Thứ ba, 19 Tháng 1 2016 10:20

Vấn đề "mớ rau, miếng thịt" được mổ xẻ trong cuộc giao lưu trực tuyến bàn về "miếng ăn" an toàn dịp Tết do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 18/1


Hàng nghìn vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại miếng ăn dịp Tết...

 

Nhandao Antet222

 

Cần minh bạch thông tin

 

Chuyện cơ quan chức năng vừa phát hiện, thu giữ hàng trăm cân rau củ, thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ vận chuyển cho 7 trường mầm non và tiểu học ở Tây Hồ (Hà Nội) được chọn "mở màn" buổi giao lưu trực truyến. Đây là các sản phẩm do Cty CP rau quả Trung Thành (thôn Đầm, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cung cấp.

 

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho rằng, công ty đã không làm như cam kết là sản phẩm phải đảm bảo an toàn, có nguồn gốc, tức là biết sản xuất nơi nào, ai làm. "Tuy nhiên, khi công an phát hiện, mới biết rau không nguồn gốc. Như vậy, anh vi phạm hợp đồng, gian lận thương mại, ký kết một đằng, làm một nẻo", ông Việt nói.

 

Theo ông Việt, phải xem lại cơ chế giám sát, tại công ty đã gian dối việc đó trong một thời gian dài mà không phát hiện được. "Cái này cũng giống như chất cấm trong chăn nuôi, nếu cứ thanh kiểm tra theo định kỳ, phát hiện được rất ít, nhưng khi tập trung làm đột xuất, mới phát hiện ra hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng", ông Việt nói.

 

"Một quán nước mới mở ra ông đã đi "thu thuế" người ta rồi, thì tôi không tin cơ sở sản xuất bánh kẹo mà không biết, không kiểm soát được".

 

Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong

 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, đó là hành vi "treo đầu dê, bán thịt chó", lợi dụng, vi phạm pháp luật. "Đây là sự việc tạo dư luận xấu, cần phải xử lý nghiêm. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị xử lý kịch khung với hành vi vi phạm trên. Tuy nhiên, đây chỉ là những hạt sạn, chúng ta không phải vì hạt sạn đó mà mất hết niềm tin các sản phẩm rau quả an toàn", ông Phong nói.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), vụ việc trên đáng tiếc lại xuất phát từ một công ty tại xã Vân Nội (huyện Đông Anh) - vốn là địa phương chuyên canh rau an toàn (RAT) nổi tiếng của Hà Nội. "Tại xã này, báo Tiền Phong cũng từng phanh phui đơn vị cung cấp rau không rõ nguồn gốc cho các siêu thị (Cty Rau Ba Chữ - PV), đã bị cơ quan chức năng xử lý", ông Hùng nói.

 

"Các cháu mầm non, tiểu học, là những đối tượng cần chăm sóc, quan tâm đặc biệt nhất, nhưng sao người lớn lại hành động như vậy. Các cô có nhiều bài giảng về sống đẹp, nhưng hành động như thế, sẽ tác động đến tâm lý các cháu rất lớn", ông Hùng nhấn mạnh.

 

Chủ tịch Vinastas cho rằng, vụ việc này, cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy chứng nhận về RAT với Cty Trung Thành. "Mọi người cứ kêu là người tiêu dùng thông thái. Nhưng thông thái làm sao, khi mà siêu thị là nơi đáng tin, nhưng vào đó mua RAT, lại dính rau trôi nổi? Người tiêu dùng cần lên án những vi phạm, và tẩy chay sản phẩm gây mất an toàn cho người dân, xã hội", Chủ tịch Vinastas nói.

 

Còn ông Nguyễn Văn Chí, GĐ Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, người sản xuất và đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. "Từ vụ việc trên, tại sao không minh bạch thông tin nguồn cung cấp rau, thịt; đơn vị cung cấp và nơi tiếp nhận. Cứ để mập mờ về thông tin nguồn gốc, rồi cuối cùng lại "mua danh ba vạn bán danh ba đồng", ông Chí nói.

 

Nhandao Antet

 

An toàn thực phẩm là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng.

 

Tăng thanh tra đột xuất

 

Theo lãnh đạo Cục ATTP, gần Tết, nhu cầu về thực phẩm lên cao, các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu hoạt động gần như hết công suất, trong đó có nhiều cơ sở chỉ ăn theo mùa vụ. Do vậy, các đoàn thanh kiểm tra liên ngành về ATTP sẽ tập trung vào các sản phẩm: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả... Cùng đó, sẽ tập trung kiểm tra ở các thành phố lớn, chợ đầu mối, vùng cửa khẩu. "Các cơ sở vi phạm ngoài bị xử lý theo quy định, sẽ bị bêu công khai"- ông Phong nói.

 

Về lo ngại khó kiểm soát ATTP với các cơ sở nhỏ lẻ, làm thời vụ ở các địa phương, ông Phong cho rằng, hiện cơ sở sản xuất phải đảm bảo ATTP, có đăng ký sản xuất, tem nhãn, ghi rõ ai sản xuất, thời hạn... Các địa phương, là quận-huyện, phường-xã có trách nhiệm giám sát điều đó. Dù khó khăn, nhưng làm nghiêm túc, chắc chắn sẽ kiểm soát được. "Một quán nước mới mở ra ông đã đi "thu thuế" người ta rồi, thì tôi không tin cơ sở sản xuất bánh kẹo mà không biết, không kiểm soát được", ông Phong nói.

 

Theo lãnh đạo Vinastas, dịp gần Tết phát hiện càng nhiều vụ mất ATTP, hàng lậu, hàng giả...Nhiều lô thịt khi phát hiện đã bốc mùi hôi thối. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên phải là các lực lượng chức năng. "Người tiêu dùng chưa hết hoang mang về chất cấm, tạo nạc trên lợn, thì gà lại "ăn" chất cấm Vàng ô tạo màu công nghiệp, rồi sử dụng chất diệt cỏ 2,4 D ngâm ủ chuối". Năm qua, Hội đã tiếp nhận trên 2.200 vụ việc phản ánh của người tiêu dùng, trong đó khoảng 20% về vấn đề ATTP.

 

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2015, thông tin từ 59 tỉnh, thành gửi về cho thấy, qua kiểm tra gần 49.500 cơ sở, phát hiện tới gần 10.200 cơ sở vi phạm (khoảng 20%), đặc biệt là việc dùng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi... Theo ông Việt, năm 2016, Bộ đã chỉ đạo tăng nguồn lực cho thanh kiểm tra đột xuất, còn "làm theo kế hoạch sẽ khó tới nơi".

 

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã hướng dẫn các địa phương, tăng lấy mẫu giám sát để xác nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, thịt an toàn, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM. Các sản phẩm được xác nhận, có thể sử dụng logo chung về ATTP, và cơ quan xác nhận phải chịu trách nhiệm về độ an toàn về sản phẩm đó.

 

Theo Tiền phong