Lực lượng lao động là người khuyết tật (NKT) đang bị bỏ phí, đặc biệt là lao động nữ khuyết tật vẫn chịu nhiều thiệt thòi về tiếp cận công việc, học hành, lựa chọn nghề nghiệp. Đó là những nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm “Cơ hội việc làm cho phụ nữ khuyết tật và bình đẳng giới tại nơi làm việc” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 22.3 tại TPHCM.
Người lao động khuyết tật làm việc trong một Cty may ở Đồng Nai. Ảnh: LÊ TUYẾT
Bỏ phí 3% GDP
Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, toàn quốc có 6,7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số. Trong đó có 3,6 triệu là nữ và hơn 5 triệu người sống ở nông thôn; khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật. Việt Nam là nước có NKT đứng thứ 4 trong số các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đa số NKT có trình độ văn hoá thấp và chưa qua đào tạo nghề. Có 21% số NKT còn khả năng lao động và 62% trong số này đang tham gia hoạt động kinh tế tạo thu nhập. Song tỉ lệ lao động NKT nữ từng làm việc và có việc làm thấp hơn so với nam. Tỉ lệ trẻ em nữ khuyết tật từ 5-18 tuổi không đi học là 33,9% so với chỉ 23,5% trẻ em nam khuyết tật. Theo đánh giá của ILO, Việt Nam mất tới 3% GDP khi lao động là NKT đứng ngoài thị trường lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD - nguyên nhân của tình trạng trên do thiếu sự phục hồi và dụng cụ, các rào cản tâm lý, các rào cản do nhận thức, quan niệm chưa đúng về giới trong học tập lẫn việc làm. Ví dụ, cha mẹ sẽ hướng các em nữ chọn những nghề như thêu, ren, may... để “có nghề sống qua ngày”, mà không chú trọng phát triển nghề nghiệp hay các vấn đề khác. “Đôi khi chính các quy định của pháp luật cũng là rào cản cho NKT hòa nhập, ví dụ pháp luật quy định, NKT trên 51% thì khi đi làm không được tăng ca. Nhưng trên thực tế, nếu họ chỉ bị điếc - câm thì những công việc bằng tay chân như may, thêu, họ vẫn làm như những người khác. Nhưng luật đã quy định, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng e ngại tuyển dụng” - ông Cử nói.
Bà Lưu Thị Ánh Loan - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD - cho biết, trung tâm DRD đã nghiên cứu những khó khăn của khoảng 30 DN khi tiếp nhận NKT và nhận thấy: Các DN nhận thức chưa đúng về khả năng của NKT nữ, họ không hiểu rõ về các dạng tật và mức độ tật của NLĐ. Nhiều DN cho rằng hiệu suất công việc và chi phí thuê lao động là NKT cao hơn, năng suất làm việc thấp hơn so với lao động bình thường. Ngoài ra, NKT thường làm việc không đạt yêu cầu và hay gây ra hậu quả hay tai nạn vì họ đi đứng khó khăn. Công việc dành cho lao động NKT chưa nhiều, không đa dạng khi nhận vào, DN sa thải rất ngại vì thấy có lỗi.
Việc làm là điều kiện quan trọng để NKT hòa nhập
Bà Nguyễn Quỳnh Trang - Điều phối viên của tổ chức ILO - cho rằng: Thúc đẩy việc làm cho phụ nữ khuyết tật cần sự phối hợp và thể hiện vai trò của các bên như các cơ quan quản lý nhà nước, DN, các hiệp hội đoàn thể và bản thân NKT. “Đi làm, có công việc là cách hòa nhập vào xã hội nhanh nhất, khẳng định giá trị bản thân tốt đối với NKT” - bà Trang nhấn mạnh. Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó phòng Đào tạo, Trung tâm Dạy nghề cho NKT và trẻ mồ côi TPHCM - đề xuất: Nếu muốn có việc làm, có chỗ đứng bình đẳng trong xã hội, phải giáo dục và đào tạo cho NKT nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng có một nghề nghiệp mà xã hội đang cần, càng tinh xảo càng tốt, và một sự hiểu biết nhất định để có thể tự tin hòa nhập, tự tin làm việc, từ đó mới nói đến việc tạo sự bình đẳng cho họ trong xã hội và trong môi trường mà họ đang sống.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - đề nghị cần nhấn mạnh vai trò của công đoàn phối hợp cùng các tổ chức xã hội, các cơ sở đào tạo nghề đưa NLĐ khuyết tật về làm việc tại các DN, hỗ trợ họ tại DN. Song song đó, các hiệp hội ngành nghề cần thúc đẩy việc làm bình đẳng cho NKT, vận động các DN nhận NKT vào làm việc, vì những mặt mạnh của NLĐ khuyết tật là rất chăm chỉ, chịu khó. Các hiệp hội cần vận động chính sách cho DN khi có tỉ lệ NKT cao (chính sách thuế, giảm thuế trong các DN có đông lao động nữ khuyết tật). Vận động các nhãn hàng, các nhà buôn trên thế giới ưu tiên đặt hàng tại các DN có đông lao động nữ khuyết tật.
Nguồn: Báo lao động
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hành trình chinh phục Fansipan của 7 người khuyết tật - 28/04/2016 06:32
- Unicef, Lãnh sự quán Mỹ kêu gọi tham gia cuộc thi sáng chế cho trẻ khuyết tật - 28/04/2016 06:14
- Ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội đón mưa giông mạnh - 18/04/2016 03:16
- Tân chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức - 31/03/2016 07:06
- Bộ Y tế phủ nhận 4 ca nhiễm Zika tại Khánh Hòa - 30/03/2016 07:18
Các tin khác
- Hà Nội bổ nhiệm 3 Giám đốc Sở - 29/03/2016 04:11
- Bắc Bộ và Bắc Trung bộ mưa rét từ nay đến cuối tuần - 28/03/2016 10:52
- Tuần này QH bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch QH mới - 28/03/2016 06:18
- 8 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới - 21/03/2016 06:55
- Sáng nay (21/3), khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII - 21/03/2016 06:51