Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 23:59

Hàn Quốc đã lắp camera an ninh cho những điểm nóng mà công dân của họ hay bị cướp tại Sài Gòn. Lãnh sự phụ trách an ninh của Hàn Quốc cho rằng đây là một giải pháp hạn chế cướp.

Ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đến Việt Nam với nhiều lý do khác nhau. Việc họ lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho thấy Việt Nam vẫn là quốc gia an toàn để viếng thăm. Thậm chí, Lãnh sự Hàn Quốc còn cho rằng TP HCM vẫn an toàn nhất thế giới.

Chưa có du khách Hàn Quốc nào bị cướp xâm hại tính mạng

Theo ông Sooho Kim, một Lãnh sự Hàn Quốc đang công tác tại TP HCM, lượng người Hàn Quốc đến quốc gia Đông Nam Á ngày càng tăng. Lượng du khách tới Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Kim chỉ ra 3 nguyên nhân khiến người Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng. Thứ nhất, doanh nghiệp Hàn đến Việt Nam ngày càng tăng nên kéo theo việc bản thân các doanh nghiệp, bà con họ hàng với những cá nhân này muốn khám phá Việt Nam.

Thứ hai, tuy ở TP HCM, nhiều vụ cướp giật xảy ra nhưng không có các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Ông Kim nhận xét, TP HCM vẫn an toàn nhất thế giới. Quan chức người Hàn Quốc đưa ra ví dụ cụ thể.

Trong năm 2015, 10 du khách Hàn đã thiệt mạng tại Philippines. Tháng 8/2015, Thái Lan trải qua vụ đánh bom kinh hoàng. Vụ tấn công biến thủ đô của Thái Lan trở thành nơi mất an toàn trong mắt du khách. So với 2 quốc gia trên, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn bởi chỉ có nạn cướp giật, móc túi... không nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ ba, Hàn Quốc và Việt Nam là "xui gia". Rất nhiều cặp vợ chồng mang hai dòng máu Việt, Hàn. Vậy nên, người dân hai nước tìm thường xuyên qua lại 2 quốc gia để tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống.

Hàn Quốc lắp camera để bảo vệ người Hàn sống ở Sài Gòn
TP HCM vẫn an toàn nhất thế giới dù cướp giật xảy ra. Ảnh: Phụ nữ TP HCM

Lắp camera an ninh ở nhiều điểm nóng cướp giật

Trao đổi với Zing.vn, ông Hae Dea Hee, Lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết năm 2015 có khoảng 600 trường hợp người Hàn Quốc mất an toàn Việt Nam gồm 200 vụ ở miền Bắc và 400 ở miền Nam, bao gồm cả các vụ đánh nhau, tai nạn giao thông, bị móc túi... Trong đó, có khoảng 100 người Hàn Quốc gặp nạn liên quan đến cướp giật ở khu vực miền Nam.

Theo ông Hee, khu vực quận 7, nơi nhiều người Hàn Quốc sinh sống, và đường Thăng Long, gần sân bay Tân Sơn Nhất là điểm nóng mà công dân nước ông hay bị cướp. Các khu vực đông người như chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố cũng có thể là nơi mất an toàn đối với du khách nước ngoài.

Lãnh sự Kim nhấn mạnh rằng các đối tượng thường bị cướp là các cô gái. Kẻ cướp thấy họ là phái yếu nên thường nhắm tới. Nhóm hay đi chơi khuya cũng có thể gặp nguy hiểm.

Một số quán bar ở đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Pateur từng xảy ra hiện tượng tính giá cao đối với người Hàn Quốc. Ông Kim kể rằng, một lần ông vào bar trong tình trạng say xỉn và bị tính đến gần 10 triệu đồng. Theo ông, giá thực không đến mức đó.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hee cho rằng giải pháp lắp camera an ninh là một phương án tốt để hạn chế. Đến ngày 2/3, phía Hàn Quốc đã lắp đặt 6 camera an ninh ở khu vực đường Thăng Long, quận Tân Bình, điểm nóng mà người Hàn Quốc hay bị cướp, để gia tăng an ninh cho người nước họ. Chi phí do phía Seoul tài trợ. Trong tháng 3, họ sẽ lắp thêm 10 camera nữa.

Ông Chun Hyun Kil, Lãnh sự phụ trách vấn đề an ninh, chia sẻ rằng camera an ninh phát huy tác dụng rất tốt ở nước ông. Một thời, khoảng những năm 1970 - 1980, Hàn Quốc từng xảy ra nhiều vụ việc mất an ninh.

Ở Seoul, nhiều người Hàn lập các nhóm giống như hiệp sĩ ở Việt Nam. "Khi phát hiện kẻ cướp, nhóm hiệp sĩ sẽ truy bắt đối tượng. Người dân cũng hợp tác với hiệp sĩ với tinh thần cộng đồng rất cao", ông Kil kể.

Chậm trễ giải quyết thủ tục "hậu tai nạn"

Tuy nhiên, đối với các quan chức lãnh sự thì điều đáng quan tâm hơn là giải quyết thủ tục cho công dân của họ "hậu tai nạn". Theo ông Hee, khó khăn thứ nhất là rào cản ngôn ngữ. Nạn nhân tìm đến cơ quan chức năng trình báo nhưng không biết tiếng Việt. Cán bộ cũng không biết tiếng Anh hay tiếng Hàn nên việc trao đổi thông tin rất khó khăn. 

Trong một số trường hợp, người bị cướp hoặc gặp tai nạn gọi điện đến cơ quan chức năng, không ai bắt máy.

Thứ hai là việc xin cấp lại các giấy tờ liên quan. Năm 2015, khoảng 100 người đến Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM để xin lại hộ chiếu do mất hoặc liên quan quan đến cướp giật và chỉ mất 1 ngày để được cấp lại.

Tuy nhiên, người Hàn Quốc cần một loại khác là visa xuất cảnh do phía Việt Nam cấp. Phải mất 5 ngày, họ mới nhận được visa này. Nếu họ muốn về gấp hoặc đang hoang mang, lo sợ, việc mất quá nhiều thời gian thực sự là trở ngại lớn đối với người Hàn Quốc.

Ông Hee mong muốn chính quyền rút ngắn thời gian cấp visa xuất cảnh để tạo điều kiện cho người Hàn Quốc. "5 ngày để cấp visa xuất cảnh là quá dài với một người đang cần về nước gấp", Lãnh sự Hee bày tỏ.

 

Theo Zing.vn

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Cướp giật , Hàn Quốc , nạn cướp , lắp Camera

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi