Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%.
Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước trong thực hiện mục tiêu kép. |
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Dịch COVDI-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 vừa qua với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.
Kết quả tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm đã cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021[1], đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021[2], đóng góp 2,9 điểm phần trăm.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014-2021[3], đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh.
Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 6 tháng đầu năm 2021 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,57 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.
Tin mới
- Vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông, đề phòng thời tiết nguy hiểm - 30/06/2021 03:50
- Thêm 94 ca mắc COVID-19; hơn 3,5 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng - 30/06/2021 03:42
- ‘Vượt bão’ COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp lập kỷ lục đặc biệt - 30/06/2021 03:40
- Viện Hóa học hoàn thành quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir điều trị COVID-19 - 29/06/2021 11:49
- Đầu tháng 7 có thể xảy ra nắng nóng cục bộ lên tới 42 độ C - 29/06/2021 11:46
Các tin khác
- Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ kéo dài đến khoảng ngày 3-4/7 - 29/06/2021 04:11
- Dịch COVID-19: Chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 7 và 8/2021 - 29/06/2021 04:07
- Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên năm học 2021-2022 - 28/06/2021 12:35
- Thi tốt nghiệp THPT 2021: Chuẩn bị phương án khả thi, an toàn, nghiêm túc - 28/06/2021 12:27
- Ngày 28/6: Việt Nam ghi nhận tổng cộng 391 ca mắc COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh 218 ca - 28/06/2021 12:20