Căn bệnh xương thủy tinh quái ác đã khiến một cô gái 27 tuổi chỉ cao 80cm, nặng 15kg, không thể đứng, ngồi và càng không thể đi lại. Ngày ngày chỉ nằm một chỗ nhưng cô gái ấy không chịu đầu hàng số phận. Bằng nghị lực phi thường, cô đã vượt lên chính mình trở thành chủ một cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làm ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Không chỉ có vậy, cô còn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Cô chính là Nguyễn Thị Thu Thương - "Giám đốc" của ThươngThương's hand made, số nhà 13, ngõ 11, Lương Đình Của, Ba Đình, Hà Nộ
VƯỢT LÊN NỖI ĐAU TẬT NGUYỀN
Gặp Thương trong một chiều cuối năm, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Thương là một người con gái đầy nghị lực và bản lĩnh. Khi chúng tôi đến, Thương đang mải miết đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Trên chiếc giường trong căn nhà nhỏ, đã 27 năm qua Thương vẫn nằm như thế.
Anh hùng thầm lặng Nguyễn Thị Thu Thương
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội. Số phận nghiệt ngã ập đến khi Thương không may mắc phải căn bệnh xương thủy tinh từ bé. Chỉ cần một sự va chạm nhẹ xương của em cũng có thể gãy mà rất lâu sau mới liền lại được. Chính vì vậy, đến tuổi đi học nhưng Thương không được đến lớp như các bạn cùng trang lứa. Ngày ngày thế giới duy nhất của em là chiếc giường nhỏ.
Vốn thông minh, Thương học chữ rất nhanh. Nhiều khi một mình ở nhà, Thương lại hì hục viết trên nền nhà. Ngoài công việc đồng áng, mẹ Thương có mở một cửa hàng chuyên sửa chữa quần áo tại nhà, ngoài học chữ, Thương còn nhờ mẹ dạy cách đan len. Sau nhiều lần khổ luyện, tay của Thương chỗ nào cũng chi chít mũi kim đâm nhưng đổi lại Thương đan rất đẹp.
Giao diện trang web www.thuongthuong.net
Vừa chỉ cho chúng tôi xem những vết chai sạn trên đôi bàn tay nhỏ bé, Thương vừa tâm sự: "Hồi đó, bắt đầu cầm kim có nhiều kỷ niệm lắm, khó nhất là khi nằm đan nên que kim như muốn tuột khỏi tay. Nhiều lúc thấy nản nhưng mình lại nghĩ không thể để mẹ thất vọng nên phải cố gắng".
Thời gian trôi qua, thấm thoắt đã hơn 20 năm, bé Thương đã chững chạc hơn rất nhiều. Trong một lần xem chương trình "Người tốt việc tốt" trên đài truyền hình nói về một câu lạc bộ dành cho người khuyết tật mang tên "Vì ngày mai", Thương nảy ra ý định đến học tại trung tâm.
TRỞ THÀNH "ANH HÙNG THẦM LẶNG"
Với quyết tâm vượt lên số phận, những ngày tháng học tập tại trung tâm là sự cố gắng vươn lên của "cô gái thủy tinh" đầy nghị lực.
"Những ngày đầu vào trung tâm còn nhiều bỡ ngỡ nhưng các mẹ, các chị tại trung tâm đều dành cho Thương tình cảm đặc biệt. Người mẹ thứ 2 Lê Thị Hiền, Giám đốc trung tâm còn tặng Thương một lọ hoa kết bằng cúc áo. Thế rồi, từ món quà ấy Thương đã mày mò tự làm theo thành một sản phẩm khác. Sau hai ngày, công trình đầu tay của cô cũng hoàn thành trước sự ngạc nhiên của mọi người. Rồi Thương đã tự mình làm ra được nhiều sản phẩm của riêng mình như: đèn bàn, áo len, lọ hoa...
Nhờ ý chí kiên cường, Thương đã được nhiều người biết đến bởi những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Năm 2008, website: Thuongthuong.net ra đời chuyên bán các sản phẩm do người khuyết tật làm ra, đó là bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời "cô bé thủy tinh". Hàng tháng số tiền thu được từ bán sản phẩm ngoài giúp đỡ gia đình, Thương còn giúp những số phận bất hạnh khác.
Trước mặt chúng tôi là "cô bé thủy tinh" đầy tự tin và rất dễ thương. "Bây giờ Thương rất vui và hạnh phúc khi được nhiều người biết đến, họ biết đến Thương bởi sản phẩm của Thương và các bạn khuyết tật làm ra. Nhiều người nói chuyện với Thương đều gọi Thương là Giám đốc. Lúc đầu nghe hơi ngại nhưng dần cũng quen". Thương vui vẻ nói đến dự định của mình trong tương lai: "Thời gian tới, Thương hy vọng sẽ lập được công ty riêng để có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều trẻ khuyết tật, giúp đỡ các em vượt lên mặc cảm, sống có ích cho cộng đồng và xã hội".
Từ khi được thành lập, website đã thu hút hàng triệu người truy cập, ủng hộ người khuyết tật. Không chỉ bán sản phẩm, trang web còn là nơi chia sẻ nỗi đau, giúp họ vơi bớt mặc cảm, vượt lên số phận. Qua trang web nhiều tổ chức xã hội, cá nhân cũng chia sẻ đóng góp tinh thần cũng như vật chất với những người khuyết tật. Hơn thế nữa, tại www.thuongthuong.netThương và các tình nguyện viên còn thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như chương trình Mùa đông không lạnh diễn ra vào ngày 27-12-2009 đã quyên góp hàng trăm món quà được gửi đến các gia đình khó khăn, trẻ em cơ nhỡ tại bãi giữa sông Hồng.
Với nghị lực phi thường cùng ý chí vượt lên số phận, Thương xứng đáng với danh hiệu "Anh hùng thầm lặng" . Danh hiệu mà chương trình tôn vinh những người khuyết tật điển hình đã phong tặng cho Thương trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công năm 2007. Quả thực, Nguyễn Thị Thu Thương không chỉ là anh hùng trong ý chí vượt lên bất hạnh chiến thắng tật nguyền để sống có ích cho mọi người và cho xã hội, mà còn là anh hùng bởi tấm lòng nhân hậu dành cho những người đồng cảnh.
HẢI NINH
Tin mới
- Lương y Đào Viết Thoàn - thầy thuốc chữa bỏng như huyền thoại - 07/03/2015 06:49
- Ước mơ làm nhười mẫu của cô bé bị bại não - 07/03/2015 03:59
- Khi cô giáo trở thành... gấu mẹ - 06/03/2015 08:03
- Cô giáo xương thủy tinh nặng 15 kg ở Nam Định - 04/03/2015 03:30
- Rơi nước mắt với cuộc chiến chống tử thần của 1 sản phụ - 02/03/2015 03:26
Các tin khác
- Bà mẹ Nhật ở làng Hy Vọng - 28/02/2015 03:09
- Cảm động cô gái 9X khuyết tật viết văn dù chưa từng đến trường - 28/02/2015 02:57
- Tai nạn bom mìn, cậu bé mất hai tay viết bài bằng… ống nhựa - 27/02/2015 19:18
- Cô gái xứ Lạng 11 lần hiến máu - 27/02/2015 02:43
- Cô gái đến trường bằng 2 tay đã được học việc tại Hà Nội - 04/03/2010 07:53