Không có được một đôi chân lành lặn, chuyện tình yêu lại không nhận được sự chúc phúc của hai bên gia đình, nhưng với nghị lực vượt lên nghịch cảnh, với tình yêu cháy bỏng, nồng nhiệt, anh Đặng Đình Dũng (Hải Dương) và chị Nguyễn Thị Phương (Hà Nội) đã từng bước vượt qua những thách thức của cuộc sống, chứng minh khả năng tự lập của mình để cùng nhau cập bến bờ hạnh phúc.
Đặng Đình Dũng là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Từ khi sinh ra, đôi chân của Dũng có biểu hiện bị bại liệt, mặc dù gia đình đã cố gắng đưa anh đi chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Tuổi thơ của anh gắn liền với những chuỗi ngày vất vả, khổ cực và đầy nước mắt của bố mẹ. Học hết phổ thông, được thầy cô, bạn bè tư vấn và thấy việc học ngành kế toán là phù hợp hơn cả, Dũng làm hồ sơ đăng ký thi vào khoa kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hải Dương. Trải qua 3 năm học, đến năm 2004 Dũng tốt nghiệp và xin vào làm việc tại một doanh nghiệp cách nhà 3 - 4 km. Từ đây, Dũng bắt đầu bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời đầy chông gai thử thách phía trước.
Ngay từ ngày còn đi học, vì không đi lại, chạy nhảy, nô đùa như chúng bạn được, để giải trí Dũng tìm đến với sách, báo. Anh đọc nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng thế giới như Victor Hugo, Balzac, rồi Chu Lai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... Khi đọc, gặp những câu văn hay, Dũng đọc nhiều lần và ghi lại vào một cuốn sổ, để ngẫm ngợi, để học hỏi.
Nhờ chăm chỉ đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học, đã giúp Dũng thanh lọc tâm hồn, yêu đời, yêu sống hơn, để bản thân không rơi vào tâm trạng bi quan, bế tắc. Anh bảo nếu không có sách báo, văn chương, chẳng biết bản thân có đủ lạc quan để vượt qua những lúc khó khăn của cuộc đời hay không.
Đam mê đọc sách đã đưa đường dẫn lối anh đến với công việc sáng tác văn chương. Ban đầu, Dũng cầm bút để viết lên những suy nghĩ cảm xúc của mình về cuộc sống, rồi dần dần, anh xây dựng cốt truyện, sắp xếp bố cục để viết thành truyện ngắn. Truyện ngắn đầu tiên của Dũng được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam khi anh đang học cấp 3. Sự kiện đó đã tiếp thêm động lực thúc đẩy Dũng tiếp tục sáng tác. Những truyện ngắn mới liên tiếp ra đời và được đăng trên nhiều báo, tạp chí như áo trắng, Sinh viên, tạp chí Văn nghệ Hải Dương... Dũng được kết nạp hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2003 và là hội viên trẻ nhất được kết nạp lúc bấy giờ.
Được hội hỗ trợ kinh phí, năm 2006, Dũng xuất bản tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Ghế đá bên hồ”. Tập truyện gồm 16 truyện ngắn là những tác phẩm được đăng rải rác trên các báo, tạp chí trong mấy năm bước vào con đường sáng tác văn chương. Do công việc thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, Internet, mạng xã hội, Facebook nên Dũng cũng quen được khá nhiều bạn bè mới. Trong đó có một cô bạn ở quận Hà Đông (Hà Nội). Qua những lần “chat” với nhau, Dũng càng hiểu hơn về người bạn gái này.
Người bạn gái đó là chị Nguyễn Thị Phương (33 tuổi), vận động viên (VĐV) bóng bàn khuyết tật của thành phố Hà Nội. Phương là con thứ tư trong một gia đình có 5 người con, 4 gái, 1 trai. Năm lên 3 tuổi, trong một lần ốm nằm viện, Phương bị lây vi rút từ một bệnh nhân khác, hậu quả khiến một chân bị khuyết tật. Mặc dù gia đình cố gắng chạy chữa nhưng cuối cùng Phương vẫn đành phải sống chung với một bên chân dị tật với những bước đi tập tễnh.
Đồng cảm với những thiệt thòi, mất mát của nhau, cả Dũng và Phương nhanh chóng thân thiết. Rồi hai người hò hẹn, gặp gỡ nhau ngoài đời. Những ngày tháng sau đó, những chuyến đi từ Hải Dương - Hà Nội đã trở lên thường xuyên, đã đưa họ đến với nhau gần hơn. Tình yêu từ đó nhen lên trong tim mỗi người. Nhưng tình yêu đẹp của anh chị lại không được gia đình ủng hộ, nhất là gia đình Phương. Họ nói rằng con gái họ đã khổ, đã thiệt thòi nhiều, và muốn chọn cho con mình người chồng lành lặn, khỏe mạnh để nương tựa.
Trải qua quá trình gian khổ, đầy nước mắt đắng cay, kiên trì thuyết phục, chứng minh bản thân trong cuộc sống, thậm chí quyết về chung sống trong một mái nhà mà không có được một đám cưới rộn ràng, tình yêu của anh chị cuối cùng cũng đã chiến thắng định kiến của gia đình.
Để vợ chồng được gần nhau, anh Dũng nghỉ việc ở Hải Dương lên Hà Nội xin làm kế toán cho một doanh nghiệp. Hai vợ chồng thuê nhà trọ ở quận Hà Đông, thu nhập của anh Dũng và đồng lương VĐV ít ỏi của chị Phương chỉ tạm đủ chi tiêu chắt bóp. Nghĩ cứ mãi như vậy cũng chẳng đi đến đâu, năm 2010, anh chị Dũng quyết định về quê ở khu 3, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh (Hải Dương) để sinh sống.
Thời gian đầu về quê, để ổn định cuộc sống, anh Dũng vẫn nhận làm kế toán cho các doanh nghiệp trên Hà Nội và ở địa phương. Hai vợ chồng anh còn đầu tư nuôi gà cảnh, chó cảnh để kinh doanh, làm đại lý bán xổ số, bán hàng quần áo online...
Nhờ sự chăm chỉ của cả hai vợ chồng, cuộc sống dần ổn định, thu nhập khá hơn, anh chị đã tích cóp xây dựng được căn nhà 2 tầng. Năm 2011, vợ chồng anh sinh được một cậu con trai bụ bẫm, đáng yêu. Cũng trong năm đó, anh chị quyết tâm thực hiện “giấc mộng chưa thành”, đó là nhà văn trẻ Đặng Đình Dũng mặc áo vest chú rể, còn cựu VĐV bóng bàn Nguyễn Thị Phương mặc áo cưới cô dâu. Lễ cưới theo phong tục truyền txhống tuy muộn nhưng có đủ họ hàng hai bên nội ngoại, bà con láng giềng, bạn bè đến chúc mừng. Cái kết đẹp đã đến cho chuyện tình của đôi vợ chồng khuyết tật nhờ sự kiên trì và nghị lực vươn lên của cả hai người.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Nữ sinh 23 tuổi trở thành Hoa hậu xe lăn thế giới đầu tiên - 13/10/2017 06:49
- Đội bóng 'một chân' Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Anh, vô địch châu Âu - 13/10/2017 06:47
- Chương trình truyền hình thực tế của BBC ghi hình ở VN - 05/10/2017 06:36
- Kỳ lạ người phụ nữ 27 tuổi mang hình hài "trẻ lên 2" ở Thái Nguyên - 26/09/2017 02:58
- Thành phố Hồ Chí Minh: Xe buýt đồng hành cùng người khuyết tật - 21/09/2017 03:30
Các tin khác
- Nhà vô địch Paralympics nhẹ nhàng phá kỷ lục ASEAN Para Games - 19/09/2017 03:12
- Xúc động cảnh cậu bé 3 tuổi khuyết tật tứ chi dỗ em sơ sinh đang khóc bằng núm ti giả - 11/09/2017 07:11
- Trợ giúp người khuyết tật đi xe buýt - 11/09/2017 03:22
- Hạnh phúc sau nỗi đau da cam - 05/09/2017 07:37
- Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - 22/08/2017 03:44