Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nghị quyết sửa đổi nội dung hỗ trợ như sau:
Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp khó khăn bởi đại dịch COVID -19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.
Như vậy, Nghị quyết số 154/NQ-CP mới ban hành đã mở rộng hỗ trợ cho người lao động tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do đại dịch COVID-19.
Về nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, Nghị quyết 154/NQ-CP mới ban hành bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động”.
Cụ thể, Nghị quyết 154/NQ-CP quy định: Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020 theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất vay 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Người sử dụng lao động trực tiếp lập hồ sơ vay, tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn, gửi Ngân hàng Chính sách xã hội để hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, Nghị quyết 154/NQ-CP cũng sửa đổi nội dung hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất như sau: Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 03 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng.
Ảnh minh họa.
Sửa quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19
Tương ứng với các nội dung sửa đổi trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cụ thể, về nội dung hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, Quyết định 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi khoản 3 Điều 1 về điều kiện người lao động được hỗ trợ như sau: Làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục) không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, cơ sở giáo dục) do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện cũng được sửa đổi. Cụ thể, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục lập Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 1 Quyết định này; đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận Danh sách này.
Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Danh sách theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này và gửi doanh nghiệp, cơ sở giáo dục.
Doanh nghiệp, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, Quyết định 32/2020/QĐ-TTg sửa khoản 1,2 Điều 13 điều kiện vay vốn như sau: Có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục vay, phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân được sửa đổi như sau:
Hồ sơ đề nghị vay theo mẫu biểu kèm theo Quyết định này. Người sử dụng lao động tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay theo quy định tại Quyết định này.
Chậm nhất ngày 05 hằng tháng, người sử dụng lao động gửi hồ sơ vay đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân) của người sử dụng lao động.
Khi nộp Hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ, người sử dụng lao động cung cấp bản gốc các giấy tờ sau để ngân hàng kiểm tra, đối chiếu: a) Giấy tờ phù hợp với loại hình hoạt động: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài); b) Giấy ủy quyền (nếu có); c) Văn bản thỏa thuận ngừng việc giữa người sử dụng lao động với người lao động.
Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.
Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.
Tin mới
- Bước tiến lớn trong quy trình khởi sự kinh doanh - 25/10/2020 10:46
- Bão Molave giật cấp 15 hướng vào miền Trung, bão số 8 gây mưa lớn - 25/10/2020 10:44
- Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 và triển khai giai đoạn 2021 – 2030 - 24/10/2020 00:16
- 133 người chết, mất tích do mưa bão miền Trung - 21/10/2020 03:32
- Bão số 8 sẽ mạnh giật cấp 14 đang tiến vào đất liền các tỉnh miền Trung - 21/10/2020 03:07
Các tin khác
- Hơn 120 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung - 19/10/2020 06:38
- Miền Trung tiếp tục có mưa rất to, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét cao - 19/10/2020 04:44
- Hà Nội: 90 sản phẩm đạt giải cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ - 19/10/2020 03:14
- Miền Trung mưa đặc biệt to, nguy cơ lũ quét rất cao - 17/10/2020 09:13
- Bão số 7 suy yếu, áp thấp nhiệt đới mới mạnh lên khi vào Biển Đông - 14/10/2020 10:37