Thứ năm, 27 Tháng 10 2022 14:26

Vượt qua mặc cảm khi bị khuyết tật xương chậu bẩm sinh, chị Trần Thị Hồng Nhung (30 tuổi) tốt nghiệp với hai tấm bằng đại học kinh tế và thành công với chuỗi cửa hàng bánh ngọt.

Gác 2 bằng đại học, cô gái chân lệch làm bánh ngọt lãi 50 triệu đồng/tháng - 2

"Chỉ có khi ở trong bếp, sáng tạo bên những chiếc bánh tôi mới thấy mình tự tin hẳn, được sống với đam mê cháy bỏng", chị Nhung mỉm cười nói

Bà chủ tiệm bánh ngọt chân lệch

Tối muộn, Trần Thị Hồng Nhung (30 tuổi, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn đang bận rộn trang trí những chiếc bánh để kịp giao cho khách.

Đôi mắt chăm chú, đôi bàn tay chị tỉ mẩn trau chuốt từng chi tiết trên chiếc bánh đang hoàn thiện. Có thể thấy rõ niềm đam mê với công việc ánh lên trong đôi mắt ấy.

Gác 2 bằng đại học, cô gái chân lệch làm bánh ngọt lãi 50 triệu đồng/tháng - 1

Cô gái khuyết tật vươn lên trở thành chủ của chuỗi tiệm bánh ngọt 

"Chỉ có khi ở trong bếp, sáng tạo bên những chiếc bánh, tôi mới thấy mình tự tin hẳn, được sống với đam mê cháy bỏng", chị Nhung mỉm cười nói.

Chị Nhung kể, vừa chào đời, chị đã không được may mắn vì bị khuyết tật trật xương chậu bẩm sinh. Đôi chân chị không bằng, lệch nhau 5cm nên đi lại khó khăn.

Tự ti, mặc cảm khiến chị dần thu mình, chỉ biết làm bạn với sách vở. Những năm tháng ấy đã "trui rèn" nên một cô gái đầy nghị lực, vượt lên số phận.

Đầu năm 2016, khi đang ở ngưỡng tuổi 24 đầy hoài bão, chị Nhung quyết định rời TPHCM về quê nhà Duy Xuyên, Quảng Nam. Chị dự định làm viên chức ở một cơ quan nhà nước nhưng trượt kỳ thi tuyển. Cùng năm đó, chị lập gia đình, rồi mang thai con gái đầu lòng.

"Tôi cũng từng đi làm nhiều công việc tại TPHCM, thậm chí thử sức khởi nghiệp nhưng thất bại. Nhận thấy môi trường ở đây không phù hợp với mình, tôi quyết định về quê", chị Nhung tâm sự.

Lúc mang bầu được 4 tháng, chị Nhung được bố "đầu tư" cho 500 nghìn đồng để ra Đà Nẵng, đóng học phí học nghề làm bánh rau câu.

Cuối năm 2016, sản phẩm bánh kem rau câu 3D mới lạ của chị Nhung lần đầu xuất hiện tại thị trường huyện Duy Xuyên. Nhiều người biết đến, rồi truyền tai nhau, tiệm bánh của chị dần đông khách.

Đến năm 2019, chị Nhung khai trương tiệm bánh nhỏ đầu tiên tại nhà bố mẹ, bán bánh sẵn và nhận làm bánh theo yêu cầu của khách hàng. Sang năm 2020, chị tiếp tục khai trương tiệm bánh thứ 2.

"Thời gian đầu cũng gặp nhiều thử thách, thất bại khi sản phẩm không đạt yêu cầu. Có thời điểm tôi bị áp lực, ốm sốt 3 ngày liên tục vẫn không thôi trăn trở, tìm nguyên nhân vì sao bánh hỏng", chị Nhung tâm sự.

May mắn mỉm cười với chị sau một thời gian kiên trì. Những chiếc bánh chị làm ra ngon, lạ, được khách hàng ưa chuộng, mang lại thu nhập ngày càng khá cho bà chủ. Đến nay, tiệm của chị làm ra hơn 70 mẫu bánh ngọt. Mỗi tháng, trừ chi phí, lãi khoảng 50 triệu đồng.

Gác 2 bằng đại học, cô gái chân lệch làm bánh ngọt lãi 50 triệu đồng/tháng - 3

Mỗi sản phẩm đều được gửi kèm lời cảm ơn, kèm thông tin sản phẩm và cách bảo quản… (Ảnh: NVCC).

Hiện chị đang làm chủ 3 cửa hàng bánh ngọt, với 25 nhân viên làm xoay ca. Bánh của tiệm nhắm đến phân khúc khách hàng bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

San sẻ yêu thương với cộng đồng

Chị Nhung cho hay, ở thời điểm khó khăn, thất bại, chính con cái là động lực giúp chị vực dậy tinh thần. Nhìn con thích thú với những chiếc bánh do mẹ làm, với chị, đó là niềm vui sướng khó tả. Đi đến đâu, con gái cũng khoe tiệm bánh ngọt của mẹ.

Cũng vì lý do đó, chị đặt tiêu chí làm bánh ngon, vì sức khỏe. Hàng năm, chị đều tự mang mẫu bánh đi kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gác 2 bằng đại học, cô gái chân lệch làm bánh ngọt lãi 50 triệu đồng/tháng - 4

Hàng năm, chị Nhung đều trích 5% doanh thu để làm từ thiện (Ảnh: NVCC).

Mỗi ngày, bên cạnh quản lý cửa hàng, chị cũng luôn chú trọng học hỏi nâng cao tay nghề làm bánh của bản thân. Nhiều khách hàng gọi vui đây là tiệm bánh "bắt trend" nhanh, vì luôn làm mới mẫu bánh.

Chị Nhung tâm niệm, để có thể đi được đường dài, nhân viên phải giỏi hơn chủ. Chị hết lòng truyền nghề, chỉ dạy tận tâm để tất cả nhân viên trong tiệm đều nắm được công thức làm bánh.

"Tôi chủ động truyền nghề cho nhân viên, để các em khi có điều kiện có thể mở tiệm bánh riêng, lan tỏa được giá trị bánh ngon vì sức khỏe", chị Nhung trải lòng.

Hàng năm, chị Nhung đều trích 5% doanh thu của tiệm bánh để thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Vừa rồi, mang bánh tặng trẻ em ở huyện miền núi Tây Giang, chị Nhung nảy sinh ý định mang cả lò nướng, máy đánh bột lên núi hướng dẫn bà con đồng bào nơi đây làm bánh.

"Biết đâu, người dân nơi đây có thêm cái nghề mưu sinh", chị Nhung bày tỏ tâm nguyện của mình.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi

TIÊU ĐIỂM

Nghệ sĩ Trần Lập qua đời ở tuổi 42
Sau 4 tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường đã trút hơi...
Bớt hội họp để tập trung chống xâm nhập mặn
Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo các cấp giảm hội họp, huy động cả hệ thống chính trị để phòng,...
Sở Y tế Đắk Lắk xin lỗi nữ sinh bị cưa chân
Chiều 17/3, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về trường hợp nữ sinh Lê Thị...