Thứ năm, 16 Tháng 9 2021 16:32

Ngày 16/9, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc số 7717/BYT- DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng. Thực tế, Bộ Y tế nhận được thông tin phản ánh một số cơ sở tiêm chủng có tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi và kết hợp 02 loại vaccine không theo hướng dẫn.

 

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tiêm chủng trên địa bàn sử dụng kết hợp 02 liều vaccine phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 và Công văn số 7548/BYT-DP ngày 10/9/2021 của Bộ Y tế về tiêm 02 liều vaccine phòng COVID-19. Nếu có các cách kết hợp vaccine khác, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn sau.


Chú thích ảnh
6.008 bệnh nhân nặng, điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch trong tình hình mới
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 17 giờ ngày 14/9 đến 17 giờ ngày 15/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.585 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 10.583 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh có 5.301 ca, Bình Dương (3.228 ca), Đồng Nai (808 ca), Long An (424 ca), Kiên Giang (183 ca), Tiền Giang (93 ca), An Giang (59 ca), Quảng Bình (58 ca), Cần Thơ (53 ca), Tây Ninh (48 ca), Đồng Tháp (45 ca), Khánh Hòa (33 ca), Bình Định (31 ca), Bình Phước (27 ca), Đắk Nông (26 ca), Bình Thuận (19 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (18 ca), Quảng Ngãi (15 ca), Phú Yên và Hà Nội (mỗi địa phương 14 ca), Bạc Liêu (13 ca), Cà Mau, Thừa Thiên -Huế (mỗi nơi 10 ca), Quảng Nam, Đà Nẵng và Bến Tre (mỗi nơi 9 ca), Ninh Thuận (8 ca ), Thanh Hóa (7 ca), Vĩnh Long và Hưng Yên (3 ca), Nghệ An (2 ca), Lào Cai, Bắc Ninh và Lâm Đồng (mỗi nơi 1 ca); trong đó có 5.823 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước giảm 87 ca. Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1.011 ca, Bình Dương tăng 1.050 ca, Đồng Nai tăng 31 ca, Long An tăng 45 ca, Kiên Giang tăng 26 ca. Trong 7 ngày qua, trung bình số ca mắc mới trong nước 11.621 ca/ngày.
Chú thích ảnh
Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần với ca mắc mới. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 645.640 ca mắc, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.562 ca mắc).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, trong đó có 409.876 ca đã được công bố khỏi bệnh.
14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong nước là Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ và Ninh Bình.
4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua gồm Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh và Lào Cai.
Trong khi đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (315.088), Bình Dương (166.075), Đồng Nai (37.169), Long An (29.289) và Tiền Giang (12.561).
Ngày 15/9 có thêm 14.189 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi ở nước ta lên 412.650 người.
Theo thống kê sơ bộ, hiện 6.008 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó, 3.855 ca thở ô xy qua mặt nạ; 1.113 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 127 ca  thở máy không xâm lấn; 877 ca thở máy xâm lấn là và 36 ca ECMO.
Trong ngày, số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố (trên cdc.kcb.vn) nước ta ghi nhận 250 ca tử vong, tại Thành phố Hồ Chí Minh (189 ca), Bình Dương (42 ca), Đồng Nai (4 ca), Long An (4 ca), Đồng Tháp (3 ca), Tây Ninh (2 ca), Phú Yên (1 ca), Trà Vinh (1 ca), Gia Lai (1 ca), An Giang (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca). Trong 7 ngày qua, trung bình số ca tử vong ghi nhận là 261 ca/ngày.
Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.186 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Chú thích ảnh
Khu vực cách ly. Ảnh: TTXVN
Thực hiện nghiêm giãn cách ở vùng nguy cơ cao để không phải kéo dài thời gian
Ngày 15/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp với các chuyên gia Tổng hội Y học Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, với khả năng năng liên tục xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 nên cần có sự điều chỉnh về giải pháp, chiến lược phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Một số ý kiến cho rằng, những địa phương đang kiểm soát được dịch bệnh tiếp tục ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả. Đối với những địa phương có dịch bệnh nhiễm sâu, nặng như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…cần có những biện pháp chống dịch đặc biệt như những nơi bị lây nhiễm nặng nhất trên thế giới. Tương tự như các nước phát triển, những địa phương này cần tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới sau khi tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, sẽ thiết lập vành đai an toàn xung quanh khu vực này, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.
Chú thích ảnh
Những con đường tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh trở nên vắng vẻ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN
Các chuyên gia thống nhất, từ những bài học, kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch trong thời gian qua, công tác điều trị trong thời gian tới sẽ phải theo hướng giảm chuyển nặng, giảm tử vong, tối ưu hóa nguồn lực y tế hiện có. Bệnh cạnh đó cần có các cơ chế huy động nguồn lực y tế tư nhân tham gia vào điều trị bệnh nhân COVID-19, cũng như công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, đặc biệt hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất an toàn.
Trong Công điện số 1409/BYT-CĐ về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, Bộ Y tế  nêu rõ: Tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao, lây lan nhanh chóng (nồng độ virus trong dịch hầu họng gấp khoảng 1000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước).
Trong thời gian qua, 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là vấn đề xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Do đó, khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).  Mục tiêu của thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày). Thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời…
Ngày 15/9, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine COVID-19 Covivac tại tỉnh Thái Bình và sẽ tiến hành đến ngày 20/9. Dự kiến sẽ tiêm cho 374 người tình nguyện (đây là những người đã tiêm mũi 1 đủ 28 ngày). Giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng triển khai tại huyện Vũ Thư, Thái Bình với số lượng 375 tình nguyện viên, tiêm 2 nhóm liều 3mcg và 6 mcg và và vaccine AstraZeneca (thay vì giả dược như lần 1). Vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển.
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Áp dụng công nghệ nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm “triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp trên từng địa bàn cụ thể” từ ngày 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9. Đây là nội dung được ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố tối 15/9. Cụ thể, Thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng quận, huyện, khu vực cụ thể.
Các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện; Khu Công nghệ cao (thành phố Thủ Đức) được thực hiện thí điểm cho người dân đi chợ 1 lần/1 tuần. Bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo Kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND Thành phố ban hành. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các phương án sản xuất theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Bộ Tiêu chí an toàn do UBND Thành phố ban hành.
Các khu vực đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh được thí điểm triển khai việc thực hiện “Thẻ Xanh COVID” gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công an Thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố và các địa phương tham mưu thực hiện.
Ngày 15/9, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành công văn 14571/SYT-KHTC chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã…về việc triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến của Trung tâm Công nghệ Phòng, chống COVID-19 quốc gia trong việc triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên toàn thành phố. Trước đó, Hà Nội đã triển khai nền tảng này tại 10 quận, huyện.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, quá trình triển khai cho thấy, áp dụng hệ thống công nghệ phòng, chống dịch giúp tiết kiệm thời gian lấy mẫu và có dữ liệu chính xác hơn. Các thao tác thực hiện được giảm thiểu tối đa cho kỹ thuật viên lấy mẫu. Bên cạnh đó, dữ liệu ngay lập tức được đưa lên hệ thống nên có thể thống kê nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu cần thông tin liên tục để có những chiến lược dập dịch phù hợp cho thành phố. Kết quả xét nghiệm được trả trên phần mềm, rất thuận lợi cho người dân…
Theo ước tính, việc triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến giúp tiết kiệm được 50% so với thời gian thực hiện bằng phương pháp thủ công trước đây. Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi về trên ứng dụng di động, người dân sẽ không phải quay lại để lấy kết quả giấy, tránh tụ tập đông người.
Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến đang được triển khai tại các địa phương như: Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Lào Cai, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long. Nhiều địa phương khác đang trong quá trình tập huấn để triển khai.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi