Ghi nhận kiến nghị của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM đã cải tạo một số nhà chờ xe buýt và đường dốc lên xuống xe, để giúp người khuyết tật có thể sử dụng xe buýt dễ dàng hơn.
Xe buýt CNG sàn thấp, có đường xe lăn lên xuống phục vụ người khuyết tật
Nhu cầu chính đáng
Những năm qua, TPHCM rất quan tâm việc nâng chất lượng phục vụ của xe buýt để thu hút người dân tham gia, nhằm hạn chế các phương tiện cá nhân gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, người khuyết tật ngồi xe lăn là đối tượng rất cần di chuyển bằng xe buýt lại rất khó để lên xuống xe.
Trên báo chí và các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người khuyết tật đã lên tiếng về những bất lợi của xe buýt. Họ bức xúc vì bị bỏ rơi ở trạm xe buýt do không có người hỗ trợ, không có đường cho xe lăn lên xuống. Thậm chí, tài xế thấy người khuyết tật ngồi xe lăn là bỏ trạm không vào.
Anh Hà Duy Khánh (ngụ quận Tân Phú) kể: “Tôi học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đi lại bằng xe gắn máy 3 bánh. Không đi xe buýt nhưng tôi thường nghe các bạn phải ngồi xe lăn than về việc xe buýt không hỗ trợ người khuyết tật đi lại, nên để rõ thực hư, tôi đã dành hẳn 2 tháng hè để trải nghiệm việc đi lại bằng xe buýt. Từ nhà tôi tới trường có 11 trạm xe buýt, suốt 2 tháng tôi kiên trì đón xe nhưng chưa lần nào tôi lên được xe. Thấy tôi, phụ xe chỉ ngó qua cửa kính bảo không có đường lên xuống rồi xe phóng đi”.
Trước thực tế đó, sau khi khảo sát, thu thập ý kiến của người khuyết tật, năm 2015, Trung tâm DRD đã đề xuất Sở GTVT TPHCM có phương án hỗ trợ người khuyết tật đi xe buýt. Đến đầu năm 2017, TPHCM đã đầu tư một số xe buýt sàn thấp, được trang bị thêm tấm ván thép; đồng thời, một số nhà chờ xe buýt đã được cải tạo phần vỉa hè dốc để xe lăn thuận tiện lên xuống xe buýt.
Chị Nguyễn Thị Lưu (trọ tại quận 3) chia sẻ: “Trước đây tôi phải dùng xe lăn đi học, nên ngoài giờ học không thể đi đâu. Nhiều lúc nhìn xe buýt chạy qua, tôi vẫn ước được ngồi lên đó để bớt vất vả lăn xe, không lo trễ giờ, không khổ vì mưa nắng, khói bụi và nguy cơ tai nạn giao thông. Từ khi xe buýt được cải tạo để phục vụ người khuyết tật, tôi chỉ phải tự lăn xe từ nhà ra Công viên 23-9 rồi lên xe buýt đi. Tôi cảm thấy thuận tiện và tự tin hơn trong cuộc sống”.
Bà Lưu Thị Ánh Loan, Quyền Giám đốc Trung tâm DRD, cho biết: “Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cụ thể kiến nghị các cơ quan hữu quan hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, trước tiên là hỗ trợ việc đi lại phục vụ sinh hoạt và học tập. Chúng tôi rất vui mừng khi TPHCM, Sở GTVT đã bước đầu triển khai cải tạo trạm xe buýt phù hợp với người khuyết tật”.
Cải tạo nhà chờ và xe phù hợp
Ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn TP có tổng cộng 4.000 điểm dừng xe buýt, trong đó có 500 nhà chờ. Tuy nhiên, chỉ có 166 nhà chờ đã tạo được lối lên xuống dành cho người khuyết tật; trong đó có 67 vị trí đạt quy chuẩn, còn 99 vị trí chưa đạt quy chuẩn, cần được khắc phục. Với 334 nhà chờ còn lại, trung tâm đang chờ vốn để thay thế, cải tạo lối lên xuống dành cho người khuyết tật. Về mặt kỹ thuật, trung tâm đã hạ vỉa hè tạo đường dốc lối lên xuống với độ dốc không quá 15 độ”.
Mới đây, tại bến xe buýt Công viên 23-9, 8 đường dốc lối lên xuống xe buýt dành cho người khuyết tật được cải tạo theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Ngoài kỹ thuật về độ dốc và chiều rộng đường dốc, 8 đường dốc này còn có lan can, tay vịn. Việc cải tạo 166 nhà chờ xe buýt trên địa bàn TPHCM và xây dựng 8 đường dốc lối lên xuống xe buýt nói trên đã nhận được phản hồi tích cực của người khuyết tật.
Hiện Trung tâm DRD đã trình Sở GTVT xem xét bố trí vốn để tạo đường dốc lối lên xuống dành cho người khuyết tật tại 416 nhà chờ xe buýt, trong đó xây dựng mới 317 vị trí và cải tạo 99 vị trí, dự kiến hoàn thành trong năm 2017, góp phần nâng chất lượng phục vụ, nhất là để xe buýt hữu dụng đối với người khuyết tật. Sở GTVT cũng đã cấp hơn 11.000 thẻ đi xe buýt miễn phí, thay thế các phương tiện như đầu tư 300 xe CNG sàn thấp (giai đoạn 2014-2017) phù hợp với người khuyết tật.
Nguồn: Báo SGGP
Tin mới
- Kỳ lạ người phụ nữ 27 tuổi mang hình hài "trẻ lên 2" ở Thái Nguyên - 26/09/2017 02:58
- Thành phố Hồ Chí Minh: Xe buýt đồng hành cùng người khuyết tật - 21/09/2017 03:30
- Nghị lực và tình yêu đẹp của cặp vợ chồng khuyết tật - 21/09/2017 03:23
- Nhà vô địch Paralympics nhẹ nhàng phá kỷ lục ASEAN Para Games - 19/09/2017 03:12
- Xúc động cảnh cậu bé 3 tuổi khuyết tật tứ chi dỗ em sơ sinh đang khóc bằng núm ti giả - 11/09/2017 07:11
Các tin khác
- Hạnh phúc sau nỗi đau da cam - 05/09/2017 07:37
- Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - 22/08/2017 03:44
- DARPA đang tìm cách cải thiện giác quan của con người bằng máy tính - 15/08/2017 01:48
- Cổ tích tình yêu khó tin của hai số phận mang ‘dòng máu dioxin’ ở Nghệ An - 24/07/2017 07:42
- Gia cảnh bất hạnh, chàng thanh niên mù đi lạc, bất ngờ tìm thấy hạnh phúc đời mình - 24/07/2017 07:31