Thứ hai, 12 Tháng 4 2021 07:42

Quý I/2021, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,8%, là “trái ngọt” từ việc chúng ta đã khống chế thành công dịch bệnh COVID-19, duy trì được nền kinh tế, không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong năm 2020, chuẩn bị cho sự bật tăng trở lại mạnh mẽ trong năm 2021.

 

Không chỉ các doanh nghiệp mà các ngành du lịch, hàng không rất trông đợi vào chính sách "hộ chiếu vaccine" để tận dụng được cơ hội phục hồi và phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa 

 

Bối cảnh hiện nay so với cách đây một năm đã khác rất nhiều khi hàng loạt quốc gia đã triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, một số nước đã đã miễn dịch cộng đồng. Tại Việt Nam, cùng với triển vọng vaccine trong nước có thể được sản xuất vào quý III/2021 theo kịch bản thuận lợi nhất, thì năng lực ứng phó dịch bệnh ở mọi cấp độ ngày càng hoàn thiện.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào tận dụng thời gian quý giá để mở cửa, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh trong nước.

Ý tưởng “hộ chiếu vaccine” vẫn được coi là giải pháp được đặt nhiều kỳ vọng để nền kinh tế các quốc gia mở cửa, bắt đầu tiến trình phục hồi, mặc dù còn những ý kiến, quan điểm khác biệt (tính công bằng, hiệu lực bảo vệ khác nhau giữa các loại vaccine, thời gian bảo vệ chưa rõ ràng…). Việt Nam không thể đứng ngoài và bỏ lỡ cơ hội đó.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

Vấn đề “hộ chiếu vaccine” đã được thảo luận trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Ban Chỉ đạo), dưới nhiều giác độ khác nhau. Từ khả năng tương thích của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải pháp công nghệ của Việt Nam kết nối với các nước đến phương án thực hiện “hộ chiếu vaccine” với những nhóm đối tượng cụ thể.

Không chỉ vậy, phương án “giấy thông hành vaccine” cho người dân trong nước cũng đã được tính đến để trong tình huống có dịch bệnh, việc di chuyển, đi lại và hoạt động giao thương bị ảnh hưởng ở mức tối thiểu.

Tại cuộc họp mới nhất của Ban Chỉ đạo, ngày 9/4, Bộ Y tế đã có đề xuất ban đầu về phương án triển khai “hộ chiếu vaccine” bao gồm nhóm đối tượng áp dụng, phương án giám sát, cách ly, theo dõi y tế…

Dự kiến sẽ có 3 nhóm đối tượng thực hiện “hộ chiếu vaccine”. Thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vaccine thì về nước, trong đó cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Thứ ba là khách du lịch quốc tế, trước hết đến từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát tốt người ra vào bảo đảm an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, hoàn toàn tương thích với quốc tế, tính đến những trường hợp phức tạp nhất, đã sẵn sàng để triển khai ngay sau khi có chính sách cụ thể về “hộ chiếu vaccine”.

Cùng với việc hoàn thiện phương án triển khai “hộ chiếu vaccine”, chúng ta cũng không được lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch  đối với tình hình dịch bệnh trong nước. Đối với người dân là thực hiện thông điệp 5K và vaccine. Đối với các cơ sở, địa điểm tập trung đông người phải thực hiện và tự đánh giá định kỳ các biện pháp bảo đảm an toàn việc phòng chống dịch bệnh, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19.

Trong tình hình mới, chúng ta cần có sự chuẩn bị những bước đi, giải pháp ứng phó dịch bệnh tốt nhất (chiến lược xét nghiệm, truy vết, năng lực cách ly, điều trị…) ở mọi cấp độ, tình huống để giữ an toàn trong nước đồng thời tận dụng thời gian quý giá, cơ hội mở cửa để phục vụ phát triển kinh tế.

Kinh nghiệm thực hiện thành công mục tiêu kép trong năm 2020 với những cách làm riêng, sáng tạo của Việt Nam, chúng ta có quyền tin tưởng sẽ thực hiện được các mục tiêu phát triển trong năm 2021, cũng như khơi dậy cảm hứng, niềm tự hào và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi