Thứ bảy, 07 Tháng 3 2015 13:49

Tạp chí Người khuyết tật số 5 đã giới thiệu cùng bạn đọc hai phần: “Từ một thương binh nặng trở thành thầy thuốc” và “Hữu xạ tự nhiên hương”. Hai phần của bài viết nói về quá trình ông Đào Viết Thoàn từ một thương binh nặng đặc biệt với ý chí “Tàn nhưng không phế” vượt lên số phận, thương tích đầy mình, bằng tình thương người bệnh với óc sáng tạo trong điều chế thuốc và điều trị bệnh nhân bỏng, ông đã trở thành thầy thuốc giỏi nổi tiếng trên toàn quốc. Tạp chí Người khuyết tật số 6 tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc hai phần tiếp theo trong loạt bài viết về Lương y Đào Viết Thoàn

Thương người như thể thương thân
          Xuất thân là một nông dân nghèo, lại là thương binh nặng, lương y Đào Viết Thoàn càng thấu hiểu và thương cảm cho người bệnh cũng như người thân của họ. Ông  tâm sự: Bệnh nhân bỏng hầu như đều xảy ra ở các thành phần “đáy” của xã hội. Đó là trẻ em và những người lao động nghèo khổ.Trẻ em của gia đình nghèo nên thiếu người chăm sóc, trông coi do đó các cháu tự chơi, mải chơi, ham chơi nên dễ sa vào củi lửa, nước sôi… chỉ đến khi các cháu không may bị nạn, kêu khóc, người lớn mới biết và chỉ còn cách đưa đến cơ sở điều trị. Rồi các cháu chơi nghịch, xảy ra chập điện, bị điện giật gây bỏng. Hoặc ở nông thôn, thiếu tiện nghi, nhà bếp cũng là nhà ăn, chỗ ăn để bếp lửa, thức ăn vừa đun chín ngay cạnh mâm cơm, các cháu hiếu động dễ xảy ra tai nạn. Đối với những người lao động chân tay vì miếng cơm manh áo, họ không nề hà việc gì, do công cụ lao động thiếu an toàn, do tiết kiệm, do thiếu hiểu biết, tính bất cẩn, cẩu thả (ví dụ công nhân điện làm việc trong điều kiện thiếu phương tiện an toàn, bị điện giật, cháy nổ do chập điện, thợ hàn bỏng do cháy nổ khí ga, máy móc cũ nước trong nồi supde động cơ phát nổ của công nhân sử dụng máy móc như máy cày, người sơ ý chạm vào bô xe máy gây bỏng). Do đó, bệnh nhân của lương y Đào Viết Thoàn đều là những người nghèo. Những bệnh nhân quá nghèo ông chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Tôi hỏi cơ sở nào ông biết bệnh nhân nghèo, ông trả lời đơn giản: Có điều kiện thì xem xác nhận hộ nghèo, hoặc căn cứ vào trực quan xem cách họ sống: ăn mặc, sinh hoạt, ăn uống, phương tiện họ dùng…là biết. Hầu hết bệnh nhân nội trú được miễn phí tiền nhà trọ, thậm chí miễn luôn cả tiền điện nước… Vậy là bệnh nhân chỉ phải thanh toán tiền thuốc. Mà tiền thuốc giá cũng rẻ nhất trong các cơ sở khám chữa bệnh. Thuốc do ông tự bào chế, hoặc mua tận gốc ở các cơ sở cung cấp. Không ít bệnh nhân nghèo, gia đình ở xa, khi khỏi bệnh, tiền viện phí thiếu ông lại phải tài trợ cho họ tiền để có lộ phí về nhà.
 

Ông Thoàn đang chăm sóc bệnh nhân
 
         Ông đặc biệt ưu ái với những bệnh nhân, đối tượng chính sách như:
         Tính đến nay đã miễn tiền thuốc, tiền công cho 2369 bệnh nhân là đối tượng chính sách: Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, anh chị em thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, con em đồng đội.
         Miễn toàn bộ giường nằm, điện nước cho 12.586 bệnh nhân nằm điều trị nội trú, miễn tiền công cho 6.574 bệnh nhân là người nghèo và các cháu nhỏ từ mọi miền trên cả nước.
       Tính ra tổng số tiền miễn phí cho các đối tượng chính sách là 6.264.800.000 đồng. Mặc dù điều kiện cuộc sống của bản thân và gia đình ông vẫn còn nhiều khó khăn nhưng sự lớn hơn cả tiền bạc đó là tấm lòng yêu thương bệnh nhân của lương y Đào Viết Thoàn. Thể hiện điều này qua quan điểm, lương tâm và việc thực hiện điều trị của ông.
        Điều thứ nhất: ông luôn quên mình vì người bệnh. Bản thân ông là thương binh nặng, vết thương nhiều, hay tái phát, ông cố giấu nỗi đau đớn, mệt nhọc thể hiện “người thương binh tàn nhưng không phế” theo lời dạy của Bác. Người bệnh cần điều trị là ông không nghĩ đến nghỉ ngơi.
        Điều thứ 2: ông luôn thể hiện trách nhiệm cao với người bệnh. Trong điều trị, bằng mọi biện pháp tích cực để người bệnh mau khỏi, để giảm chi phí, sớm trả về sức lao động cho họ.
        Điều thứ 3 là liệu pháp tinh thần đối với người bệnh, xoa dịu nỗi đau cho họ. Đặc biệt đối với trẻ em, ông vừa điều trị, vừa dỗ dành, bày trò để các cháu đỡ sợ, quen đi nỗi đau.
       Có người nói: Bác Thoàn nịnh con em còn hơn mẹ nịnh con. Ông Thoàn đã chứng minh một điều người thầy thuốc muốn chữa bệnh tốt cũng rất cần tình cảm thương yêu đối với người bệnh. Tôi đã ghi được những lời hay, ý đẹp của đại diện chính quyền, người nhà bệnh nhân khi nói về lương y Đào Viết Thoàn:
         “Bà con ở đây ai cũng quý anh Thoàn, bệnh nhân của anh đa số là người nghèo, có người nghèo đến mức không chỉ được chữa miễn phí mà anh còn biếu cả tiền tàu xe. Anh đã góp phần xoa dịu nỗi đau cho người khác” (ông Nguyễn Xuân The – Chủ tịch UBND xã An Quý).
        “… Tôi cứ tưởng tay mình hỏng rồi, không thể tiếp tục công việc được nữa. Nhưng ông Thoàn khẳng định là ông sẽ chữa lành lặn như thường. Qua 10 ngày tôi thấy tay đã bình phục…” (công nhân Nguyễn Văn Toàn – xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An bị bỏng tia lửa điện ở tay phải).
        “Bác Thoàn giỏi thật, con tôi mới 1 tuổi, bị bỏng ở chân. Bác chữa không làm nó đau, khóc quấy gì cả. Bác ấy nịnh nó còn hơn mẹ nịnh” (chị Nguyễn Thị Thủy – thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy).
        “Con trai tôi là Nguyễn Thế Trung. Trong lúc tôi vôi, không may ngã xuống hố vôi, bị bỏng nặng, tuột da ở 2 đùi, 2 chân, 2 mắt bị vôi bắn vào sưng lồi ra, có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau 10 ngày điều trị ở nhà anh Thoàn, con trai tôi đã được chữa khỏi, nay cháu đã lao động bình thường, vậy mà chỉ hết có hơn 100.000 đồng” (lời anh Nguyễn Thế Oánh – xã Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình).
        “Nhà lương y Đào Viết Thoàn không có biển báo, không có quảng cáo mà bệnh nhân có từ khắp nơi… đều không bị lạc đường vì được người dân địa phương chỉ dẫn đến tận nơi. Hôm tôi đưa con mình đến chữa bỏng ở đây, lúc 19h ngày 16/1/2009, các buồng bệnh đã chật kín, hơn 60 người bệnh già, trẻ, tuy sức yếu vì bị nhiều vết thương từ chiến tranh, lương y Thoàn vẫn tận tình, chu đáo với tất cả bệnh nhân” (cô giáo Nguyễn Thị Thoa, trường T.H Liên Giang, Đông Hưng, Thái Bình).
       “Thương bệnh nhân, nhiều khi vừa chữa anh vừa khóc theo, khuyên mọi người không được chủ quan... để tránh tai nạn bỏng... đặc biệt trẻ em. Người lớn không được lơ là trông coi trẻ dù chỉ vài giây sơ sẩy...”.
      Trường hợp cháu Hồng Thị Khánh Nhi, 2 tuổi, quê Diễn Tân, Diễn Châu, khi chơi đùa bị ngã vào đống rác đang ngùn ngụt cháy: Hai cánh tay, hai bàn tay bị bỏng, 10 ngón tay hầu như chín thịt. Được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Hà Nội rồi đưa về điều trị  cơ sở lương y Đào Viết Thoàn. Khi hỏi về tình trạng cháu đang điều trị, ông Thoàn nói: Khi cháu về đây tôi lo lắng vì cháu quá nhỏ nhưng qua 15 ngày điều trị cháu đã khỏi được 80%. Bà ngoại cháu Nhi cho biết thêm: “Gia đình tôi thật phúc đức được bác Thoàn chữa cho cháu. Cứu được đôi bàn tay và cánh tay . Hàm ơn thầy Thoàn, chết mang đi, sống ghi lòng tạc dạ” (bà Ngoại cháu Nhi, Diễn Tân, Diễn Châu).
      Bà Nguyễn Thị Hơn, vợ ông Thoàn nói về người chồng của mình: “Anh Thoàn nhà tôi bệnh tật đầy mình nên ốm yếu lắm. Vậy mà, từ trước đến nay, bệnh nhân cứ gọi lúc nào là anh ý đi ngay, tôi không yên tâm nên lúc nào cũng lóc cóc theo sau. Ở nhà bệnh nhân lúc nào cũng đông nếu tôi không giúp thì làm sao anh ấy kham nổi”.
Vinh dự lớn lao và ước nguyện tâm huyết của lương y Đào Viết Thoàn
       Ông Đào Viết Thoàn, thương binh nặng đặc biệt (1/4), bằng nghị lực phi thường, vượt lên nỗi đau đớn do nhiều vết thương trên khắp cơ thể, phấn đầu gần 30 năm qua đã trở thành tấm gương sáng về sự kiên trì học hỏi, đầy sức sáng tạo, trở thành người thầy thuốc chữa bệnh nhân bỏng nổi tiếng trong cả nước. Gần 30 năm, điều trị khỏi bệnh an toàn cho 22.729 ca bệnh, tính ra một năm ông điều trị cho gần 1.000 lượt bệnh nhân. Điều trị cho bệnh nhân chủ yếu là ông và vợ, lúc nhiều bệnh nhân mới huy động con cái và người phụ giúp. Ông cũng tốn khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, bào chế thuốc để điều trị có hiệu quả và hạ giá thành sản phẩm. Là thương binh nặng (chân phải teo cứng), các vết thương thường tái phát gây đau đớn, nhiều khi quá mệt nhọc tưởng đứt hơi… Sức khỏe yếu nhưng với kỳ tích điều trị bệnh giúp người như vậy mới thấy nhiệt tình hết lòng vì người bệnh, sức làm việc của ông thật đáng nể, như huyền thoại là vậy.
       Lương y Đào Viết Thoàn, là thầy thuốc tiêu biểu giỏi về chuyên môn (thầy thuốc chữa bỏng như huyền thoại), tiêu biểu về y đức “Lương y như từ mẫu” đã vinh dự được Nhà nước khen thưởng Huân chương lao động hạng Ba, ba Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giải thưởng Hải thượng lãn ông, Giải nhất Hội thi Lao động sáng tạo tỉnh Thái Bình, Giải ba Hội thi sáng tạo toàn quốc, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội viên CCB có công đóng góp xuất sắc cho tuổi trẻ và cộng đồng (tỉnh Thái Bình)… Ông cũng đang được Nhà nước xét tặng danh hiệu Chiến sỹ thi toàn quốc.
 

Ông Thoàn chăm sóc bệnh nhân
 
       Lương y Đào Viết Thoàn không giấu giếm ước nguyện xây dựng bệnh viện chuyên bỏng để phục vụ bệnh nhân các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, có tính chuyên môn cao, kết hợp chữa bệnh bằng y học cổ truyền và y học hiện đại. Ước nguyện là vậy, nhưng đối với ông (xấp xỉ tuổi 60) là quá sức, mong Nhà nước (cấp TW và tỉnh Thái Bình), các ngành chức năng, các nhà tài trợ quan tâm để ước nguyện của lương y Đào Viết Thoàn sớm trở thành hiện thực góp phần tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác điều trị người bệnh, cũng là việc làm để giảm nghèo cho tầng lớp nông dân còn nghèo ở nông thôn khi bị ốm đau, bệnh tật.
      Người viết bài này thiển nghĩ, trong điều kiện nền kinh tế nông nghiệp, người dân nước ta còn nghèo, để góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến TƯ mở rộng mô hình bệnh viện quy mô tập trung các tỉnh đồng bằng như ở Thái Bình là phù hợp. Một ví dụ cho là quá “đắt” cho người bệnh. Tôi có đứa cháu bị viêm phế quản và điều trị ở một bệnh viện TW điều trị tại khoa “tình nguyện, theo yêu cầu”, riêng một giường nằm (phòng 4 giường), một ngày 1.200.000vnđ vì bố mẹ cháu đêm phải trông coi vì cháu sốt quấy khóc, vì bố mẹ cháu “to con” nên phải thuê thêm 1 giường nữa để thay nhau để các cháu đảm bảo có sức khỏe ban ngày đi làm nên thuê thêm giường nữa. Thành ra một ngày đêm riêng giường nằm đã tốn 2.400.000 đồng mà phải điều trị hơn 1 tuần điều trị. Hay trường hợp con dâu của một vị Tổng biên tập báo, mổ đẻ “khoán” cho một bệnh viện cũng cấp TW trọn gói là 18 triệu đồng mà khám định kỳ được cho là thai nhi bình thường. Trong khi một ca mổ đẻ bình thường cũng chỉ hết từ 3 đến 5 triệu đồng. Nếu tính giá thành điều trị theo cơ chế mềm như lương y Đào Viết Thoàn thì đỡ vất vả cho bệnh nhân nhiều lắm (ông Thoàn thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới tính tiền, rồi tùy từng trường hợp còn miễn giảm, có bệnh nhân còn nợ trả sau, thậm chí đợi đến mùa trả bằng thóc). Nói như vậy để các ngành chức năng nghiên cứu trong việc đầu tư cơ sở vật chất và cơ chế chính sách trong việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
       Ông tâm sự: bước đầu, nối nghiệp ông là cậu con trai Đào Văn Hiếu vừa tốt nghiệp ngành y, khoa bỏng cũng theo nghề của bố, hiện mấy tháng nữa sẽ về làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Thái Bình để đỡ đần cho bố phần nào. Hiện ông còn có người con gái đang công tác khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện đa khoa Thái Bình và con rể cũng là bác sỹ đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh Thái Bình. Như vậy, gia đình ông hiện đã có 5 người đang làm việc trị bệnh cứu người trong đó có vợ ông vừa phục vụ gia đình, cũng rất thạo việc điều trị và là trợ tá đắc lực cho ông.

Tác giả bài viết: Ngọc Văn

Nguồn tin: Tạp chí Người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi