Thứ năm, 12 Tháng 8 2021 13:53

Trong những ngày Thủ đô đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua thực phẩm qua mạng (online) thay vì đi chợ truyền thống. Mặc dù hình thức mua bán online thuận tiện cho cả người bán và người mua trong mùa COVID-19, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro.

 

Thực phẩm được bày bán trên chợ online.

Chợ online “nở rộ” mùa dịch

Chỉ cần search trên trang Google những cụm từ như “Chợ thực phẩm online, “thực phẩm online", “sản phẩm chế biến sẵn”,…là đã cho ra hàng trăm, hàng triệu kết quả là các website, mạng xã hội rao bán thực phẩm trực tuyến từ chưa chế biến đến chế biến sẵn, giá từ bình dân đến cao cấp, các món đặc sản ở mọi miền đất nước...

Hầu hết các trang chợ bán hàng online đều giới thiệu, quảng cáo là những thực phẩm sạch, tươi ngon, “của nhà trồng được” và được sắp xếp rất bắt mắt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên theo một số bà nội trợ việc mua thực phẩm online có những nơi bán chuẩn từ mặt hàng đến giá cả nhưng có những nơi bán không như quảng cáo.

Là một người nội trợ có kinh nghiệm trong mua bán thực phẩm lâu nay nhưng chị Vũ Thị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không tránh khỏi những lần mua phải thực phẩm không bảo đảm chất lượng trên mạng. Chị Thủy chia sẻ: “Mùa dịch này tôi có tham khảo và mua ít thực phẩm được rao bán trên trang facebook, zalo… Có lần mua được thực phẩm tốt nhưng cũng có lần mua được những thực phẩm đã để lâu, có thực phẩm mở ra đã quá hạn sử dụng, không thể ăn được như pate đóng hộp, ruốc tôm,…không như người bán quảng cáo”.

Em Nguyễn Thị Thắm (26 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc mua hàng online sẽ khó kiểm chứng được chất lượng sản phẩm hay hạn sử dụng; không rõ nguồn gốc xuất xứ nên khi mua sẽ gặp nhiều rủi ro. “Nhiều khi mình mua thực phẩm quảng cáo là tươi ngon nhưng khi mua về thì không được như ý muốn”, em Thắm chia sẻ thêm.

Cùng với việc hình thành các khu chung cư cao tầng với số lượng dân cư đông đúc, mô hình chợ dân cư online đã xuất hiện ở hầu hết các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội như: Chợ cư dân CT4, CT5, CT6 khu đô thị Hồng Hà Eco City, chợ dân cư Đại Thanh - Xa La,… với số lượng thành viên tham gia rất đông và đủ các loại mặt hàng thực phẩm.

Đủ các lời mời chào, rao bán hấp dẫn, nào là thực phẩm tươi sống ngon, bổ, rẻ, không sử dụng chất bảo quản; sản phẩm nhà tự trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Chị Nguyễn Thị Hương, cư dân Đại Thanh-Xa La (Hà Đông) cho biết: “Vì đang giãn cách nên tôi tiện mua luôn thực phẩm trong chợ cư dân online từ thịt, cá, trứng,… nói chung đủ cả. Tôi thấy việc mua khá thuận tiện, nhưng chất lượng thì có thể chưa tươi ngon được như mua ngoài chợ truyền thống”.

Có thể thấy, thực tế bên cạnh các chợ thực phẩm online có đăng ký kinh doanh, đầy đủ giấy tờ chứng nhận, vẫn còn rất nhiều địa chỉ bán hàng online nhỏ lẻ theo kiểu gia đình không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng tự cam kết nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.

Người dân cần tìm hiểu kỹ khi mua hàng ‘online

Trước thực trạng chợ online nở rộ, chất lượng nông sản, thực phẩm không bảo đảm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý thực phẩm “bẩn” ở mức cao nhất.

Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội thu giữ gần 3.000kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh, tôm đông lạnh... tại cơ sở kinh doanh ở làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Đây cũng là hồi chuông cảnh báo tới những người tiêu dùng có thói quen mua hàng online không để ý đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa, đồ ăn uống mình đặt mua.

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho rằng, rất khó kiểm soát kinh doanh tại các kênh bán hàng trực tuyến vì người bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 90% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ. Việc tìm ra đầu mối cung cấp hàng lậu, hàng giả còn gian nan hơn vì các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc mua bán thực phẩm online trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố. Hoặc các sản phẩm có thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm...

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Trong trường hợp mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, chất lượng thực phẩm…