Nhiều ý kiến chia sẻ về hành vi ứng xử của một số người trẻ ở sự việc hỗn loạn, leo rào, chen chúc nhau tắm miễn phí ở công viên nước Hồ Tây, Hà Nội ngày 19-4 vừa qua.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều người trèo qua hàng rào sắt, thậm chí bế theo trẻ con để vào được công viên nước tắm miễn phí - Ảnh: Nhất Nam |
Anh Nguyễn Linh (Q.8, TP.HCM) đặt câu hỏi: Liệu 20.000 đồng hay vài chục ngàn đồng có đáng để đánh đổi lấy sự nguy hiểm khi trèo rào như thế?
Một bạn trẻ đã viết trên Facebook: Có nhiều vị phụ huynh còn cổ vũ cho con em mình leo rào, không biết để làm gì? Để dạy cho trẻ một bài học xấu từ thuở ấu thơ rằng hễ thấy cái gì miễn phí là phải giẫm đạp lên nhau để giành cho bằng được ư?
Văn hóa xếp hàng ở đâu?
Một bạn đọc viết: ở Nhật, sau thảm họa người ta vẫn đứng xếp hàng để được cứu trợ, đó là hơi thở cuối cùng của mình mà người ta vẫn phải làm vậy.
Bạn đọc Nguyenlan đưa ra ví dụ: Người ta nghèo đi xin cơm từ thiện còn biết xếp hàng đợi tới lượt phát. Nhìn lại những người này chắc họ phải chào... thua.
Đồng tình, bạn đọc Minhhue và Le Lanh đều cho rằng việc đầu tiên là hãy học văn hóa xếp hàng, “Nhìn cảnh xô bồ, ô hợp này mà ngán ngẩm, xấu hổ với người nước ngoài” - bạn đọc viết.
Ở một góc độ khác, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ quan ngại về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nơi công cộng, nhất là đối với những người trẻ.
Bạn đọc Quách Tuấn Khải thẳng thắn nói: Hành vi này giống như việc xô đổ hàng rào, cưỡi lên đầu người khác trong lễ hội đền Trần năm nào. Tâm lý không chịu thua ai đã biến họ thành những người kém văn hóa khi đến những nơi được xem là văn hóa như: công viên, đình chùa...
Phê phán mạnh mẽ hơn, bạn đọc Nguyễn Việt viết: Đạp lên nhau, tranh cướp được những thứ miễn phí dù là nhỏ nhất là hậu quả của nền giáo dục thất bại.
Bạn đọc Nguyễn Thị Quyên cho biết mình cũng là một người trẻ và cảm thấy rất buồn vì hành vi ứng xử nơi công cộng của các bạn.
Bạn đọc Thế Quân cho rằng: Khuyến mãi là hình thức tri ân khách hàng, người nhận cũng phải lịch sự chứ không phải cửa đóng thì trèo rào. Rất may hôm ấy không có thương vong do hành vi phản cảm.
Cần lường trước số lượng đông
Ở góc độ marketing, ThS Nguyễn Phan Anh - giảng viên, chuyên gia eMarketing - cho rằng việc các hãng, doanh nghiệp, nhà bán lẻ tung ra các chương trình khuyến mãi là hoàn toàn bình thường và phổ biến ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Các chương trình khuyến mãi thật sự hấp dẫn, thật sự có giá trị cho khách hàng thì khách hàng sẽ hành động vì lợi ích của chính họ.
Theo ông Phan Anh, khi các doanh nghiệp chuyên nghiệp tung ra chương trình khuyến mãi, họ cần phải có kế hoạch chi tiết về các phương án phục vụ khách hàng trong chương trình.
Ví dụ như vấn đề phân luồng giao thông, phân luồng lối vào, vấn đề an ninh, vấn đề bảo vệ và sự an toàn cho khách hàng cũng như doanh nghiệp, kiểm soát số lượng khách hàng được khuyến mãi, phân chia khung giờ, các quy định cụ thể, điều kiện để được tham gia chương trình khuyến mãi, nguồn nhân lực để phục vụ chương trình...
Đảm bảo những vấn đề này nhằm đạt được mục đích của chương trình khuyến mãi là uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, của thương nhân đưa ra chương trình khuyến mãi.
Ở Mỹ, vào dịp khuyến mãi “khủng” cuối năm là Black Friday nhưng tình hình khá trật tự, văn minh và các nhà bán lẻ luôn có các quy định và nhân lực phục vụ và kiểm soát các tình tiết sự vụ.
Ông Nguyễn Phan Anh cho rằng phía đơn vị tổ chức chương trình khuyến mãi có thể cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch, hoặc “không thể tưởng tượng ra cảnh tượng này”.
Khuyến mãi miễn phí không có nghĩa là không có ai quản lý, ai muốn vào thì vào mà cần phải có quy định và chỉ dẫn cụ thể...
Về phía khách hàng, có thể có nhiều người cũng không thể tưởng tượng ra trường hợp này, cũng có thể nhiều người đã bị cuốn vào “tâm lý đám đông” đang vô cùng phấn khích về miễn phí và chương trình hấp dẫn này, một số khách hàng thì “cố đấm ăn xôi”.
Ông Anh nói: “Về góc độ tiêu dùng thì vé vào cửa của các bể bơi, khu vui chơi cũng chỉ khoảng 20.000-50.000 đồng/vé. Đổi lấy sự miễn phí để phải chịu cảnh chen chúc, chen lấn, xô đẩy, leo trèo, cảnh bố bồng con qua hàng rào sắt... đó là những hình ảnh xót xa và đáng buồn”.
Theo Bạn đọc Tuoitre
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Vụ Jetstar “bỏ rơi” hành khách người khuyết tật: Cục Hàng không có “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đối với các hãng? - 12/05/2015 01:52
- Tâm sự đắng của những người sang Trung Quốc bán thận - 06/05/2015 17:34
- Bị buộc trả nợ tiền nước cho người khác - 06/05/2015 15:18
- Năm người leo núi ở Nepal làm phiền xã hội - 01/05/2015 15:20
- Bị "khủng bố" 500 cuộc điện thoại/ngày - 28/04/2015 15:20
Các tin khác
- Dân tự dựng bảng chỉ dẫn đường - 27/04/2015 15:13
- Xe ôm “cuỗm” đồ của khách ngay trong bến Mỹ Đình - 25/04/2015 16:45
- Mới đầu hè dân chung cư Hà Nội đã thiếu nước - 22/04/2015 17:32
- Cứ ngỡ mình sắp là tỉ phú - 22/04/2015 17:04
- Hàng trăm hộ dân nơm nớp lo sợ vì nhà bị lún, nứt do thi công Quốc lộ 1A - 18/04/2015 04:00