Thứ hai, 13 Tháng 8 2018 13:56

Dù tốc độ phát triển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khá mạnh nhưng việc phát triển hệ thống hạ tầng bán lẻ còn gặp khó khăn. Do đó, Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm bán buôn, mua sắm, trung tâm thương mại vùng, khu thương mại trung tâm, dịch vụ logistics...

 

Ảnh: Diệu Anh

 

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng; 124 siêu thị nhưng chỉ có 26 siêu thị hạng 1; 32 siêu thị hạng 2; 22 trung tâm thương mại...

 

Bên cạnh đó, toàn Thành phố có 700 cửa hàng kinh doanh tiện lợi mang thương hiệu Vinmart+; Circle К; Shop & Go; Hapro Food... Mặc dù công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại của Hà Nội đã có kết quả nhất định, tuy nhiên hạ tầng thương mại Thủ đô vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mặc dù doanh nghiệp bán lẻ đang phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi nhưng theo hướng tự phát thiếu bài bản, không có quy hoạch đã gây khó khăn cho công tác quản lý doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối. Sự chuyển dịch các cửa hàng tiện lợi rất mạnh khiến cho các nhà phân phối kênh truyền thống (các cửa hàng tạp hóa) gặp khó khăn và các nhà sản xuất cũng không theo kịp.

 

Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND triển khai phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn Thành phố đến năm 2025. Theo đó, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển 52 trung tâm mua sắm, trong đó có 9 trung tâm mua sắm cấp vùng, 10 trung tâm mua sắm hạng 1, 10 khu thương mại, dịch vụ tổng hợp; 23 đại siêu thị; 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, trong đó có 24 chợ hạng 1; 1.000 cửa hàng tiện lợi; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng.

 

Dự kiến đến năm 2025, Thành phố đưa vào khai thác 2 trung tâm logistics, 2 cảng cạn ICD, 1 cảng thủy container quốc tế, 5 trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.

 

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên, UBND TP. Hà Nội triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, trên cơ sở rà soát quá trình triển khai Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ năm 2012 đến nay và căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, Sở Công Thương xem xét điều chỉnh, cập nhật vị trí phù hợp đối với những dự án có trong quy hoạch ngành thương mại nhưng thực tế không còn quỹ đất.

 

Đồng thời bổ sung các dự án hạ tầng thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm bán buôn, mua sắm, trung tâm thương mại vùng, khu thương mại trung tâm, dịch vụ logistics...

 

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Thành phố dành quỹ đất hợp lý cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trong quá trình sắp xếp lại nhà đất, di dời trụ sở cơ quan hành chính, nhà máy, xí nghiệp trong nội đô; hỗ trợ các nhà đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp các dự án hạ tầng thương mại đang hoạt động hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng hạ tầng thương mại trên địa bàn Thành phố.

 

Việc Sở Công Thương Hà Nội cụ thể hóa mục tiêu phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2018-2025 sẽ từng bước thay đổi thói quen người tiêu dùng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động mua sắm.