Tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi ngày trên thế giới, hàng nghìn gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. ở Việt Nam trung bình mỗi ngày có gần 20 gia đình chịu sự mất mát, đau thương vì sự ra đi của trẻ em do nguyên nhân này. Tai nạn, thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và khuyết tật kéo dài suốt cuộc đời ở trẻ em. Hơn bao giờ hết, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em đã và đang đặt ra những vấn đề mang tính cấp bách, đòi hòi sự vào cuộc, phối hợp, tham gia tích cực hơn nữa của cộng đồng xã hội, nhà trường và gia đình.
Thực trạng tai nạn thương tích ở trẻ em
Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều giải pháp về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tuy vậy, tình hình tai nạn, thương tích trẻ em ở nước ta vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em là do tai nạn giao thông đường bộ và tai nạn đuối nước. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều địa phương chưa coi trọng việc phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em; nhiều gia đình vẫn chưa có nhận thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em dẫn đến những cái chết không đáng có. ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao. Tai nạn thương tích ở trẻ em đã để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội, tạo ra gánh nặng trong việc chăm sóc và bảo đảm phúc lợi xã hội. Những di chứng để lại sau tai nạn, thương tích khiến trẻ em dễ rơi vào tổn thương tâm lý, khó khăn trong việc học tập, thậm chí có thể mất cơ hội học hành, từ đó làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và cơ hội tương lai của đứa trẻ.
Dạy bơi luôn là cách phòng tránh đuối nước hiệu quả nhất cho trẻ em
Cũng như các nước có thu nhập thấp và trung bình khác, yếu tố nguy cơ của tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam phụ thuộc vào tuổi, giới tính, môi trường nguy hiểm, tình trạng kinh tế - xã hội thấp kém, các yếu tố thường liên quan đến thiếu kiến thức về nguy cơ tai nạn thương tích và giám sát trẻ, thiếu tiếp cận với chăm sóc y tế phù hợp, đặc biệt là cấp cứu và chăm sóc trước khi đưa đến bệnh viện. Hiện nay, các chương trình truyền thông, giáo dục sức khoẻ cộng đồng đã được quan tâm thực hiện, đây là một chiến lược quan trọng khi mà nhận thức về nguy cơ và gánh nặng tai nạn thương tích trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhiều chương trình về thay đổi môi trường, thiết kế để xây dựng ngôi nhà, trường học và cộng đồng an toàn hơn cho trẻ em mới chỉ được triển khai ở một số tỉnh thành; và các quy định liên quan đến tai nạn thương tích trẻ em vẫn còn thiếu hoặc chưa được thực thi một cách triệt để.
Quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em
Bằng chứng ở các nước phát triển, tiến bộ cho thấy tất cả các loại tai nạn thương tích trẻ em đều có thể phòng chống. Để thực hiện được điều đó, cần dựa trên sự kết hợp của nhiều biện pháp như giáo dục và đào tạo, pháp luật và thực thi, thay đổi môi trường, tăng cường sử dụng sản phẩm và thiết bị an toàn. Đây được coi là hướng đi thành công trong việc giảm thiểu gánh nặng do tai nạn thương tích ở trẻ em.
Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc xây dựng một kế hoạch hành động toàn diện về phòng chống tai nạn thương tích bao gồm những thay đổi về lập pháp, hành pháp và môi trường để trợ giúp cho các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức hiện tại; tăng cường công tác điều phối liên ngành về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở tất cả các cấp; củng cố kiến thức và cơ sở thực tiễn để giải quyết vấn đề tai nạn thương tích trẻ em một cách hiệu quả.
Tháng 2.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tổng quát là “kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội”. Các mục tiêu cụ thể của Chương trình đều nhằm giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích, đồng thời triển khai xây dựng được các ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn; triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em trên cả nước; tập huấn cho những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và kỹ thuật sơ cấp, cứu ban đầu.
Với những mục tiêu đó, Chương trình tập trung cho các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể. Xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nghiên cứu hướng dẫn sử dụng các thiệt bị an toàn trong gia đình. Xây dựng Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại tất cả các khối học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Xây dựng Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em bằng việc xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình. Phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước cho trẻ em. Xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Cũng theo Quyết định này, giải pháp để thực hiện Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; việc thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này cho bản thân trẻ em, hộ gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội; năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em… Bên cạnh đó, cần quan tâm việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về việc thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; hợp tác quốc tế và vận động các tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Triển khai thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg, tháng hành động vì trẻ em năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Đây cũng chính là hoạt động triển khai Luật Trẻ em vừa được Quốc hội thông qua, trong đó quy định 4 quyền cơ bản: Quyền được sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Các địa phương trong cả nước đã cùng tổ chức các chiến dịch truyền thông, các cuộc vận động quy mô lớn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông cho trẻ em: chiến dịch vận động sử dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe máy; sử dụng áo phao, cặp phao khi trẻ em tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông đường thủy…
Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển
Xây dựng, phổ biến các khẩu hiệu, thông điệp, phóng sự, video clip, tài liệu, áp phích, băng rôn... về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế ủng hộ nguồn lực để xây dựng các công trình như bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Vận động xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn. Cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thăm, tặng quà (mũ bảo hiểm, áo phao, phao bơi...), trao học bổng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích. Hỗ trợ phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng, tư vấn tâm lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi tai nạn, thương tích.
Trong thời gian này, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, các lớp dạy bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông được triển khai thực hiện. Tất cả không chỉ giúp các em có một mùa hè vui tươi, bổ ích mà còn nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Bộ trưởng GD&ĐT: Mọi cụm thi đều phải bình đẳng và nghiêm túc - 27/06/2016 01:18
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên gia đình Đại tá, phi công Trần Quang Khải - 27/06/2016 01:06
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm phi công Nguyễn Hữu Cường - 27/06/2016 01:02
- Kế hoạch thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật - 22/06/2016 08:45
- Một số cách phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em - 22/06/2016 07:33
Các tin khác
- Vinamilk tiếp tục lọt top 300 công ty năng động nhất châu Á - 21/06/2016 09:32
- Trả lại nụ cười cho chính các em - 20/06/2016 03:45
- Phần mềm kết nối dữ liệu BHYT vận hành trước 30/6 - 16/06/2016 03:20
- Vinamilk giới thiệu Sữa tươi organic chuẩn USDA tại Việt Nam - 15/06/2016 11:20
- Nhân rộng ý thức cộng đồng từ phong trào hiến máu tình nguyện - 15/06/2016 07:16