Thứ ba, 27 Tháng 11 2018 11:20

Khi có thiết bị giám sát, chắc chắn thời gian, số kilomet của người học sẽ tăng lên theo đúng quy định, giáo viên không bớt được giờ học...

 

1

Việc quản lý chặt trong khâu đào tạo sẽ giúp học viên tự tin lái xe ngay khi được cấp bằng (Trong ảnh: Sát hạch lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe Học viện Cảnh sát nhân dân) - Ảnh: Khánh Linh

 

Thời gian tới, với những thay đổi về chương trình, tăng cường thiết bị đào tạo và ứng dụng công nghệ giám sát chặt khâu sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Học viên được cấp bằng lái đảm bảo tự tin điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.

 

Đầu tư thêm nhiều thiết bị, công cụ giám sát

 

Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Điểm đáng chú ý nhất của lần sửa đổi Thông tư này là bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các cơ sở đào tạo, sát hạch để đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng thực hành, làm quen với nhận diện tình huống giao thông thực tế và giám sát chặt khâu sát hạch lái xe.

 

Cụ thể, Thông tư bổ sung Khoản 16 quy định: Cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị và duy trì thiết bị mô phỏng học thực hành lái xe, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo lộ trình. Đồng thời, bổ sung quy định cơ sở đào tạo phải sử dụng phần mềm để cập nhật thông tin và quản lý đội ngũ giáo viên và xe tập lái.

 

"Thông tư 12 bắt buộc các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch thực hiện nhưng sẽ có lộ trình đến giữa năm 2020 mới thực hiện để các cơ sở đào tạo có thời gian đầu tư trang thiết bị. Tổng cục Đường bộ VN đang phối hợp với trường Đại học Bách Khoa nghiên cứu thiết bị giám sát chặt chẽ học viên học đủ thời gian, số kilomet thực hành quy định, chất lượng học viên sẽ được nâng cao. Trên cơ sở này, ở mỗi kỳ sát hạch sẽ kiểm tra được học viên có học đủ hay không mới được dự sát hạch, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo lái xe”.

Ông Lương Duyên Thống
Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN)

Đối với trung tâm sát hạch lái xe, Thông tư bổ sung quy định: Trung tâm sát hạch phải lắp đặt camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch trong hình và kết nối trực tiếp về Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT, để giám sát quá trình sát hạch. Đồng thời, trung tâm sát hạch cũng phải lắp đặt thiết bị mô phỏng sát hạch lái xe.

 

Lý giải về quy định này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, giữa quy định về công tác quản lý, đào tạo, sát hạch lái xe và thực tế thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện nay, các Sở GTVT chỉ kiểm tra các khóa học, kiểm tra cấp chứng chỉ, còn trách nhiệm của cơ sở đào tạo có dạy đủ thời gian, chương trình hay không, chưa có công cụ giám sát.

 

Cũng theo ông Thống, quy định 84 giờ học thực hành và 1.100km lái xe trên đường của học viên hiện không có công cụ để giám sát. Vì vậy, ông Thống cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2018 về kinh doanh dịch vụ cấp GPLX. Trong đó, bổ sung thêm một số quy định về ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch như thiết bị mô phỏng, thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, giám sát quãng đường và thời gian học thực hành của học viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cấp GPLX.

 

Ở góc độ cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Như Đẳng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Nam Triệu nhận định, thời gian qua, có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng tại các tuyến đường địa hình phức tạp, miền núi, đèo dốc, trong khi các cơ sở đào tạo lại không có đủ điều kiện về tuyến đường, nội dung tập lái.

 

“Việc yêu cầu các trung tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất như thiết bị mô phỏng là cần thiết. Vì sẽ trang bị cho người học những kỹ năng cơ bản để biết thế nào là tình huống rủi ro, về đường giao cắt, điều khiển xe vào ban đêm, trời mưa và cách xử lý, giúp người học hình thành thói quen chủ động phán đoán tình huống rủi ro khi tham gia giao thông”, ông Đẳng nói.

 

Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Công ty Vận tải ô tô số 2 lại cho rằng, khi có quy định, các cơ sở đào tạo sẽ phải đầu tư thêm. Việc đầu tư sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi chi phí thiết bị mô phỏng có thể lên tới hàng tỷ đồng. Cùng với đó, mỗi trung tâm đầu tư bộ giám sát cho vài trăm xe tập lái cũng sẽ cộng thêm số tiền khá lớn. Trung tâm có thể bỏ ra chi phí đầu tư trang thiết bị nhưng thực chất người học sẽ phải gánh học phí chắc chắn sẽ tăng.

 

 

2
Một thiết bị mô phỏng thực hành lái xe của Trung tâm Đào tạo lái xe Honda Vĩnh Phúc - Ảnh: K.Linh

 

Để học viên đủ tự tin lái xe sau khi được cấp bằng

 

Ông Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng, việc các trung tâm hiện đại hóa cơ sở vật chất là yêu cầu bắt buộc, vì đây là xu thế tất yếu. Dù câu hỏi lý thuyết đã tăng lên 500 câu nhưng quan trọng hơn cần đào tạo ý thức, trách nhiệm của người lái xe trong đảm bảo ATGT. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát học thực hành đường trường bằng thiết bị GPS.

“Cần đánh giá lại các trung tâm đào tạo, sát hạch, đồng thời chuẩn hóa mô hình đào tạo lái xe trong cả nước và quy định trong một thời gian nhất định cơ sở đào tạo, sát hạch nào không đạt chuẩn này có thể thu hồi giấy phép”, ông Trường đề xuất.

 

Trả lời câu hỏi khi các cơ sở đào tạo, sát hạch được đầu tư thiết bị giám sát có giải quyết được tình trạng loạn giá đào tạo và đưa học phí về giá trị thực hay không, ông Lương Duyên Thống cho biết, quy định hiện nay cho phép các cơ sở đào tạo tự xây dựng mức học phí, nên khó tránh khỏi cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, với quy định này, chắc chắn các cơ sở đào tạo, sát hạch phải dành nguồn kinh phí để đầu tư thêm trang thiết bị. Còn học viên có phải đóng thêm chi phí hay không do các cơ sở đào tạo tính toán vào khấu hao trang thiết bị.

 

“Khi có thiết bị giám sát, chắc chắn thời gian, số kilomet của người học sẽ tăng lên theo đúng quy định, giáo viên không bớt được giờ học, khi đó các trung tâm đào tạo sẽ phải tính phí đào tạo theo thực tế”, ông Thống nói.

 

Cũng theo ông Thống, khi đã có hệ thống giám sát, dữ liệu giám sát sẽ được truyền về Tổng cục và các sở GTVT, đảm bảo người học sẽ được học đầy đủ. Bên cạnh đó, các kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành sẽ được truyền trực tuyến về Bộ GTVT và các sở GTVT.

 

“Với các giải pháp nêu trên, quản lý chặt chẽ được số kilomet chạy trên đường, học viên sau khi có bằng có thể tự tin lái xe, không phải bỏ thêm các chi phí phát sinh thuê thêm thầy dạy kèm”, ông Thống nói và khẳng định: “Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, các trung tâm sẽ phải đầu tư. Đến thời hạn quy định nếu trung tâm nào không chấp hành sẽ xem xét dừng đào tạo hoặc rút giấy phép đào tạo, sát hạch theo Nghị định 46/2016.

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE tăng cường , giám sát , lái xe , đào tạo , giao thông , an toàn

TIÊU ĐIỂM

Nghệ sĩ Trần Lập qua đời ở tuổi 42
Sau 4 tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường đã trút hơi...
Bớt hội họp để tập trung chống xâm nhập mặn
Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo các cấp giảm hội họp, huy động cả hệ thống chính trị để phòng,...
Sở Y tế Đắk Lắk xin lỗi nữ sinh bị cưa chân
Chiều 17/3, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về trường hợp nữ sinh Lê Thị...