Thứ ba, 05 Tháng 11 2019 09:41

Các quận có nhiều cửa hàng kinh doanh đường phố cho biết đã và tiếp tục kiểm tra kiểm soát, thanh tra kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh, xử phạt nghiêm các hộ, cửa hàng ăn uống, hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống… vi phạm an toàn thực phẩm.

 

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền. Ảnh: Gia Huy

 

Khó khăn quản lý thực phẩm chức năng

 

Nhiều câu hỏi được đại biểu gửi đến các Sở, ngành của Hà Nội về ATTP. Đại biểu cho rằng việc bảo đảm ATTP đã được Thành phố quan tâm, các quận, huyện tăng cường xử lý và có chuyển biến, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy người dân vẫn rất lo ngại về nguồn gốc sản phẩm gây nguy cơ không bảo đảm sức khỏe.

 

Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Hoàng Mai) cho biết, qua phản ánh cử tri cho thấy hoạt động bán hàng rong, thực phẩm tại các chợ...còn khó kiểm soát như tại khu vực cổng chợ Nghĩa Tân, Hàng Bè, Hàng Bạc. Đại biểu nêu phản ánh cử tri tin tưởng đến siêu thị bởi tin vào thương hiệu và sự quản lý của cơ quan chức năng nhưng còn hiện tượng thực phẩm quá hạn trong siêu thị; một số địa bàn có tình trạng hoa quả nguồn ko xuất xứ rõ ràng. Cử tri cũng nêu vấn đề ATTP tại bếp ăn tập thể tại trường học, khu công nghiệp...

 

Giải đáp câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Trần Khắc Hiền cho biết, Thành phố đã có phân cấp tương đối rõ trong công tác bảo đảm ATTP nên việc truy xuất nguồn gốc thời gian qua có sự tiến bộ, tuy nhiên vẫn tồn tại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe người dân. Việc này cần tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý và nâng cao ý thức trách nhiệm với các cơ sở sản xuất.

 

Ông Hiền cho biết, hiện nay sản phẩm thực phẩm chức năng gặp khó khăn trong công tác quản lý của ngành Y tế. Việc quản lý thực phẩm chức năng vẫn còn nhiều tồn tại và cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, quản lý công tác quảng cáo, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, công khai cơ sở vi phạm trên truyền thông.

 

Về quản lý ATTP bếp ăn tập thể trong KCN, toàn Thành phố có 165 bếp tại 9 KCN cung ứng 68 nghìn suất ăn (tự nấu 20%, thuê nhà thầu 80%). Cơ sở có yếu tố nước ngoài tương đối bảo đảm ATTP cần thiết. Tuy nhiên khu vực này trong thời gian qua vẫn tồn tại một số bếp ăn xuống cấp, ẩm mốc, kho thực phẩm không gọn gàng sạch sẽ, truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn, số suất ăn giá thấp nên lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn còn khó khăn. Trách nhiệm là thuộc cơ quan quản lý trong đó có cơ quan thường trực là ngành Y tế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP để kịp thời chấn chỉnh tồn tại, tăng cường tập huấn cho doanh nghiệp, KCN, tiếp tục phối hợp Sở Y tế và BQL các KCN.

 

Về bếp ăn tập thể của các trường học, năm học 2018-2019 Hà Nội có 4.500 bếp ăn tập thể trong trường học. Do sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố và các trường, công tác bảo đảm ATTP có nhiều tiến bộ khi có giám sát tại các trường, đặc biệt là phụ huynh tham gia giám sát tại các bếp ăn.

 

Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên giải trình. Ảnh: Gia Huy

Hàng hóa tại siêu thị, TTTM phải rõ xuất xứ

Liên quan đến ATTP trong siêu thị, TTTM, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, Hà Nội hiện có 25 TTTM, 110 siêu thị, 1.700 cửa hàng tiện ích, 807 cửa hàng được cấp phép theo đề án cửa hàng kinh doanh trái cây. Theo Luật quy định tất cả nguồn gốc hàng hóa kinh doanh đặc biệt ở TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện ích đều phải rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ sở kinh doanh phải xuất trình được giấy mua hàng hóa, hàng nhập khẩu phải có tem tiếng Việt, hàng trong nước phải có giấy tờ ngày tháng nhập.

Quá trình kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, trong 3 năm qua Sở Công Thương đã thanh tra 183 đơn vị, phát hiện 74 đơn vị có vi phạm. Cục Quản lý thị trường đã tra trên 3.900 đơn vị; các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 19 nghìn đơn vị phát hiện 3 nghìn đơn vị vi phạm.

Ngoài ra còn có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ nghiêm quy định, đặc biệt là về hạn sử dụng của hàng hóa.

Nâng cao trách nhiệm các hộ kinh doanh ăn uống

Là địa bàn đông dân cư, Chủ tịch phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết địa bàn phường có nhiều học viên, sinh viên từ các tỉnh nên nhu cầu mua bán sinh hoạt lớn. Từ đặc điểm như vậy phường xác định các vấn đề bảo đảm ATTP để bảo đảm đời sống, thường xuyên kiểm tra hàng tuần các chợ, hộ kinh doanh.

Hiện nay trên địa bàn phường có 40 hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Phường sẽ rà soát, kiểm tra, nếu có hộ nào không đảm bảo ATTP sẽ có biện pháp xử lý, yêu cầu dừng hoạt động. Phường Nghĩa Tân hiện đang triển khai thí điểm phố Tô Hiệu là tuyến phố điểm về đảm bảo ATTP để nhân rộng trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, phường nằm ở trung tâm quận, là 1 trong 6 phường tiếp giáp với hồ Hoàn Kiếm, nơi tập trung trọng điểm các dịch vụ nhỏ lẻ về du lịch, đông dân cư; với các tuyến phố như Gia Ngư, Cầu Gỗ, Đinh Liệt… Chợ Hàng Bè đã được giải tỏa năm 2010, nhưng vẫn còn tình trạng kinh doanh do đây là chợ truyền thống lâu năm, thói quen mua bán trên địa bàn của người dân.

Quận, Phường luôn tích cực phối hợp các phòng, ngành kiểm tra xử lý, tuyên truyền về vệ sinh ATTP tuy nhiên vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác vệ sinh ATTP. UBND Phường đã thường xuyên quan tâm kiểm tra, kiểm soát, thanh tra xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm. Từ đầu năm đến nay kiểm tra 34/87 cơ sở, xử phạt với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống, hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống.

Phường Hàng Bạc sẽ tiếp tục ký cam kết về vệ sinh ATTP nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm các hộ kinh doanh thực phẩm chín, thức ăn đường phố; đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận ATTT, kiểm tra xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.