Thứ bảy, 19 Tháng 12 2015 11:31

Thực phẩm là một trong những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề nóng nhất bởi hàng loạt các vụ bê bối thực phẩm được phát hiện.

 

Tập đoàn Nhật Bản Asahi Holdings ngày 8/1/2015 cho biết họ đang thu hồi khoảng 120.000 gói sản phẩm thịt trộn khoai tây cho trẻ em sau khi người tiêu dùng phát hiện một gói sản phẩm có chứa một con dế, theo AFP.


Nhãn hàng thức ăn trẻ em Wakodo, công ty con của Asahi Holdings, hồi tháng 12/2014 nhận được phản ánh của một khách hàng ở tỉnh Tochigi cho biết bà phát hiện một con dế dài 7,4 mm trong gói sản phẩm thịt trộn khoai tây cho trẻ em Wakodo.

 

Nhandao Antoan

 

Con dế dài 7,4 mm được phát hiện trong gói sản phẩm thịt trộn khoai tây ở Nhật Bản


Cả Wakodo và Asahi Holdings cho hay họ không biết liệu rằng con dế lẫn vào thức ăn trong quá trình sản xuất hay không, nhưng vẫn ra quyết định thu hồi sản phẩm. Vụ việc này đã từng làm rung chuyển ngành công nghiệp thực phẩm ở nước này trong thời gian dài.


Kinh hoàng vụ tồn trữ thịt đông lạnh 40 năm ở Trung Quốc


Tính đến tháng 6/2015, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ 21 băng nhóm tội phạm, tịch thu hơn 100.000 tấn thịt lậu, trong đó có cánh gà, thịt bò và thịt lợn. Theo Tân Hoa xã, trong một đợt truy quét, cảnh sát tỉnh Hồ Nam bắt giữ 20 người.

 

Hải quan Trung Quốc đã bắt số thịt lậu trị giá 483 triệu USD, trong đó có những loại đã thối rữa và để đông lạnh hơn 40 năm. Nhân viên hải quan phát hiện trong số thịt bị bắt giữ có những loại đã để từ cuối những năm 1970. Số khác bị thối rữa và phân huỷ - tờ China Daily cho hay. "Thịt bốc mùi kinh khủng, tôi gần như nôn mửa khi mở cửa ra" - quan chức tỉnh Hồ Nam Zhang Tao nói.

 

Các nguồn tin cho biết, hàng trăm nghìn tấn thịt bò được buôn lậu vào Trung Quốc qua Hong Kong và Việt Nam, từ các nước như Brazil và Ấn Độ.

 

Thịt có thể để được lâu nếu trữ đông lạnh, nhưng thịt buôn lậu thường được di chuyển trong điều kiện bảo quản kém, khiến chúng hay bị hỏng. Để tiết kiệm chi phí, bọn buôn lậu thường thuê xe chở hàng bình thường thay vì xe có tủ đông lạnh - Yang Bo, quan chức chống buôn lậu cho hay.

 

Mì tôm nhiễm chì ở Ấn Độ

 

Tập đoàn Nestle ở Ấn Độ trong tháng 6/2015 đã rút toàn bộ sản phẩm mì Maggi ra khỏi thị trường nước này, sau khi các báo cáo về lượng chì dư thừa trong sản phẩm làm lan rộng lo ngại trong người tiêu dùng.

 

Nhandao Antoan22

 

6 bang ở Ấn Độ cấm mì Maggi sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy vài gói mì chứa hàm lượng chì cao

 

Tập đoàn thực phẩm đa quốc gia này thực hiện quyết định trên vì áp lực từ giới truyền thông dù trước đó nói rằng các sản phẩm mì ăn liền của hãng đều an toàn.


Hôm 4/6, Tamil Nadu trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ cấm nhiều loại mì ăn liền sau khi kết quả kiểm tra do chính quyền bang thực hiện cho thấy thương hiệu mì Wai Wai Xpress, Jones Chicken Masala, Maggi và sản phẩm mì của Reliance chứa hàm lượng chì cao vượt mức cho phép.


Đã có ít nhất 6 bang ở Ấn Độ cấm mì Maggi sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy vài gói mì chứa hàm lượng chì cao. Trước đó, các đợt kiểm tra an toàn trên toàn quốc đã diễn ra sau khi cuộc kiểm tra tại Delhi và bang Uttar Pradesh của nước này chỉ ra hàm lượng chì trong sản phẩm mì gói Maggi của tập đoàn Nestle ở mức cao. Bang Uttarakhand cấm mì Maggi trong 90 ngày, còn thủ đô Delhi thì cấm trong 15 ngày.

 

Mỹ thu hồi 770 tấn thịt gà nhiễm độc

 

Theo Washington Post, Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận được báo cáo có một số người tiêu dùng ở Minnesota và Wisconsin đã bị ngộ độc sau khi ăn phải thịt gà từ Hãng Barber Foods.

 

Ngay lập tức Bộ này đã đưa ra yêu cầu công ty phải thu hồi lượng lớn sản phẩm thịt gà để tránh lây lan mầm bệnh. Công ty thực phẩm từ Ba Lan Barber Foods đang gấp rút thu hồi hơn 770 tấn thịt gà do có nguy cơ bị nhiễm độc khuẩn salmonella.

 

Những sản phẩm bị thu hồi được sản xuất từ ngày 17/2 đến 20/5/2015, gồm thịt gà sống, thịt gà đông lạnh và cả những thực phẩm từ thịt gà đã được chế biến sẵn.

 

Trà sữa trân châu làm từ lốp xe, đế giày ở Trung Quốc

 

Đài truyền hình tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã công bố thông tin trân châu trong trà sữa có khả năng được làm từ vỏ lốp xe cũ và đế giày da.

 

Nhandao Antoan2233

 

Hạt trân châu không thể tiêu hóa được trong dạ dàyHạt trân châu không thể tiêu hóa được trong dạ dày


Đây là tuyên bố trong chương trình thường thức đời sống của đài này. Một PV tại Thanh Đảo cho biết đã uống trà sữa trân châu mua tại một cửa hàng địa phương sau đó chụp CT phần ổ bụng tại bệnh viện gần đó.

 

Bản chụp CT cho thấy những hạt trân châu này không tiêu hóa được và nằm dồn lại trong dạ dày. Trung tâm Thí nghiệm hóa học của ĐH Thanh Đảo, các nhà hóa học đã lắc đầu khi không thể xác định chính xác hợp chất làm nên hạt trân châu; họ chỉ có thể xác nhận rằng đó là một "chất rất dính".

 

Khi dò hỏi thông tin từ các cửa hàng bán thứ đồ uống này, họ cũng "lơ mơ" về nguồn gốc và nguyên liệu làm trân châu. Một số nói rằng khoai môn là nguyên liệu chính, số khác khẳng định là sắn dây và có vài cửa hàng trả lời là "không biết". Những người này đều khẳng định rằng thức uống của họ hoàn toàn không ảnh hưởng gì về sức khỏe của thực khách và hãy yên tâm uống tiếp.

 

Song, một nhân viên của cửa hàng trà sữa đường phố cho hay: "Toàn bộ số trân châu này được làm ra tại các nhà máy hóa chất. Nói thẳng ra là chúng được làm từ đế giày da và lốp xe đã qua sử dụng".

 

Theo VQ