Thứ bảy, 24 Tháng 10 2020 07:16
Ngày 23/10, tại Ninh Bình, Bộ Lao động – TBXH đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 và triển khai Chương trình giai đoạn 2021 – 2030 nhằm đánh giá những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2030
Tham dự có Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ an sinh xã hội Việt Nam; Đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ, Ban của các Bộ, ngành trung ương; các Hội của người khuyết tật; Đại diện lãnh đạo các Sở LĐTBXH, Phòng Bảo trợ xã hội các địa phương từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc; các tổ chức quốc tế, tổ chức của người khuyết tật và đại diện người khuyết tật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam khẳng định: Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho NKT sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, tháng 3/2019 phê chuẩn Công ước 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; phù hợp Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của NKT một cách có hiệu quả nhất.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Ngày 01/11/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là NKT. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án để thực hiện hóa việc chăm sóc, trợ giúp NKT.
Đặc biệt, Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của NKT. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành. Chương trình cũng đã thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và NKT. Người khuyết tật đón nhận chương trình với tình cảm phấn khởi, tin tưởng; nhiều NKT được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: Kế thừa và phát huy thành quả đạt được về trợ giúp NKT giai đoạn 2012- 2020, đồng thời thực hiện Công ước quốc tế về quyền NKT, Chiến lược Incheon “ đưa Quyền thành hiện thực” cho NKT ở châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2013- 2022 và Luật NKT, ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT và Luật NKT nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng “Việc tổng kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và triển khai Chương trình 2021-2030 có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về NKT và Luật NKT, thúc đẩy hòa nhập đời sống xã hội của NKT. Chính vì lẽ đó, sự có mặt và đóng góp ý kiến của các vị đại biểu trong Hội nghị chắc chắn nhận được sự quan tâm theo dõi của hơn 6 triệu NKT đang nóng lòng để đưa những quy định tiến bộ trong Công ước của Liên hợp quốc và Luật NKT vào thực tiễn cuộc sống”
Cũng tại Hội nghị, Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã giới thiệu Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu mới như: Giai đoạn trước có 9 nhóm hoạt động, giai đoạn này tăng thêm 3 nhóm hoạt động (12 nhóm) là nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội NKT; trợ giúp cho NKT sống độc lập thông qua trợ tiện về phương tiện. Trong đó, riêng đối với hoạt động trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho NKT sẽ tập trung các nhiệm vụ: Rà soát và hoàn thiện văn bản hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT; thống kê, đánh giá các cơ sở đào tạo nghề đối với NKT tật và nhu cầu học nghề của NKT. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với NKT linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo phù hợp với nghề đào tạo, hình thức đào tạo thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của NKT; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là NKT hoặc của NKT. Nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với NKT; xây dựng mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với NKT; mô hình hợp tác xã có NKT tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên thanh niên KT khởi nghiệp, phụ nữ KT, NKT và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm.
Về trợ giúp y tế: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về giám định khuyết tật, phục hồi chức năng và các chính sách bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm: Ngân sách nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành cơ quan trung ương và các địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước; Đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.Các bộ, ngành và địa phương lập dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Phạm Ngọc Phúc, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội thảo đã có 17 ý kiến của đại diện các bộ, ngành, Sở LĐTBXH, Hội NKT đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thực hiện Đề án 1019; Trao đổi, thảo luận về những chỉ tiêu, nội dung hoạt động của Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030.
Tin mới
- Cứu 33 người trong vụ sạt lở nghiêm trọng ở Trà Leng - 29/10/2020 10:57
- Tạo môi trường lành mạnh để thiếu nhi Việt Nam phát triển về mọi mặt - 26/10/2020 04:48
- Bão số 9 mạnh thêm, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 tan vào trưa 26/10 - 26/10/2020 04:42
- Bước tiến lớn trong quy trình khởi sự kinh doanh - 25/10/2020 10:46
- Bão Molave giật cấp 15 hướng vào miền Trung, bão số 8 gây mưa lớn - 25/10/2020 10:44
Các tin khác
- 133 người chết, mất tích do mưa bão miền Trung - 21/10/2020 03:32
- Bão số 8 sẽ mạnh giật cấp 14 đang tiến vào đất liền các tỉnh miền Trung - 21/10/2020 03:07
- Chính phủ mở rộng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của COVID-19 - 20/10/2020 10:45
- Hơn 120 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung - 19/10/2020 06:38
- Miền Trung tiếp tục có mưa rất to, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét cao - 19/10/2020 04:44