Trước mắt Nguyễn Văn Duy và Phan Văn Phú chỉ là bóng tối nhưng vượt lên sự khắc nghiệt của số phận, hai bạn vẫn cố gắng học để chứng minh một điều: những gì người bình thường làm được thì người khiếm thị cũng cũng làm được, thậm chí có thể làm tốt hơn.
Nguyễn Văn Duy sinh năm 1984 trong một gia đình ngư dân nghèo có tới 5 anh em ở xã Phú An, huyện Phú Vang. Còn Phan Văn Phú sinh năm1985, quê ở Lăng Cô, huyện Phú Bài, Thừa Thiên Huế. Mặc dù bị mù bẩm sinh nhưng hiện tại cả hai đang là những sinh viên xuất sắc của Khoa Luật - ĐH Huế.
Sinh viên Nguyễn Văn Duy.
Cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác, cả Duy và Phú đều khao khát được đến trường. Thế nhưng, ở những ngôi trường nơi thôn quê các em lúc ấy chưa có lớp học dành cho học sinh khiếm thị. Tuy nhiên, các thầy cô giáo vẫn thương các em, muốn cho các em có được cơ hội đến trường như những học sinh bình thường. Ước nguyện của các em đã được thực hiện. Thế nhưng việc đó đối với các em thật không dễ khi chỉ biết học theo cách thỉnh giảng.
Duy và Phú xin nghỉ học vì không muốn làm ảnh hưởng đến thầy cô giáo và các bạn. Quanh quẩn ở nhà với bóng tối bao quanh, Duy và Phú nhớ trường, nhớ lớp da diết và ước mơ được biết chữ lại cháy bỏng hơn bao giờ hết. Năm 11 tuổi, Duy gia nhập Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế. 1 năm sau Phú cũng trở thành thành viên của Hội. Ở trung tâm của Hội các em làm quen với chữ Brai và được học các môn văn hóa khác. Nhờ cố gắng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ chỉ bảo tận tình của các thầy cô ở Hội, Duy và Phú đã tốt nghiệp PHTH.
Tuy nhiên cả hai đều không muốn việc học chỉ dừng lại ở đó. Phan Văn Phú vốn có năng khiếu về âm nhạc và đã trở thành sinh viên bộ môn đàn bầu của trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Huế. Còn Duy trở thành sinh viên lớp luật hành chính nhà nước của khoa Luật (ĐH Huế).
Được như ngày hôm nay, con đường trở thành sinh viên của Duy và Phú không phải là đơn giản. Bắt đầu từ việc thi cử. Kì thi tuyển sinh ĐH là kì thi chung của cả nước, không thể tổ chức cho các em những kì thi riêng. Nhưng bù lại Hôi đồng tuyển sinh trường ĐH Huế lại mở cho các em một hướng mới. Đó là cùng chung đề thi, chung thời gian như các thí sinh khác nhưng các em được làm bài bằng cách đọc đáp án vào máy ghi âm. "Kì thi đó có 8 bạn khiếm thính cùng thi. Em may mắn được 20 điểm", Nguyễn Văn Duy cho biết. Đó cũng là điểm thi cao nhất trong 8 thí sinh dự thi.
SV Phan Văn Phú
Đậu vào trường rồi thì việc theo kịp bài giảng của các thầy cô không phải là dễ. Duy phải cố gắng tập trung để có thể nghe và hiểu bài ngay trên lớp. Gặp những bài giảng khó, em ghi vào máy ghi âm rồi về nhà nghiên cứu tiếp.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ba mẹ em đã cố gắng trang bị cho em một dàn máy vi tính để tiện cho việc học. Nhìn Duy thao tác trên bàn phím không ai nghĩ rằng sức nhìn của em chưa đến 5%. Với phần mềm đọc tiếng Việt JAWS việc học của em cũng bớt khó khăn hơn. Điều bất ngờ nhất là ngay trong năm thứ nhất Duy đã được cả trường biết đến với điểm tổng kết cao "ngất ngưởng" 9,2.
Không chịu thua kém, Phan Văn Phú liên tục là sinh viên giỏi của bộ môn đàn bầu. Trong suốt 3 năm học tại trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật, Phú đã tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi dành cho những người tàn tật từ tỉnh cho đến toàn quốc như cuộc thi "Tiếng hát từ trái tim", "Đàn và hát dân ca", 2 Huy chương vàng cuộc thi TDTT dành cho người khuyết tật bộ môn chạy cự li 100m, 200m của tỉnh... Năm 2009, Phú trở thành 1 trong 3 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của trường CĐ Văn hóa nghệ thuật. Trong kì thi tuyển sinh ĐH 2009 - 2010, Phú đăng kí tham gia và hiện nay đang là sinh viên năm nhất khoa luật ĐH Huế.
Liên tiếp các năm học, Nguyễn Văn Duy đều đạt điểm trung bình trên 8,2. Hiện nay Duy cũng đang gấp rút chuẩn bị cho kì thực tập tốt nghiệp. Còn Phan Văn Phú đang nỗ lực để chứng tỏ bản thân trong mối trường học tập mới.
Khi tôi hỏi về ước mơ, cả hai đều trả lời: "Chỉ mong khi ra trường mình được làm việc đúng với chuyên ngành được đào tạo". Còn Phú lại có thêm một ước mơ nữa, đó là có được một dàn máy vi tính để thuận lợi hơn cho việc học tập.
"Trong cuộc sống thường ngày bọn em đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ từ các thầy cô giáo, các bạn trong lớp và đặc biệt là các bạn cùng phòng kí túc. Chính những điều ấy đã giúp bọn em có thêm nghị vượt qua khó khăn trong cuộc sống để vươn lên trong học tập", Phan Văn Phú chia sẻ.
Ra trường được làm việc đúng chuyên ngành đào tạo vốn đã không dễ dàng đối với những người bình thường còn đối với các em con đường đó sẽ còn gian nan hơn nhiều. Nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các em, tôi tin rằng ước mơ đó sẽ sớm được hiện thực hoá. Hạnh phúc luôn mỉm cười với những ai luôn biết vượt qua và chiến thắng số phận!
Hoàng Lam
(Theo dantri.com.vn)
Tin mới
- Chuyện tình của chàng trai khuyết tật lay động thế giới - 19/03/2015 03:08
- 6 lời khuyên khi nói chuyện với trẻ về người khuyết tật - 17/03/2015 07:12
- Cô bé mồ côi chinh phục đường đua - 16/03/2015 02:17
- Câu chuyện có hậu của chàng trai khiếm thị - 14/03/2015 13:52
- Cô bé mồ côi chủ vườn rau di sản - 14/03/2015 13:36
Các tin khác
- Lương y Đào Viết Thoàn - thầy thuốc chữa bỏng như huyền thoại - 07/03/2015 06:49
- Ước mơ làm nhười mẫu của cô bé bị bại não - 07/03/2015 03:59
- Khi cô giáo trở thành... gấu mẹ - 06/03/2015 08:03
- Cô giáo xương thủy tinh nặng 15 kg ở Nam Định - 04/03/2015 03:30
- Rơi nước mắt với cuộc chiến chống tử thần của 1 sản phụ - 02/03/2015 03:26