Nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao, nên giá các mặt hàng này sẽ không có sự tăng giá đột biến trong những tháng tới.
Nguồn cung các mặt hàng trong nước dồi dào nên sẽ không có sự tăng giá đột biến trong những tháng tiếp theo.
Theo thông tin từ cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 3/2023, tổ chức ngày 30/3, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 3 có xu hướng tăng, giảm đan xen so với tháng 2.
Đơn cử, bình quân tháng 3 (tính đến ngày 21/3), giá dầu Brent giảm khoảng 4,22%, giá dầu WTI giảm khoảng 3,71% so với bình quân tháng 2. Trên thị trường Singapore, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu tháng 3 có xu hướng giảm từ 0,75% đến 5,03% so với tháng 2, riêng mặt hàng dầu mazút có xu hướng tăng (khoảng 7,74%). Giá các loại nguyên phụ liệu tăng.
Nguồn cung xăng dầu ổn định
Tại thị trường xăng, dầu trong nước, sau khi khắc phục sự cố kỹ thuật tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xảy ra vào cuối tháng 12/2022, nhà máy đã vận hành trở lại với công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen trong quý I.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, thời gian qua, các thương nhân đầu mối vẫn thực hiện việc nhập khẩu nguồn cung xăng dầu theo kế hoạch phân giao. Do đó, nguồn cung xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay vẫn luôn được bảo đảm.
Trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố, như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước; giá mặt hàng thép xây dựng, LPG có xu hướng tăng do giá nguyên liệu thể giới tăng...
Nguồn cung dồi dào, giá thực phẩm giảm nhẹ
Về lương thực, Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm giảm nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào. Một số mặt hàng có giá ổn định như đường, muối, phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Tính chung trong quý I, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Nhu cầu hàng hóa thiết yếu tập trung cao trong tháng 1 do chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão, sau đó giảm trong tháng 2 và dần khôi phục lại trong tháng 3.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 3 đạt 501.310 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước.
Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Ước tổng mức bán lẻ quý I đạt 1.505.251 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến
Sang quý 2, Vụ Thị trường trong nước nhận định: Nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao, nên giá các mặt hàng này sẽ tương đối ổn định.
"Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ trong công tác điều hành của các bộ, ngành, thị trường sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến", Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Tuy nhiên, việc giá thịt lợn ở mức thấp đang đe doạ ảnh hưởng đến nguồn cung vào cuối năm. bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, giá thịt lợn đang xuống thấp nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và việc tái đàn. Nếu tình trạng tái đàn hạn chế, dự báo đến cuối năm nay sẽ không đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng, tác động đến giá thực phẩm và CPI. Do đó, Bộ NN&PTNT cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này và đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Dự báo, tình hình kiểm soát CPI năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nên các địa phương đang tích cực triển khai các chương trình bình ổn thị trường.
Đại điện Sở Công Thương TPHCM cho biết, năm 2023, chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã thu hút 44 doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm; 11 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ học tập tham gia. Các hệ thống phân phối lớn đều đăng ký tham gia chương trình của Thành phố. Các doanh nghiệp có quy mô lớn, như Vinamilk, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, TH, Vinamit… cũng đăng ký tham gia.
Đối với Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định sẽ tập trung vào nắm bắt tình hình thị trường để tham mưu kịp thời cho thành phố thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường sẽ triển khai từ tháng 5/2023 đến tháng 5/2024, góp phần đảm bảo cung cầu và giá cả hàng hoá.
Tin mới
- Phát triển các sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương - 05/10/2023 02:36
- ‘Sữa Diasure không có chức năng trị tiểu đường’ - 15/09/2023 07:58
- WHO cảnh báo về tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ em tại Việt Nam - 03/08/2023 06:13
- Bắc Giang: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng sử dụng người có ảnh hưởng trên mạng xã hội - 26/06/2023 02:26
- Quản chặt chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử - 16/06/2023 08:57
Các tin khác
- Phong phú các hoạt động Vì quyền người tiêu dùng năm 2023 - 03/03/2023 01:08
- EU công bố một số quy định kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu - 31/01/2023 10:12
- Ẩm thực thắm tình hữu nghị khối ASEAN - 25/11/2022 07:11
- Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2023: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn" - 04/10/2022 12:54
- Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia và tháng tiêu dùng số - 03/10/2022 02:42