Thứ năm, 07 Tháng 4 2022 15:47

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 29.000 người khuyết tật chiếm khoảng 2,56% dân số toàn tỉnh. Phần lớn người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.

Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương các cấp tại Thừa Thiên Huế đã triển khai, thực hiện đồng bộ các chế độ chính sách, giải pháp hỗ trợ đến với người khuyết tật trên toàn tỉnh. Trong tổng số gần 29.000 người khuyết tật có: 24.192 người khuyết tật đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo các Nghị định của Chính phủ; 1.205 người khuyết tật hưởng chính sách đối với người có công cách mạng; 405 người khuyết tật hưởng chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội; 2.040 người khuyết tật đang hưởng các chính sách khác.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo đó, chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022, nhằm nâng cao năng lực người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh công tác phối hợp, các hoạt động truyền thông và kiểm tra, giám sát, bảo đảm người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các hoạt động thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý, gồm: Nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính; thực hiện truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính; phối hợp khảo sát, đánh giá kết quả, nhu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Tỷ lệ người khuyết tật hưởng chính sách trợ giúp xã hội cao hơn so với các chính sách khác thể hiện mức độ bao phủ, phù hợp của chính sách này trong việc trợ giúp các đối tượng yếu thế nói chung, người khuyết tật nói riêng.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi