Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Ban Bí thư nhấn mạnh cần ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn vốn cho chủ trương này. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.400.000 căn. |
Đó là yêu cầu nêu trong Chỉ thị số 34 ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, do đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Ban Bí thư ký ban hành.
Ban Bí thư yêu cầu đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, cả nước xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị. Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
Ban Bí thư yêu cầu thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập, hoặc trong các dự án nhà ở thương mại tại vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với trung tâm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu. Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Ban Bí thư cũng yêu cầu cần đa dạng về loại hình, cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng.
Cần tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê; chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương... Nhà ở xã hội và nhà ở được Nhà nước hỗ trợ tại các chương trình mục tiêu, nhà lưu trú công nhân phải bảo đảm về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu...
Chính sách hỗ trợ, ưu đãi phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng; thực hiện tính đúng, đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong xác định nhà ở xã hội.
Chỉ thị cũng yêu cầu nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân; hoàn thiện pháp luật và tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi và chủ động cho địa phương trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội... Ban Bí thư định hướng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dễ dàng với loại hình này.
Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, kinh doanh, mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội phải được cắt giảm tối đa, theo yêu cầu của Ban Bí thư.
Về trình tự thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án cũng cần theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch. Ban Bí thư nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải carbon thấp.
Về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho phát triển mô hình này, Ban Bí thư yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chỉ thị của Ban Bí thư cũng đề cập đến việc nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển dài hạn, bền vững, mở rộng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và từ nước ngoài; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và hoạt động liên danh, liên kết thực hiện...
Về công tác quản lý, Ban Bí thư yêu cầu phân cấp phần quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; có chế tài đủ mạnh, ngăn ngừa và kịp thời xử lý nghiêm những sai phạm, trục lợi chính sách; nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội...
Đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế như: một số mục tiêu chưa đạt được,; nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia...
Ban Bí thư cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội chậm được đổi mới, hoàn thiện..
Tin mới
- Tổng kết chương trình “ABIC cùng Agribank - Chung sức thành công” - 31/05/2024 07:03
- Bộ Giao thông vận tải yêu cầu kiểm soát chặt giá vé máy bay - 31/05/2024 05:52
- 165 tác phẩm lọt vào Chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - 31/05/2024 05:50
- Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại - 29/05/2024 02:04
- Hướng dẫn cung cấp dịch vụ tổ chức hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn; phát triển văn hóa đọc - 29/05/2024 01:44
Các tin khác
- Luôn dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em - 29/05/2024 01:31
- Thuốc lá gây ra gánh nặng y tế là 108.000 tỷ đồng/năm - 27/05/2024 05:14
- Hơn 300 triệu trẻ em trên thế giới bị lạm dụng tình dục trực tuyến mỗi năm - 27/05/2024 05:12
- Cà phê xuất khẩu vào châu Âu: Phải chứng minh không trồng trên đất rừng - 27/05/2024 03:52
- Phê duyệt đấu giá biển số xe ô tô lần thứ 4 với gần 340.000 biển số - 23/05/2024 08:04