thời gian tới, kể cả việc cho GV truy lãnh.
(Theo Báo Phụ Nữ)
Tin mới
- Tỉnh Hội Đắk Lắk: Tặng 50 xe đạp cho trẻ em khuyết tật, mồ côi huyện Krông Bông - 18/03/2015 07:54
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Tặng nhà đại đoàn kết cho bệnh nhân nghèo - 18/03/2015 07:45
- Hơn 18,1 tỷ đồng chăm lo Tết cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người nghèo - 18/03/2015 07:40
- Mái ấm của những công nhân 'cá biệt' - 16/03/2015 05:27
- Lớp võ đặc biệt - 16/03/2015 03:59
Các tin khác
- Gặp gỡ nhóm tình nguyện nấu ăn cho người nghèo - 16/03/2015 03:11
- Phẫu thuật mắt và quyền được nhìn thấy của người mù nghèo - 13/03/2015 09:51
- Khảo sát điều tra đối tượng giúp thực hiện hiệu quả các mô hình trợ giúp - 10/03/2015 09:39
- Nhiều công trình xây dựng “bỏ rơi” người khuyết tật! - 10/03/2015 04:52
- 1.000 người mù nghèo được hỗ trợ mang lại ánh sáng - 09/03/2015 10:02