Nguyễn Hoàng Giang, sinh năm 1994, một thanh niên khiếm thị đã vượt lên số phận để đi đến những chân trời mà nhiều bạn bè cùng trang lứa vẫn đang mơ ước...
Nguyễn Hoàng Giang tại văn phòng Grab.
Giữa năm 2017, tôi gặp Giang tại Singapore khi anh còn đang là kỹ sư lập trình cho Grab. Công việc của Giang là phụ trách lập trình cho ứng dụng Android và nhiệm vụ là làm sao để ứng dụng dễ dàng truy cập cho tất cả khách hàng, kể cả những người khiếm thị.
Ai nhìn thấy Giang vào những lúc các ngón tay anh thoăn thoắt trên điện thoại hoặc khi anh trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh có thể nghĩ rằng anh không phải một người khiếm thị bẩm sinh. Thật ra, từ khi chào đời Giang đã không thể nhìn thấy. Nhưng anh tâm sự với Channel News Asia: “Tôi không muốn mình được coi là người ưu tiên”, và “Tôi luôn muốn mọi thứ phải tốt hơn. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng làm mọi thứ tốt hơn”. Phải chăng thái độ tích cực đối với cuộc sống đã giúp anh tự tạo ra thứ ánh sáng dẫn đường cho chính mình?
Tự thắp sáng những con đường
Giang sinh ra tại TPHCM. Lúc 9 tuổi, anh vào học tại trường bình thường sau ba năm học ở trường dành cho trẻ khiếm thị. Theo lời kể của Giang thì kết quả học tập thời trung học của anh “siêu tệ”, vì anh thích đọc sách và chơi nhiều hơn. Nhưng sau đó, anh nhận ra rằng nếu cứ như thế thì bản thân sẽ không làm được gì nhiều. Cùng sự khích lệ từ một người bạn khiếm thị, họ quyết định tạo ra một sự thay đổi.
Mục tiêu đầu tiên của đôi bạn cùng tiến là vào đại học và họ đã làm được điều đó. Hai người bạn ấy trở thành hai sinh viên khiếm thị của Đại học Quốc tế TPHCM. Tại đó, Giang nghiên cứu môn khoa học máy tính. Nhờ tình yêu môn toán, anh đã học khá tốt bộ môn “khó nhằn” này.
Vào năm học thứ ba, Giang bắt đầu đi làm bán thời gian. Anh làm nhân viên phục vụ nhà hàng, sau đó thực tập tại Công ty Intel ở Khu công nghệ cao quận 9 và làm bán thời gian tại Công ty Phần mềm Quang Trung.
Rồi Giang nhận được một suất học bổng du học tại Singapore trong vòng một năm. Trước khi sang đảo quốc Sư tử, anh cũng chỉ nghe nói về Singapore là một quốc gia châu Á có nhiều người trên thế giới đến đó làm việc. Mọi người cũng nói đó là cơ hội tốt cho anh. Vậy là anh một mình khăn gói lên đường với chiếc gậy luôn đồng hành.
Một hôm, một người bạn tên Nam cho anh biết Grab đang tuyển nhân sự. Khi đó Giang đang là sinh viên năm cuối đại học và đã ấp ủ giấc mơ làm việc ở nước ngoài. Nam và Giang đều là những người sử dụng dịch vụ của Grab và cả hai cùng tham dự phỏng vấn.
Đầu năm 2017, Giang vượt qua nhiều vòng phỏng vấn của Grab và trở thành một trong tám người được tuyển trên tổng số 400 ứng viên. Anh cũng là kỹ sư khiếm thị đầu tiên trong tất cả các văn phòng của Grab tại khu vực Đông Nam Á. Ken Chua, nhà sáng lập một công ty công nghệ dành cho người khuyết tật ở Singapore, nhận định trên Channel News Asia rằng Giang có thể là người khiếm thị đầu tiên làm kỹ sư lập trình trong các startup tại Singapore.
Tự tin, hài hước, thân thiện, dí dỏm là những gì mà Jessica McNaughton, Giám đốc nguồn nhân tài của Grab, nói về Giang trong suốt cuộc phỏng vấn. Jessica thừa nhận mặc dù Giang rất ấn tượng nhưng việc anh bị khiếm thị cũng khiến bộ phận tuyển dụng có chút cân nhắc. Khi hội ý với nhóm, Jessica đã hỏi: “Chúng ta có thể tuyển Giang không? Lựa chọn Giang có phù hợp với công ty hay không? Các bạn có nghĩ rằng Giang gia nhập nhóm là một ý tưởng hay?”. Cuối cùng, mọi thành viên đều thấy chàng thanh niên người Việt là người có thể truyền cảm hứng và tất cả đồng ý.
Thích tự do, độc lập
Grab đã chào đón Giang bằng một số điều chỉnh. Chẳng hạn những sticker được dán ở nút bấm thang máy hay máy pha cà phê cũng được bổ sung chức năng bằng chữ dành cho người khiếm thị, theo thông tin trên Channel News Asia.
Bản thân Giang cũng phải điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống. Anh tự thuê phòng, tự đi làm bằng xe buýt. Chia sẻ với người viết bài này, Giang kể: “Thỉnh thoảng tôi tự nấu ăn. Tuy không tra nhầm gia vị nhưng có thể bấm nhầm bếp từ và làm cháy đồ ăn (cười)”. Với Channel News Asia, anh chia sẻ có khi nhiều người ở Singapore cũng như ở Việt Nam làm từ thiện với anh bằng cách cho tiền. “Nhưng tôi muốn được đối xử bình đẳng vì tôi đang đi làm. Nếu ai đó định cho tôi tiền, hãy cho tôi ngàn đô, thay vì 1 hay 2 đô”, Giang hài hước nói.
Giang tâm sự anh luôn muốn đi đến nhiều nơi chốn mới, thưởng thức nhiều món mới. “Điều gì mới đều tốt với tôi: tìm vài cửa hàng ăn ở bãi biển, đến bar nhấm nháp vài ngụm rượu... Tôi muốn biết thêm về rượu và học cách phân biệt các loại rượu”, Giang nói.
Giang đã đi du lịch Thái Lan, tới các địa danh như Chiang Mai, Bangkok, Pattaya... Thái Lan là đất nước thứ hai mà chàng trai 25 tuổi từng đặt chân đến. Giang không coi bản thân mình là người không biết sợ nhưng anh mong muốn mọi người đừng lo lắng nhiều cho anh. “Tôi cần tự do. Nếu ai đó ngăn cản điều đó, tôi sẽ phản ứng”, Giang chia sẻ. Giang cho rằng không chỉ người khiếm thị mà người khuyết tật nói chung đều có quyền được sống độc lập. Tất nhiên, họ cần sự hỗ trợ vì họ bị khiếm khuyết nhưng họ vẫn cần sự độc lập.
Giang cũng tích cực tập gym để rèn luyện sức khỏe. Một người bạn trên Facebook khâm phục ý chí luyện tập của Giang, từng viết: “Đây là lần đầu tiên, mình được tiếp xúc và trực tiếp thấy một người khiếm thị đam mê gym và tập luyện hăng say như vậy. Mình thật sự thán phục về ý chí tập luyện của anh. Anh luôn đến tập đúng giờ, không bỏ buổi, tự kiếm tủ cất đồ, tự xác định máy tập và thực hiện không khác gì một người sáng mắt. Cảm nhận các mức tạ của anh rất chính xác”.
Có vẻ như chất phiêu lưu luôn có trong con người Giang. Anh luôn muốn đi tìm những thứ mới, chinh phục những điều mới mẻ. Hiện nay, anh không còn làm việc ở Grab nữa mà đã bước sang một chân trời mới mẻ hơn. Tuy chưa tiết lộ đó là nơi nào nhưng anh nói đó là một công việc hứa hẹn nhiều thách thức. Bóng tối đã thử thách anh nhưng dường như chưa từng cản nổi bước chân của chàng thanh niên không ngừng nỗ lực vươn lên này.
Khi được hỏi mẫu người phụ nữ anh thích là như thế nào, Giang nói đó phải là con người độc lập, điều đó rất quan trọng. Anh cũng muốn đồng hành cùng người con gái không ngừng cải thiện bản thân mình, cùng anh thắp sáng những con đường phía trước.
Tin mới
- Cụt 2 tay khi đá bóng, Assaf thành nhà vô địch taekwondo - 06/08/2019 03:13
- Cậu bé bại não Nguyễn Minh Châu và những ước mơ vì cộng đồng - 08/07/2019 04:55
- Chàng trai khiếm thị học báo và viết “dự án ánh sáng” - 08/07/2019 04:13
- Trở thành thiên tài sau khi gặp tai nạn - 03/07/2019 02:50
- Ali Stroker - Diễn viên khuyết tật đầu tiên giành giải Tony - 12/06/2019 07:22
Các tin khác
- Bất ngờ với món quà cô bé 23 tuổi bị bệnh xương thủy tinh dành tặng gia đình - 25/03/2019 03:30
- Họa sĩ Nhật triển lãm tranh vì người khiếm thị ở TP HCM - 26/02/2019 05:31
- Chàng trai 25 tuổi chế tạo 'găng tay biết nói' dành cho người điếc - 14/02/2019 04:03
- Chuyện cô giáo xương thủy tinh truyền cảm hứng cho giới trẻ - 10/01/2019 07:24
- Cậu bé không tay chân học viết chữ bằng mỏm cụt - 28/11/2018 03:18