Nghệ sĩ Nhật tổ chức triển lãm các tác phẩm tranh cát, giúp người khiếm thị cảm nhận tranh qua xúc và khứu giác.
Sự kiện bắt đầu từ ngày 14/2 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Chương trình nằm trong dự án Maris Art Project Asia Tour do họa sĩ Liku Maria Takahashi sáng lập. Maris là nghệ thuật vẽ tranh giúp người khiếm thị thưởng thức. Loại hình này được cải tiến từ tranh cát. Hạt cát, đá được chia làm 10 kích thước biểu hiện màu sắc đậm, nhạt khác nhau của tranh. Các hạt được đính chặt trên nền vải canvas và tẩm tinh dầu thảo mộc, giúp khán giả hình dung qua khướu giác, chẳng hạn màu tím có mùi oải hương, màu cam có mùi cam...
Lần thứ hai đặt chân đến Việt Nam, Takahashi cho biết chị tổ chức sự kiện với mong muốn người khiếm thị Việt trải nghiệm lối xem tranh mới mẻ. Chị chủ yếu vẽ những bức tranh về đề tài hòa bình thế giới. Chị sáng tạo ra một bảng quy ước riêng về màu sắc và áp dụng trên toàn thế giới cho người khiếm thị. Nữ họa sĩ chịu ảnh hưởng từ Joseph Beuys (1921-1989), nhà điêu khắc, giáo dục ở Đức nổi tiếng với mục tiêu "tạo ra một xã hội lý tưởng bằng nghệ thuật".
Học sinh khiếm thị thưởng thức tranh quốc kỳ vẽ theo phương pháp Maris.
Tại buổi triển lãm tối 14/2, hàng chục người khiếm thị được các tình nguyện viên dìu tay để hướng dẫn cách thưởng thức tranh. Đa số tác phẩm là quốc kỳ các nước. Một số bức khác là hình vẽ đơn giản như bông hoa, ngựa vằn... Nhiều khán giả thích thú khi lần được tiếp cận hình thức "xem" tranh bằng tay và mũi. Chị Thanh (quận Bình Thạnh) - một người khiếm thị - biết tới sự kiện qua lời giới thiệu của người quen là du học sinh Nhật. "Khi sờ các hạt cát trên tranh, cùng sự hỗ trợ của tình nguyện viên, tôi lập tức hình dung được lá quốc kỳ là của nước nào. Tôi hạnh phúc vì vẫn thưởng thức được các tác phẩm hội họa, dù là theo cách tưởng tượng của riêng mình", chị Thanh chia sẻ.
Sự kiện thu hút nhiều khán giả khiếm thị tại TP HCM.
Sự kiện còn có sự góp mặt của nhiều đại diện đến từ hội, trường học dành cho người khiếm thị. Bà Hà Thanh Vân, hiệu trưởng trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội bất ngờ trước cách họa sĩ Takahashi hướng dẫn các em dùng xúc giác và khứu giác một cách tận tình, dễ hiểu. Ông Yamaguchi Kazuhiko, nguyên ủy viên Ban chấp hành hội người mù quốc tế cho biết, người khiếm thị hiếm có cơ hội thưởng thức, cảm nhận mỹ thuật. "Nhiều người nghĩ rằng mắt không sáng thì không thể ngắm tranh, nhưng loạt tranh của Takahashi đã giúp người khiếm thị thưởng lãm được như bao người khác", ông tâm sự.
Họa sĩ Liku Maria Takahashi.
Triển lãm kéo dài tới ngày 17/2. Takahashi tổ chức các buổi dạy cách vẽ tranh Maris, hướng dẫn người khiếm thị chế tác quốc kỳ bằng tranh cát, học cách chơi cờ vây... Nữ họa sĩ mong tranh Maris sẽ được đưa vào sách giáo khoa mỹ thuật của hệ thống giáo dục tiểu học các nước, để các em nhỏ khiếm thị hình dung rõ hơn về thế giới từ thời thơ ấu.
Liku Maria Takahashi tốt nghiệp khoa điêu khắc, đại học tạo hình Tokyo năm 1993. Năm 2010, chị phát minh ra tranh Maris và có bài giảng ở trường khiếm thị Perkins, bang Boston, Mỹ. Năm 2011, chị du học tại New York. Năm 2012, họa sĩ tổ chức tour về dự án quốc kỳ Maris. Chị đã tổ chức triển lãm Maris qua các nước Czech, Italy, Việt Nam, Pháp, Thụy Điển...
nguồn: vnexpress.net
Tin mới
- Chàng trai khiếm thị học báo và viết “dự án ánh sáng” - 08/07/2019 04:13
- Trở thành thiên tài sau khi gặp tai nạn - 03/07/2019 02:50
- Ali Stroker - Diễn viên khuyết tật đầu tiên giành giải Tony - 12/06/2019 07:22
- Bóng tối không cản bước chân - 06/05/2019 03:46
- Bất ngờ với món quà cô bé 23 tuổi bị bệnh xương thủy tinh dành tặng gia đình - 25/03/2019 03:30
Các tin khác
- Chàng trai 25 tuổi chế tạo 'găng tay biết nói' dành cho người điếc - 14/02/2019 04:03
- Chuyện cô giáo xương thủy tinh truyền cảm hứng cho giới trẻ - 10/01/2019 07:24
- Cậu bé không tay chân học viết chữ bằng mỏm cụt - 28/11/2018 03:18
- Dạy học giữa lòng hồ - 23/11/2018 04:38
- Gia đình chị Nguyễn Thị Dung được hỗ trợ 203,7 triệu đồng - 01/11/2018 06:30