Thứ năm, 15 Tháng 4 2021 09:42

Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 vừa được Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) công bố cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ liên tục được cải thiện. Đặc biệt, chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" được cải thiện mạnh mẽ nhất. Trong số các địa phương, Quảng Ninh là tỉnh vươn lên dẫn đầu cả nước.

 
 
Báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên 8 chỉ số. Đó là, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử cũng như điểm PAPI tổng hợp. Dưới góc độ địa phương, năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số đánh giá trên.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là năm nay, Quảng Ninh thăng hạng 2 bậc, trở thành tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI 2020 với tổng điểm 48,811. Quảng Ninh dẫn đầu cả nước ở 3 tiêu chí: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (6,499 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8,286 điểm) và cung ứng dịch vụ công (7,713 điểm). Quảng Ninh cũng nằm trong top đầu cả nước ở tiêu chí tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,805 điểm), thủ tục hành chính công (7,611 điểm), quản trị môi trường (4,964 điểm) và quản trị điện tử (3,14 điểm). Tỉnh này xếp ở nhóm trung bình cao ở tiêu chí còn lại - Trách nhiệm giải trình với người dân (4,793 điểm).

Xếp thứ hai là Đồng Tháp với số điểm 46,961 điểm. Đồng Tháp dẫn đầu cả nước ở tiêu chí quản trị môi trường với 5,202 điểm.

Vị trí thứ ba thuộc về Thái Nguyên với 46,471 điểm. Thái Nguyên dẫn đầu cả nước ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (6,216 điểm).

Quảng Ninh bứt phá mạnh mẽ về thứ hạng quản trị hành chính công.
Về đánh giá trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công, kể từ năm 2016, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công được cải thiện đáng kể qua từng năm. Nếu năm 2019 chỉ số này đạt 6,74/10 điểm, thì sang đến năm 2020 đạt 6,9/10 điểm.
 
Từ góc nhìn của người dân, công cuộc chống tham nhũng đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương. Tỉ lệ người được hỏi cho rằng "hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước, khi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi muốn con em được giáo viên tiểu học trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng" tiếp tục giảm. Xu hướng giảm này cũng bắt đầu từ năm 2016.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát "về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công" cho thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn. Tỉ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để hoàn tất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng trong năm 2020.

Xu thế biến đổi 8 chỉ số nội dung PAPI qua 2 năm 2019 và 2020.
Có hơn 32% cho biết họ đã phải trả thêm chi phí ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình (cao hơn mức 22,3% trong năm 2019).

Tuy nhiên, 2 chỉ số nội dung có xu hướng chững lại gồm ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định’ và ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ khi giữ nguyên tương ứng là 5,35/10 điểm và 4,91/10 điểm trong 2 năm 2019, 2020.


Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ vừa kiện toàn để chuẩn bị bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI 2020 cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công. Báo cáo PAPI năm 2020 cho thấy sự tham gia của người dân và nỗ lực chống tham nhũng có mối liên hệ tích cực với hiệu quả phòng chống đại dịch COVID-19.

Tỉ lệ người phải chi thêm tiền bôi trơn khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền khám chữa bệnh.

Còn Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie ghi nhận, Việt Nam có sự cải thiện trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Sự cải thiện này có thể đã góp phần giúp Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch COVID-19. Báo cáo PAPI 2020 cho thấy có mối tương quan tích cực giữa quản trị tốt và hiệu quả trong ứng phó với đại dịch. Trong thời gian tới, với quản trị công tốt, Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp bất ngờ khác.

Báo cáo PAPI 2020 đã phỏng vấn hơn 14.700 người dân, số lượng tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú. Hơn 300 người di cư đã được khảo sát tại 6 tỉnh và thành phố (Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương). Thông tin do người dân tạm trú cung cấp giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn về tác động của di cư trong nước đối với hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. Phân tích cho thấy người dân di cư có xu hướng nghèo hơn, có ít tài sản hơn và thu nhập thấp hơn so với người dân thường trú và họ thường là phụ nữ.

Vì vậy, trải nghiệm của người dân di cư rất khác so với người dân thường trú trong cùng một địa bàn dân cư. Dữ liệu này rất quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp quản trị bao trùm, không để người dân di cư bị bỏ lại phía sau. Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, để thu hẹp những khoảng cách này, các tỉnh tiếp nhận người di cư trong nước cần tập trung giải quyết nhu cầu về thông tin và những mong đợi của tất cả mọi người dân, cả thường trú và tạm trú.

Nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước công dân số hóa hiện nay là những bước đi đúng hướng của Chính phủ. Một mã số nhận dạng thống nhất sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tiếp cận quản trị và dịch vụ công một cách bình đẳng, bất kể nơi cư trú của họ trong phạm vi Việt Nam.

Phát biểu tại buổi công bố, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi kỳ vọng PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền và đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn”.

 

Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Trong suốt 12 năm qua, 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

H

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi