Thứ ba, 28 Tháng 12 2021 10:06

Sang giai đoạn “bình thường mới”, dù đã khôi phục gần 100% công suất hoạt động nhưng tình hình buôn bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm.

 

Tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) buôn bán trong giai đoạn “bình thường mới”.

Tạo điều kiện hỗ trợ tiểu thương

Từ đầu tháng 11 đến nay, hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã mở cửa trở lại. Dù tình hình buôn bán không bằng thời điểm trước dịch nhưng hoạt động tại các chợ truyền thống cơ bản đã khôi phục, hàng hóa dồi dào, tươi sống để phục vụ người dân.

Giai đoạn này, bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, Ban Quản lý các chợ (BQL) các chợ truyền thống đang khẩn trương xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị nhằm hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương.

Ông Đỗ Quốc Tiến, Phó BQL chợ Bình Thới (Quận 11) cho biết, liên quan đến đề nghị giảm 50% tiền thuế, BQL đã trình lên cơ quan chức năng xem xét và sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để có chế độ miễn giảm phù hợp.

“Ban Quản lý đang nỗ lực, bằng nhiều biện pháp để tạo điều kiện hỗ trợ cho các tiểu thương. Tinh thần chúng tôi đặt ra là hỗ trợ hết mình, làm sao để tiểu thương tiếp cận chế độ càng sớm càng tốt, cứ khó khăn đến đâu hỗ trợ đến đó”, ông Tiến nói.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), đến thời điểm này, hơn 70% trên tổng số 1.300 gian hàng đã khôi phục hoạt động. Ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng BQL chợ cho biết, thời gian nghỉ dịch, tiểu thương được giảm tiền thuế và các khoản chi phí khác. Đến thời điểm này, chợ trở về hoạt động bình thường nên các chi phí vẫn phải duy trì. 

 

Hàng hóa tại chợ Hòa Hưng (Quận 10) dồi dào phục vụ người dân.

Trong giai đoạn TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, đa phần các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố đều chủ động miễn giảm tiền thuế, tiền thuê sạp và các chi phí như tiền hoa tiêu, rác thải… để hỗ trợ tiểu thương.

Riêng Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, Nghị quyết 68 của Chính phủ, BQL các chợ đã phối hợp với chính quyền địa phương chi trả đầy đủ, kịp thời cho tiểu thương.

Sức mua giảm

Sau thời gian dài giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM gặp nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, buôn bán của các chợ truyền thống.

Ông Phùng Khắc Hoan, Phó BQL chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) nhận định, tình hình buôn bán của các tiểu thương tại chợ sụt giảm, không bằng thời điểm trước dịch. Chợ Hoàng Hoa Thám trước đây có khoảng 700 hộ kinh doanh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên số hộ kinh doanh hiện đã giảm khá nhiều. “Buôn bán dạo này khó khăn, hàng hóa thì dồi dào nhưng khách mua thì thưa thớt”, ông Hoan nói.

 

Ban Quản lý các chợ truyền thống đang tập trung tạo điều kiện, hỗ trợ tiểu thương hoạt động trong giai đoạn mới.

Ghi nhận của phóng viên, các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố đều trong tình trạng vắng vẻ, không còn đông đúc, nhộn nhịp như ngày trước. Dù đã cận kề mùa Tết nhưng nhiều chủ sạp vẫn không dám thuê thêm người làm.

Theo thống kê củaBQL chợ Bà Chiểu, từ thời điểm mở cửa đến nay, chợ tiếp nhận trung bình 500-600 người/ngày, ngày cao điểm khoảng 900-1.000/ngày.

Chợ Bình Thới có tổng cộng gần 600 sạp hàng, trước kia ghi nhận khoảng 1.000 khách/ngày thì nay đã giảm phân nửa, còn khoảng 500-600 lượt người/ngày.

Một tiểu thương bán gần 30 năm tại chợ Hoàng Hoa Thám cho biết: “Nhiều khi không mở hàng vì quá vắng, có ngày dọn hàng xong rồi ngồi không đến khi về. Tâm lý người dân giờ cũng đang lo sợ dịch bệnh nên người ta đi chợ ít lắm, thi thoảng mới có người vào trong chợ mua. Ở đây, số lượng tiểu thương trả mặt bằng và bỏ sạp nhiều”.

 

Các chợ truyền thống chú trọng biện pháp phòng dịch trong giai đoạn mới. Trong hình, bảo vệ chợ Hoàng Hoa Thám xịt khử khuẩn cho người dân.

Tại chợ Hòa Hưng (Quận 10), không khí trong chợ khá trầm lắng, nhiều tiểu thương luôn miệng mời khách nhưng hàng hóa vẫn chất đầy sạp.

“Khách của tôi giảm hơn 50% so với trước mùa dịch. Mấy năm trước, cứ đến gần Tết phải thuê thêm người phụ bán nhưng năm nay không có khách mua, giờ già rồi nên bán cầm cự qua ngày, giữ cái nghề vậy thôi”, một tiểu thương lâu năm tại chợ Hòa Hưng cho biết.

Theo thống kê của Sở Công Thương, tại 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền), lượng hàng về Thành phố mỗi đêm hơn 4.000 tấn. Trong đó, chợ Hóc Môn khoảng 1.600 tấn rau củ quả/đêm, chợ Thủ Đức khoảng 600 tấn rau củ quả và trái cây/đêm, tổng lượng rau củ quả, thủy hải sản chợ Bình Điền hơn 1.100 tấn/đêm.

Mãi lực tại các chợ vẫn chưa cao, do các yếu tố như: Dịch bệnh COVID-19, tình trạng mua bán tự phát xung quanh các chợ truyền thống khá phổ biến dẫn đến sự cạnh tranh giữa tiểu thương trong chợ và người bán tự do bên ngoài…