84 ngày sau ca đại phẫu tách rời, Trúc Nhi và Diệu Nhi đang bước đến gần đích hơn trên hành trình trở thành đứa trẻ bình thường.
Hôm nay (7/10), Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi, 16 tháng tuổi, được xuất viện sau hơn 400 ngày sống tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Sinh ra với hình hài không nguyên vẹn, nương tựa nhau bằng những cơ quan, nội tạng duy nhất cho cả hai cá thể, giờ đây, song Nhi đang đi vào quỹ đạo phát triển của đứa trẻ bình thường, với hai cơ thể độc lập.
Sự dũng cảm của người mẹ
Trong nhật ký viết cho hai con gái, Trần Thị Hồng Thúy (mẹ song Nhi) chia sẻ hơn 400 ngày, bà mẹ trẻ không đếm xuể những vết kim đâm trên người con.
Tiêm thuốc, truyền dịch, lấy ven rồi lại hư, sau đó lấy tiếp. Dù là đường dao xẻ dọc cơ thể hay chỉ như vết kiến cắn, tất cả trở thành ám ảnh với hai con gái.
Đó là lý do sau mổ tách, dù những đau đớn nhất đã qua, song Nhi vẫn chưa thể thích nghi được với kim tiêm, dao kéo. Hiện tại, chỉ cần nhìn thấy điều dưỡng lấy dụng cụ, chuẩn bị làm gì đó, 2 bé sẽ khóc thét.
Trúc Nhi (ngồi) và Diệu Nhi (nằm) trước mổ tách. |
“Mẹ chỉ có thể bảo vệ được mạng sống cho hai con nhưng không thể chịu thay nỗi đau. Mạnh mẽ lên nhé hai thiên thần của mẹ. Đây là lần thứ 2 mẹ tha thiết mong con hiểu được. Nếu đơn giản là phá bỏ, mẹ sẽ không phải vất vả như bây giờ. Nếu thực hiện điều đó, làm sao mẹ có 2 con gái đáng yêu và thông minh như bây giờ”, mẹ song Nhi chia sẻ.
Trước đó, ThS.BS Nguyễn Đình Vũ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hùng Vương, trầm ngâm nhìn tấm phim siêu âm thai lạ thường. Đối diện ông là vợ chồng sản phụ 26 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.HCM.
Bác sĩ Vũ là người đầu tiên phát hiện dị tật dính liền hiếm gặp của song thai này. Tuy nhiên, đáp lại câu hỏi bỏ ngỏ của vị bác sĩ về việc có nên giữ lại song thai dị tật là ánh mắt thoáng buồn nhưng kiên định của cặp vợ chồng trẻ. Trao cho song Nhi cơ hội chào đời dù biết 2 con sẽ trải qua tuổi thơ đầy sóng gió là lựa chọn duy nhất của người mẹ.
“We’ll be born with our parent’s courage” (tạm dịch: Chúng ta được sinh ra nhờ sự dũng cảm của cha mẹ), bác sĩ Vũ viết trên mạng xã hội.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Hùng Vương cho thấy Trúc Nhi và Diệu Nhi dính nhau ở phần bụng chậu và cơ quan sinh dục. Đây là trường hợp song thai cùng trứng, có cùng bánh rau.
Chị Thúy nhập viện được vài ngày, Diệu Nhi có dấu hiệu thiếu máu nuôi, suy tim, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng tới cả Trúc Nhi. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM quyết định phẫu thuật, giúp 2 bé chào đời sớm 7 tuần so với dự kiến.
Sau sinh, cả 2 đều được bơm thuốc Surfactant hỗ trợ phổi và chụp CT, MRI tìm hướng can thiệp càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, 2 trẻ còn quá nhỏ để chịu đựng ca đại phẫu tách phần dính liền phức tạp.
Tìm kiếm. Chờ đợi. Hy vọng. Đó là những gì diễn ra suốt một năm.
“Quyết định táo bạo nhưng nhân văn”
TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ ngay khi tiếp nhận 2 đứa trẻ, ông đã ấp ủ kế hoạch cho một ca đại phẫu tách rời.
TS Định xúc động trước hình ảnh 2 đứa trẻ kém may mắn, nương tựa nhau bằng những cơ quan, nội tạng duy nhất. Với hình hài không trọn vẹn, khi Trúc Nhi đứng dậy, Diệu Nhi chỉ có thể nằm “chịu trận”.
Hành trình sóng gió thời kỳ sơ sinh cùng những bất hạnh trong 2 cá thể dính liền này đã thôi thúc ông phải làm điều gì đó.
Tuy nhiên, quyết tâm của ê-kíp ngoại khoa không thể thực hiện khi bản đồ cơ thể chưa hoàn thiện. Người gánh nhiệm vụ lớn lao này thuộc về bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Khánh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
“Tôi không nhớ mình đã chụp hình và siêu âm cho song Nhi bao nhiêu lần. Bao nhiêu lần hy vọng, lẫn tuyệt vọng”, bác sĩ Khánh kể
Với sự phối hợp giữa các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, toàn bộ cơ thể song Nhi được vẽ hoàn chỉnh với protocol chụp CT mạch máu đồ. Đây cũng là thời điểm đội ngũ bác sĩ tự tin cầm dao mổ, bước vào cuộc đọ sức trí tuệ.
“Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho 2 bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Chúng tôi đã trải qua nhiều lần hội chẩn để ngày hôm nay đi đến quyết định thực hiện công việc này. Một quyết định táo bạo nhưng chắc chắn sẽ thật nhân văn", TS Định trải lòng.
Những đau đớn nhất đã qua
5h30 sáng 15/7, gần 100 y bác sĩ bước vào khu vực mổ để thực hiện kế hoạch “cứu mạng sống cho 2 con người”. Từng kíp được phân chia thời gian vào phòng theo kế hoạch trước đó.
Họ là những y bác sĩ chuyên môn và kinh nghiệm nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM, Trung tâm Medic…
TS Định là người rạch đường dao đầu tiên, mở màn cho cuộc mổ. TS Trần Văn Dương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng nhóm phẫu thuật tạo hình, bắt đầu rạch da, cân cơ, mở bụng tách 2 bé. Việc tách cơ quan tiêu hóa, tạo hình niệu sinh dục, chỉnh hình khung chậu, kéo da, bó bột…, của 2 bé diễn ra thuận lợi sau đó.
Sau khoảng 13 giờ mổ, cặp song sinh dính liền được tách ra hoàn toàn. Nhiều trang báo nước ngoài đã đưa tin về ca mổ tách này như thành tựu lớn của y tế Việt Nam.
Trúc Nhi được cha bế qua giường thăm Diệu Nhi. |
Hơn 80 ngày hậu phẫu, song Nhi được chăm sóc 24/24 tại phòng Hồi sức Tim Ngoại. Các vết thương được chăm sóc tỉ mỉ, thành phần dinh dưỡng giúp bé nhanh hồi phục cũng được cân đối tỉ mỉ.
Ê-kíp chăm sóc song Nhi là những điều dưỡng rất trẻ. Nhưng chỉ cần nghe tiếng nấc hay trở mình trong đêm, họ lập tức có mặt.
Chứng kiến hành trình từ sơ sinh đến khi tách rời của cặp chị em, TS Trương Quang Định không khỏi xúc động. Sau ca mổ, TS Định chia sẻ tất cả chỉ là thành công bước đầu. Trước truyền thông, ông tuyên bố sẽ theo dõi song Nhi đến khi 2 bé tròn 18 tuổi.
Hiện tại, khi song Nhi tập đứng, tập bò, bi bô tập nói, vị bác sĩ mới yên tâm một phần về 2 cơ thể độc lập này. Hôm nay không phải là ngày song Nhi kết thúc hành trình tới viện của mình. Đây chỉ là quãng thời gian hai bé tạm nghỉ ngơi trong vòng tay của gia đình trước khi bắt đầu cuộc chiến đấu mới. Hai bé sẽ phải vượt qua ít nhất 4 cuộc đại phẫu tiếp theo.
TS Định biết rằng con đường trước phía trước sẽ còn nhiều chông gai. Dù vậy, "cuộc đời dài 60-70 năm đang có cơ hội được viết tiếp", đúng như lời GS.TS.BS Trần Đông A, Chuyên gia cao cấp, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, từng nói.
"Quyết định táo bạo nhưng nhân văn" ngày nào của Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sau 84 ngày, giờ đây đang ra quả ngọt.
Tin mới
- Bộ đôi sách hay đồng hành cùng trẻ tự kỷ - 11/12/2020 06:45
- Xe lăn mới cho người bị chấn thương tủy sống - 14/11/2020 03:03
- Phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ em - 25/10/2020 10:51
- Trợ giúp pháp lý cho 100% người khuyết tật khó khăn về tài chính - 18/10/2020 02:48
- Thanh niên 36 tuổi đứng thẳng sau 22 năm “gù lưng tôm” - 13/10/2020 09:49
Các tin khác
- COVID-19: Cài đặt ứng dụng Bluezone để bảo vệ bản thân và cộng đồng - 03/08/2020 11:48
- Bác sĩ 8 bệnh viện lớn tại TP.HCM cùng tham gia cuộc "đại phẫu" cho cặp song sinh dính nhau - 15/07/2020 04:40
- Bạo hành trẻ em ngày càng nghiêm trọng do thiếu hiểu biết pháp luật? - 17/06/2020 03:25
- Tháng Nhân đạo năm 2020: Chung tay vì sức khỏe cộng đồng - 05/05/2020 11:58
- Chàng trai tàn tật yêu được bạn gái xinh như mộng, nàng bế chàng như bế con - 01/05/2020 02:10