Xuất khẩu sản phẩm tới hơn 30 nước, trong đó có các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, dừa Lương Quới đang từng bước trở thành thương hiệu về sản phẩm dừa hàng đầu thế giới.
Bến Tre là địa phương có tiềm năng lớn về chế biến và xuất khẩu dừa. |
Từ một công ty tư nhân ở một tỉnh nghèo phía Nam Việt Nam, không dồi dào tiền bạc, khẳng định không dựa trên thế lực hay “quan hệ thân hữu”, ông Cù Văn Thành, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới cho biết: Chúng tôi chỉ tập trung làm cho được một việc là “làm giấy thông hành đi toàn thế giới” và đến nay Công ty đã làm được điều đó.
Năm 1996, doanh nghiệp tư nhân ép dầu Lương Quới được thành lập, là nền móng của Công ty Lương Quới hiện nay. Giờ, Công ty có nhà máy sản xuất với diện tích trên 5 hecta, cung ứng ra thị trường hơn 50.000 tấn sản phẩm mỗi năm gồm nước dừa UHT, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa nguyên chất, dầu dừa tinh luyện, cơm dừa nạo sấy, bơ dừa, dừa sấy giòn… bằng nhãn hiệu Vietcoco.
Công suất nhà máy đạt 600.000 trái/ngày, cung cấp ra thị trường từ 10-15 container/ngày cho các dòng sản phẩm nước dừa Vietcoco đóng lon, dầu dừa nguyên chất hữu cơ, dầu dừa tinh luyện Vietcoco. Sản phẩm công ty dành 90% cho xuất khẩu và 10% tiêu thụ trong nước.
Chỉ tính riêng doanh thu, năm 2018, Công ty vượt ngưỡng nghìn tỷ, đạt 1.038,3 đồng, tăng 6,1 lần so với năm 2013 (170 tỷ đồng) và tăng 24% so với năm 2016 (838,4 tỷ đồng).
Công ty liên tục được Bộ Công Thương xét chọn đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” từ năm 2013 đến nay; là một trong 17 doanh nghiệp toàn quốc nhận Giải vàng Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2017 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Công ty được trao danh hiệu Thương hiệu quốc gia năm 2018 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương cho 97 doanh nghiệp.
Công ty cũng được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017” và ông Cù Văn Thành được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân năng động sáng tạo Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017”.
Theo chiến lược phát triển, Công ty đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành 1 trong 50 công ty chế biến sản phẩm từ quả dừa lớn nhất Châu Á- Thái Bình Dương.
Vậy Lương Quới có những “bí quyết” gì đặc biệt để có được thành công như vậy?
Nắm bắt xu hướng phát triển thực phẩm hữu cơ cao cấp trên thế giới, công ty chế biến Dừa Lương Qưới đã đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt quốc tế và được các tổ chức quốc tế chứng nhận.
Để có vườn dừa đạt tiêu chuẩn quốc tế, Công ty phối hợp với các trung tâm kỹ thuật giống cùng người nông dân hình thành nên chuỗi canh tác hiệu quả từ khâu xử lý đất, ươm chọn giống, chăm sóc cây bằng phân hữu cơ cho đến khi thu hoạch.
Việc phát triển các sản phẩm hữu cơ với sự kiểm định của các tổ chức quốc tế là tấm “visa” có giá trị để các sản phẩm của Lương Quới thâm nhập thị trường quốc tế, kể cả các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Cùng với đó, Công ty luôn cố gắng chế biến các sản phẩm có chất lượng vươn tầm thế giới. Cam kết của Công ty về chất lượng là: “Tạo ra những sản phẩm tốt nhất với chất lượng cao nhất để phục vụ cộng đồng”, với hệ thống chế biến dừa hiện đại, công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
Một ví dụ, với sự hỗ trợ từ “Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020” của Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty đã đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ “Ứng dụng công nghệ không gia nhiệt trong chiết tách dầu dừa tinh khiết”. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình nghiên cứu khoa học có hệ thống và ứng dụng thành công về công nghệ chiết tách VCO (Virgin Coconut Oil) từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm, không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất.
Không ngừng nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới khác biệt và đột phá, chất lượng vươn tầm quốc tế từ quả dừa bằng lòng đam mê và sự quyết tâm cao chính là bí quyết quan trọng để Công ty gia nhập đội ngũ doanh nghiệp thế giới.
Cùng với đó, có được những thành quả như hiện nay, Công ty chế biến Dừa Lương Quới đã nỗ lực duy trì triết lý kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội (CSR). Đạo đức kinh doanh của Công ty hể hiện qua cam kết: “Tôn trọng và tuân thủ các giá trị và tiêu chuẩn về đạo đức trong kinh doanh và trong xã hội. Công bằng với người lao động, khách hàng, đối tác và các bên có liên quan”.
Bên cạnh việc chăm lo cho người lao động của công ty thì đóng góp cho xã hội cũng được lãnh đạo công ty xem như nghĩa vụ và trách nhiệm. Công ty thường niên thực hiện các hoạt động hỗ trợ về giáo dục cho các địa phương trong vùng nguyên liệu của công ty, nhằm giúp các em học sinh nghèo gặp nhiều khó khăn có điều kiện vươn lên trong học tập.
Một bài học khác của Lương Quới là phát triển thương hiệu, xây dựng mạng lưới phân phối trong nước và quốc tế. Một cách tiếp cận truyền thống nhưng rất hiệu quả, là Công ty đã sắp xếp tham gia hầu hết các hội chợ, triển lãm lớn trong nước và các thị trường trọng điểm quốc tế với mật độ dày đặc. Hiệu quả của việc này khá rõ nét, đã góp phần giúp doanh thu của Công ty trong 5 năm (2013- 2018) tăng gấp 6 lần.
Từ một trái dừa bình thường, chỉ có giá trị giải khát ở Việt Nam, với sự năng động, sáng tạo, trí tuệ và lao động miệt mài của tập thể lao động Công ty, sản phẩm dừa Lương Quới đã trở thành thương hiệu quốc gia và đang từng bước trở thành thương hiệu về sản phẩm dừa hàng đầu thế giới.
Chỉ qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, từ một xưởng ép dừa thủ công trở thành Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới với các dây chuyền sản xuất hiện đại, doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, sản phẩm đạt chuẩn quốc tế được xuất khẩu tới hơn 30 nước trên thế giới, có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn của thế giới, đây là bước phát triển có tính chất “nhảy vọt”, “thần kỳ” của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ hành trình gia nhập đội ngũ doanh nghiệp thế giới của Lương Quới, chúng ta có thể rút ra không ít bài học kinh nghiệm đáng suy ngẫm.
CEO Đặng Đức Thành
Giám đốc Học viện Khởi nghiệp thành công (ISS)
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Tin mới
- Quảng bá ẩm thực Hà Nội nhân 20 năm ‘Thành phố vì hòa bình’ - 15/07/2019 03:06
- Đề xuất mới về kiểm tra chấp hành pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường - 07/05/2019 04:08
- Đẩy mạnh tuyên truyền hàng Việt tới người dân Thủ đô - 25/04/2019 03:34
- Khẳng định sự minh bạch của tôm Việt Nam - 12/04/2019 04:51
- Dự thảo tiêu chuẩn nước mắm gây phản ứng mạnh - 07/03/2019 02:37
Các tin khác
- Chủ động theo dõi sát diễn biến giá để bình ổn thị trường - 24/01/2019 03:01
- Vững ‘lá chắn’ chặn hàng lậu qua biên giới - 19/12/2018 04:41
- Bộ Y tế phạt nặng hàng loạt công ty dược - 17/09/2018 03:15
- Biến ẩm thực thành thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam - 14/09/2018 08:50
- Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại - 13/08/2018 06:56