Thứ tư, 22 Tháng 6 2016 14:33

Tai nạn thương tích ở trẻ em gồm một số loại như: ngã, bỏng/cháy, tai nạn giao thông, ngộ độc các loại, cắt, đâm, ngạt thở, hóc nghẹn, súc vật cắn, chết đuối/đuối nước, bạo lực, bom, mìn/vật nổ, điện giật và một số thương tích khác. Việc phổ biến, trang bị kiến thức phòng, tránh tai nạn thương tích ở trẻ em cho những người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ hàng ngày là hết sức quan trọng, giúp loại bỏ hầu hết những nguy cơ ban đầu có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Ngã

Trông trẻ đúng cách luôn luôn là cách phòng tránh hữu hiệu nhất, giáo dục hướng dẫn trẻ em biết những hoàn cảnh có thể gây nên ngã và các hậu quả của ngã để có tác dụng giáo dục, răn đe. Phổ biến kiến thức phổ thông cho người chăm sóc trẻ và trẻ (đối với trẻ lớn) các kiến thức sơ cứu ban đầu trong trường hợp một trẻ bị thương do ngã. Quản lý các em nhất là trong dịp nghỉ hè: Trẻ không được leo trèo cột điện, mái nhà, trèo cây hái quả, bắt chim, không chạy thả diều trên sân thượng, gần ao, hồ, sông, ngòi hay lòng đường... Hướng dẫn và tổ chức cho các em hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh: thăm quan, cắm trại, có sân bóng riêng. Xây dựng môi trường an toàn: Biển báo nguy hiểm, báo cấm (cấm đi, trèo...) ở những nơi cần thiết. Thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn: cần có chấn song, rào chắn ở các cửa sổ, ban công, tại các cửa đi ra sân khi có các bậc thềm cao... Không để cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi trông trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Luôn cần có người giám sát và trông trẻ.

Bỏng/Cháy

Các gia đình cần bố trí bếp nấu ăn hợp lý. Để bếp lò phẳng, cao ngoài tầm với hoặc có vách ngăn không cho trẻ nhỏ tới gần. Khi nấu luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn. Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy ...). Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu: tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; nhiệt độ nước tắm rửa. Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun... Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh. Quản lý chặt chẽ chai lọ đựng hoá chất như chất tẩy rửa, acid. Không vừa bế trẻ vừa ăn, uống thức ăn nóng. Không nên cho trẻ dưới 8 tuổi giúp đỡ bố mẹ làm bếp. Dạy trẻ các cách phòng tránh trên và luôn dùng lót tay khi bê các đồ nóng.

Tai nạn giao thông

              

Để phòng, tránh, phải tuyên truyền phổ biến luật giao thông cho toàn xã hội để các em thấy rõ các tình huống dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT), những nguy cơ và hiểm hoạ của TNGT đối với sức khoẻ. Giúp các em có những hiểu biết, tuân thủ các qui tắc, luật lệ về an toàn giao thông. Tạo dư luận xã hội cổ vũ cho các hành vi an toàn, lên án những hành vi không an toàn như đua xe, lạng lách. Hướng dẫn trẻ cách đi lại an toàn: Trang bị mũ bảo hiểm khi trẻ dùng xe đạp hoặc tham gia giao thông cùng với người lớn. Ghế an toàn cho trẻ em khi đi xe đạp/máy do người khác đèo. Thắt dây an toàn khi ngồi trên ôtô. Tham gia tập huấn và nắm vứng các kiến thức cũng như sơ cứu ban đầu khi xảy ra tai nạn giao thông.

Anh bai CVDXH 2 - Mot so cach phong tranh

Trang bị kiến thức, luật lệ an toàn giao thông đã góp phần phòng tránh TNNTT ở trẻ em

Cách phòng tránh tai nạn giao thông thủy chủ yếu là: Mặc áo phao, không lên tàu khi tàu quá đông (không có đủ chỗ ngồi cho mỗi người), không chen lấn xô đẩy, tuyệt đối tuân theo những quy định an toàn khi ở trên tàu, phà.

Ngộ độc

Do trẻ nhỏ chưa hiểu biết và có nhận thức được đồ vật chung quanh nên trẻ có thể cầm đồ vật cho vào mồm hoặc làm đổ vỡ các vật dụng xung quanh mà vô tình có để các hoá chất hoặc nhặt bất cứ thứ gì để ăn và uống nên cần phải tuyên truyền để các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ hiểu sự phát triển thể chất và tâm sinh lý của trẻ qua từng độ tuổi để nhắc nhở và giúp trẻ hiểu biết phòng ngừa ngộ độc. Tuyên truyền cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ các nguyên nhân, hậu quả của ngộ độc để biết cách phòng tránh. Sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Những vật dụng trong nhà có đựng các chất có thể gây ngộ độc cho trẻ (thuốc chữa bệnh, xà phòng, hoá chất trừ sâu, thuốc diệt chuột, thuốc tẩy rửa, bình xịt muỗi, ga....) cần cất ở nơi kín đáo để xa tầm tay trẻ.

Cắt, đâm (vật sắc nhọn)

               

Cần chỉ dẫn cho trẻ thấy được sự nguy hiểm (đau, chảy máu, cụt tay…) khi sử dụng hay chơi đùa bên cạnh các đồ vật sắc nhọn. Dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm (trèo cây, đấu kiếm…). Dạy trẻ không bắt chước người lớn làm công việc nguy cơ: gọt hoa quả, thái thịt, khâu vá… mà không có sự giám sát của người lớn. Để ngoài tầm với của trẻ tất cả các vật sắc nhọn có thể gây nguy hại như: dao, kéo, dùi đục, kim, đinh…, bao bọc các đầu sắc nhọn của các đồ vật trong nhà, dựng hàng rào ngăn cách trẻ tới các chỗ nguy hiểm… Tổ chức và giám sát chặt chẽ để trẻ có được các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn. Trang bị kiến thức tối thiểu cho cha mẹ, người giám sát, các cộng tác viên và các nhân viên y tế biết cách sơ cứu ngay tại chỗ trong trường hợp tai nạn do vật sắc nhọn gây nên.

Ngạt thở, hóc nghẹn

Đối với trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), trông trẻ đúng cách vẫn là cách tốt nhất. Cho trẻ ngủ trên đệm cứng, nằm ngiêng hoặc ngửa, để các vật dễ gây ngạt đường thở cho trẻ như túi ni lông, báo, gối, chăn, đệm quá êm xa chỗ trẻ nằm. Để ra xa tầm tay của trẻ các vật nhỏ như kim băng, đồng xu, hạt trái cây và các vật nhỏ dễ cho vào mũi, miệng... Nên để các vật nhỏ trên giá cao trẻ không với tới, hoặc để trong các hộp, tủ có khóa. Khi cho trẻ em ăn bột, ăn cơm chú ý không để đầu trẻ ngả về phía sau, không để trẻ vừa ăn vừa cười đùa dễ làm thức ăn lọt vào đường thở gây hóc nghẹn. Cho trẻ nhỏ ăn thức ăn nghiền nát, không lẫn xương, lẫn hạt và cho ăn từng tí một. Chỉ cho trẻ chơi những đồ chơi có đường kính lớn hơn 05cm.

Đối với trẻ lớn hơn (6-12 tuổi), nhắc trẻ không vừa ăn, uống vừa cười đùa, chạy nhảy. Dạy các cháu cách sơ cứu trên nếu các cháu phải trông trẻ nhỏ hơn. Trong mọi trường hợp, người trông giữ trẻ phải được học cách sơ cấp cứu ngạt tắc đường thở.

Chết đuối/đuối nước

Nguyên nhân của việc đuối nước là do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các kỹ năng cần đặc biệt chú ý là: trông trẻ, dạy bơi, cứu đuối…

Để phòng, chống đuối nước cho trẻ, luôn ở cạnh trẻ trong phạm vi 05m, đảm bảo bạn luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ. Tuyệt đối không để trẻ duới 10 tuổi trông trẻ bé hơn. Học kỹ thuật sơ cấp cứu, hà hơi thổi ngạt. Rào ao, các hố nước, rãnh nước quanh nhà và làm cổng chắc chắn trẻ không tự mở được, giữ cổng luôn đóng. Làm cửa chắn nếu nhà gần ao, hồ, làm cửa chắn an toàn: rào dọc, khoảng cách giữa các thanh rào tối đa 15 cm, chiều cao rào tối thiểu là 80 cm. Đổ nước trong các xô, chậu, đồ chứa nước khi không cần dùng. Luôn đậy nắp giếng, bể… bằng các nắp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt). Đối với vùng lũ, dùng giường 3 vách. Cho trẻ mặc áo phao khi đi trên thuyền… Chuẩn bị sẵn các phương tiện cứu hộ như dây thừng, phao… trong nhà. Dạy trẻ bơi và các nguyên tắc an toàn: Chỉ cho phép trẻ học bơi ở những nơi an tòan do người lớn có khả năng bơi và cứu đuối tốt. Trẻ chỉ được công nhận biết bơi khi có thể bơi được 25m liên tục và tự lặn nổi ít nhất 5 phút.

Điện giật, sét đánh

Quan trọng nhất là đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật. Đảm bảo gia đình bạn an toàn về điện, để nguồn điện ngoài tầm với của trẻ, dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến. Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục. Hướng dẫn cách phòng điện giật và thao tác kỹ thuật sơ cứu điện giật tại trường học, tại gia đình và nơi làm việc. Đối với trẻ lớn hơn (6-15 tuổi) cần giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm. Ghi biển báo những dấu hiệu nguy hiểm nơi có nguy cơ gây ra điện giật. Tuyên truyền cách sơ cứu về bỏng, chuẩn bị xử trí những tai nạn về điện khi dây điện bị đứt rơi xuống trong mưa bão. Giáo dục ý thức tuân thủ an toàn dưới hành lang điện. Khi có mưa dông sấm sét: Không đi ra đường, không đứng ngoài ngoài đồng trống. Lên bờ ngay nếu đang đứng dưới nước. Không đứng dưới gốc cây to, không đứng gần cột điện cao thế, cột thu lôi. Không mang đồ vật bằng kim loại, không đến gần khu vực tập trung vật liệu bằng kim loại, vùng có mỏ sắt. Trùm ngay áo mưa kín đầu rồi ngồi xuống thấp hoặc chạy vào trong nhà nếu đang ở ngoài trời. Không bật tivi, đài, nên đóng các cửa sổ và cửa ra vào. Mọi nhà nên có cột thu lôi chống sét, chú ý an toàn khi lắp đặt cột ăng ten thấp hơn cột thu lôi. Tuyệt đối không mắc dây phơi áo quần vào dây thu lôi.  

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Tai nạn thương tích ở trẻ em

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi