Xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp gây sức ép khủng khiếp lên doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vận tải.
Trong kỳ điều chỉnh mới nhất, giá mỗi lít xăng A95 đã chạm 25.320 đồng, xăng E5 cao nhất là 24.570 đồng, giá các loại dầu cũng tăng mạnh. Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tiếp tục leo thang, trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.
“Ác mộng" vì giá xăng tăng
Không giấu nổi sự lo lắng trước việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho hay, doanh nghiệp đang “vò đầu bứt tai” tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.
Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao nhất trong 8 năm qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn.
Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Hiện doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.
Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải.
Ông Tô Quang Học, GĐ Công ty TNHH Phiệt Học
“Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 kéo dài. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải”, ông Học nói.
Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ thương hiệu xe Sao Việt), cũng lo lắng không kém. Theo ông Bằng, giá xăng dầu thế giới tăng cao nên việc giá nhiên liệu đầu vào trong nước tăng vọt là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản.
“Chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Anh em nhà xe cũng chỉ biết nhìn nhau “cắn răng” mà chấp nhận. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe lúc này cũng chẳng ai dám mua”, ông Bằng chia sẻ.
Trong nỗi lo chung vì giá nhiên liệu tăng cao, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại dịch vụ Đất Cảng cho biết, từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách đa số thua lỗ nên áp lực rất lớn. Trong khi, phương án tăng giá vé để bù đắp thua lỗ không khả thi vì khách đi lại rất hạn chế do lo ngại lây lan dịch bệnh.
Hạ nhiệt giá xăng, hồi phục kinh tế
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
“Với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, logictisc…
Việc giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, doanh nghiệp và người dân hiện có hai mối lo thường trực là dịch COVID-19 và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng dầu đã đạt mức giá cao nhất trong 8 năm qua. Trong khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát, nền kinh tế trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu lại liên tục tăng, gây áp lực rất lớn lên đà phục hồi kinh tế.
Ông Long cho hay, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới. Việt Nam không có cách nào làm giá xăng thế giới hạ nhiệt, chỉ có thể ổn định giá mặt bằng này bằng cách điều chỉnh hai van là thuế và quỹ bình ổn giá (BOG). Với việc quỹ bình ổn nay đã cạn, chỉ còn trông vào điều chỉnh thuế phí.
Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít.
Trong số này, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Hiện thuế nhập khẩu đã ở mức thấp trong khi nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ thì mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân.
Ông Thịnh cho rằng, có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý thì sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu.
Tin mới
- Hà Nội chốt cho học sinh từ lớp 1- 6 ở 12 quận đi học từ 21/2 - 16/02/2022 06:07
- Miền Bắc sắp đón đợt rét tê tái mạnh nhất từ đầu mùa đông - 16/02/2022 06:01
- Từ 15/3, Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch - 16/02/2022 05:08
- 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, xuất nhập khẩu đạt trên 3 tỷ USD - 14/02/2022 08:49
- Hơn 1 triệu học sinh mầm non, tiểu học Thành phố Hồ Chí Minh tới trường - 14/02/2022 06:18
Các tin khác
- VIỆT NAM DỰ KIẾN MỞ LẠI TOÀN BỘ ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ TỪ 15/2 - 14/02/2022 03:25
- Bắc Bộ không mưa, vùng núi có nơi rét đậm rét hại - 14/02/2022 03:21
- Chăm sóc 'Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025' toàn diện cả thể chất và tinh thần - 11/02/2022 10:36
- Ngày 11/2, giá xăng dự báo tăng khoảng 1.000 đồng/lít - 11/02/2022 05:20
- Từ ngày 12-20/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn duy trì tình trạng rét - 11/02/2022 05:16