Thứ ba, 13 Tháng 10 2020 16:49

Sau những ca mổ cho bệnh nhân bị gù do viêm cột sống dính khớp thành công, trả lại dáng đứng, tầm nhìn, khả năng lao động và chất lượng sống cho nhiều bệnh nhân. Đến nay, rất nhiều bệnh nhân bị gù nhiều năm tìm đến bệnh viện mong được phẫu thuật.

 

"Cân não" trước ca bệnh đặc biệt

 

Trong đó phải kể đến trường hợp đặc biệt nặng là anh N.T.T. (36 tuổi, HN), bị gù rất nặng do viêm cột sống dính khớp suốt 22 năm qua. Căn bệnh khiến lưng của bệnh nhân N.V.T  gãy gập như lưng tôm.

 

Bệnh nhân N.V.T. trước phẫu thuật

 

Bệnh nhân nhập viện với thể trạng gầy (42kg), tình trạng gù nặng và tiến triển biến dạng nhanh trong 4 năm gần đây, tầm nhìn 1m trở lại bàn chân, không ngửa mặt lên được. Do biến dạng của cột sống, thành ngực của bệnh nhân chạm sát đùi, khớp háng hai bên dính hoàn toàn, cột sống cổ hạn chế vận động nhiều, khớp vai trái cũng bị hạn chế biên độ vận động nhẹ do bắt đầu bị dính.

 

Hình ảnh cột sống của  bệnh nhân trên phim

 

Các bác sĩ đã khám và làm các xét nghiệm, tính toán đến những  khó khăn khi thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt này. Đầu tiên phải kể đến là tìm cách làm sao để có được bàn mổ phù hợp với người bệnh. Với người bệnh nhân siêu gù như anh N.V.T không có bàn mổ nào có thể sử dụng để mổ được và cũng không có tài liệu trong nước cũng như quốc tế để tham khảo về phương pháp gá đặt và cố định bệnh nhân trong quá trình mổ. Bên cạnh hội chẩn đánh giá biến dạng và các phương pháp phẫu thuật thì những khó khăn trong gây mê và phương án cấp cứu ngừng tim phổi khi gây mê bệnh nhân nếu có cũng được các bác sĩ bàn bạc, cân nhắc và chuẩn bị rất kỹ, chi tiết… để dự phòng các biến chứng khi phẫu  thuật.

 

Trải qua thời gian hơn 3 tháng nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần với các mô hình khác nhau, Khoa Trang bị, Bệnh viện TW QĐ 108 đã thiết kế thành công bộ dụng cụ lắp đặt tương thích với bàn mổ sẵn có của bệnh viện. Với bộ phận chế tạo thêm này bệnh nhân được cố định chắc chắn vào bàn mổ. Bộ dụng cụ này đỡ toàn bộ nửa cơ thể phía dưới của người bệnh và có thể thay đổi linh hoạt từ 0 đến 180 độ để thực hiện nắn chỉnh biến dạng của cơ thể sau khi các đốt sống được cắt tạo hình chỉnh gù cột sống.

 

Với dáng "gù lưng tôm", các kỹ sư, bác sĩ phải thiết kế bộ dụng cụ tương thíchcó thể thay đổi linh hoạt từ 0 đến 180 độ để thực hiện nắn chỉnh biến dạng của cơ thể sau khi các đốt sống được cắt tạo hình chỉnh gù cột sống.

 

Phẫu thuật cột sống giải  thoát “lưng tôm” cho bệnh nhân

 

Ngày 29/9/2020, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Đây là ca phẫu thuật phức tạp và nhiều khó khăn và lần đầu tiên tại bệnh viện, các kỹ sư cùng tham gia vào chuẩn bị tư thế mổ cho bệnh nhân.

 

Ca phẫu thuật diễn ra trong 7 giờ với sự có mặt của các bác sĩ chuyên khoa về gây mê, chấn thương chỉnh hình cột sống. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chỉnh gù cột sống, cắt chêm xương qua đĩa đệm L3-4 nắn chỉnh gù, ghép xương. Sau mổ, bệnh nhân ổn định, diễn biến tốt.

 

Bệnh nhân N.V.T. sau phẫu thuật.

 

Bác sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống, Viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết: “Đến giờ phút này có thể nói ca phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cho bệnh nhân N.V.T. đã thành công. Hiện bệnh nhân N.V.T. đang được phục hồi chức năng, dự kiến khoảng 2 tuần nữa có thể xuất viện về nhà. Chúng tôi sẽ hẹn anh trở lại để thực hiện các phẫu thuật thay khớp háng hai bên nắn chỉnh hết các biến dạng và hồi phục chức năng vận động”.

 

Trường hợp của bệnh nhân N.V.T.  còn rất nhiều hy vọng, sau ca phẫu thuật bệnh nhân sẽ cải thiện được hệ hô hấp, đi lại dễ dàng và có thể tự phục vụ bản thân cũng như lao động sản xuất nhẹ nhàng được.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi