Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:28

Đến chiều ngày 8/2, cả nước đã tiêm gần 183,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Còn 11 tỉnh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 dưới 90%; Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế từ 15/3...

52 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%

Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h30 ngày 8/2 cho biết cả nước đã tiêm tổng cộng 183,196,831 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 7/2 tức mùng 7 tháng Giêng, cả nước tiêm 770,377 liều vaccine phòng COVID-19.

Đến ngày 7/2, số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 166.110.194 liều gồm mũi 1: 70.656.032 liều; Mũi 2: 67.870.948 liều; Mũi bổ sung: 10.382.610 liều và Mũi 3: 17.200.604 liều

Có 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90% là Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương.

Chiều 8/2: 11 tỉnh nào tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 dưới 90%? Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế từ 15/3 - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở Hà Nội Ảnh: Thái Bình

Số vaccine phòng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.316.260 liều, trong đó mũi 1: 8.455.708 liều; Mũi 2: 7.860.552 liều.

38/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90% gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang.

10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 23% - dưới 80% gồm Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương.

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các địa phương tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19

Bộ GD&ĐT vừa phát đi thông tin về tình hình học sinh đi học trực tiếp tại 63 tỉnh, thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo đó, với khối Mầm non và Tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2.

Khối Trung học cơ sở: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2. Trong đó có 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2.

Khối Trung học phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp vào 7/2.

Khối đại học: 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/2.

Trước việc học sinh quay trở lại trường học, công nhân trở lại nhà máy, cơ quan, công sở... sau dịp Tết, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép nhập cảnh, mở cửa du lịch và mở cửa trường học an toàn cho học sinh trở lại trường.

Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế từ 15/3/2022

Đây là nội dung tại Thông tư 03/2022/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 28/01/2022 về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch

Theo đó, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) trong Danh mục tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2022/TT-BCT.

Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 15/3/2022, được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Quy định này áp dụng đối với thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Thông tư 03/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022

Tiền Giang đẩy mạnh điều trị F0 tại nhà

Tỉnh Tiền Giang tăng cường triển khai mô hình điều trị F0 tại nhà nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Omicron đã xuất hiện.

Đến ngày 8/2, số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trên địa bàn là 4.225 người, trong đó có 3.951 trường hợp điều trị tại nhà. Tỉnh chú trọng phát huy hiệu quả ở tầng điều trị thứ nhất nhằm chăm sóc tốt sức khỏe bệnh nhân, giảm tải cho các tuyến trên, giảm được nguy cơ tử vong khi bệnh nặng, phải chuyển tuyến.

Ba tầng điều trị ở Tiền Giang hiện có 3.251 giường bệnh, trong đó riêng tầng 3 (điều trị bệnh nhân nặng) có 53 giường. Công suất thu dung cả 3 tầng đạt 8,4% tổng số giường bệnh. Các cơ sở điều trị COVID-19 tầng 1 hoạt động với 5,5% công suất, tầng 2 hoạt động với 28,6% công suất. Các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 3 hoạt động 58,9% công suất.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi