Thứ sáu, 13 Tháng 3 2015 16:51

Theo số liệu của ngành Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù. Công tác phòng chống mù lòa là vấn đề của sức khỏe cộng đồng, đã và đang đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền các cấp, sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu thị giác mà Việt Nam đã cam kết với WHO là giảm tỷ lệ mù loà xuống dưới 0,3% vào năm 2020.
Tình hình mù lòa ở Việt Nam

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Quốc tế về Phòng chống mù loà (IAPB) đã đưa ra sáng kiến toàn cầu "Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy" nhằm khuyến cáo và huy động tất cả các nguồn lực và cố gắng của quốc tế và chính phủ các nước để đạt mục tiêu thanh toán mù loà có thể phòng tránh được vào năm 2020. Năm 2000, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đã ký cam kết ủng hộ sáng kiến toàn cầu nhằm loại trừ các bệnh gây mù có thể phòng và chữa được, cụ thể hoá chương trình "Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy".

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, công tác phòng chống mù lòa (PCML) ở Việt Nam đạt những kết quả khá toàn diện, được cộng đồng và các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong công tác này, ngành Mắt Việt Nam đóng vai trò then chốt đã tích cực củng cố hệ thống chăm sóc mắt trên phạm vi toàn quốc, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng đào tạo cán bộ, ứng dụng các kỹ thuật nhãn khoa tiến tiến trong việc khám , điều trị các bệnh lý về mắt. Năm 2008 Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia PCML trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt TW đóng vai trò cơ quan thường trực, cùng các tổ chức quốc tế như Quỹ Fred Hollows, Orbis, CBM, HKI, ICEE...đã tạo nên động lực mới trong công tác PCML ở cộng đồng. Đầu tháng 12/2014, Bộ Y tế tổ chức Lễ ra mắt Ban Chỉ đạo quốc gia PCML có trách nhiệm xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược và các Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020; chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các Kế hoạch hành động quốc gia theo từng giai đoạn, huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động phòng chống mù lòa.

Tỉnh Hội An Giang phối hợp tổ chức khám và phẫu thuật mắt cho bệnh nhân nghèo
Tuy nhiên, các bệnh lý về mắt ngày càng nảy sinh phức tạp hơn, đời sống và yêu cầu thực tiễn của người dân cũng có những đòi hỏi cao hơn. Trong khi đó, sự thiếu hụt về nhân lực ngành mắt, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng cao, tuyến huyện, vẫn là một trong những thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng chống mù lòa nói riêng. Hàng năm, các Trung tâm nhãn khoa lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Huế đào tạo hàng trăm bác sĩ chuyên khoa mắt, hàng trăm điều dưỡng mắt nhưng hầu hết ra trường họ trụ lại thành phố lớn, không về tuyến tỉnh công tác. ở tuyến tỉnh rất thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt, phẫu thuật viên có trình độ, tay nghề cao. Do đó, người dân nhất là những người nghèo rất khó khăn tiếp cận các dịch vụ nhãn khoa, chăm sóc mắt, càng làm cho số lượng mù lòa có thể phòng chữa được tồn đọng hàng năm tăng cao và khó kiểm soát.

70% nguyên nhân do đục thủy tinh thể và có thể chữa trị được
Theo một số liệu mới công bố, trong số khoảng 2 triệu người mù lòa ở Việt Nam hiện nay, có tới trên 30% số người mù loà không biết bệnh mình có thể chữa trị được và chữa ở đâu, gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị. Bên cạnh đó, tình trạng tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang đặt ra vấn đề xã hội bức thiết. Cả nước ước tính có 3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 bị cận thị, khi bị các tật khúc xạ nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới mù lòa.

Thăm khám sàng lọc phẫu thuật đục thủy tinh thể cho người cao tuổi tại Lâm Đồng

 


Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của nhiều nhà tài trợ và đã được triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống Hội. Trong hai năm trở lại đây, do khó khăn chung của nền kinh tế, kinh phí tài trợ cho hoạt động này giảm sút, Trung ương Hội đã chuyển hướng phối hợp với một số tổ chức tôn giáo chuyển hướng từ hình thức ủng hộ và tặng quà, nhu yếu phẩm sang tài trợ cho chương trình mổ mắt, vừa tiếp tục duy trì được hoạt động của Hội, vừa mang lại hiệu quả trợ giúp đối tượng bền vững hơn.

Riêng năm 2014, Hội đã phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 14.000 người, trong đó người cao tuổi chiếm 70% với tổng số tiền chi là 9,9 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành Hội tích cực tham gia hoạt động này như: An Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Thanh Hóa, Sơn La.... đã mang lại ngày càng nhiều hơn cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người nghèo có bệnh về mắt. Từ kết quả đó, năm 2015, Hội sẽ tiếp tục tham gia cũng Nhà nước thực hiện chương trình "Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy", góp phần hoàn thành mục tiêu thị giác mà nước ta đã cam kết thực hiện với WHO.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi