Thứ sáu, 17 Tháng 7 2020 16:33

Sáng nay (17/7), Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Tăng cường hiệu quả điều phối và Hợp tác quốc tế trong công tác người khuyết tật".

 

2020 Hoi Thao M2A9572

Toàn cảnh Hội thảo

 
 
 
 
Điều hành Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội nhận định, công tác hỗ trợ người khuyết tật đã được hỗ trợ bằng nhiều văn bản, quy phạm pháp luật.
 
2020 Hoi Thao M2A9566

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ông Lê Duy Tiến, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam điều hành hội thảo

 

Quốc hội đã ban hành Luật về người khuyết tật, chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, dạy nghề, việc làm, hỗ trợ bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.

 

Chính phủ đã hết sức quan tâm đến người khuyết tật, đã có nhiều chính sách, nhiều chương trình đề hỗ trợ cho người khuyết tật.

 

Hiện nay Ngân sách Nhà nước đã bao phủ đến các nhóm người khuyết tật nặng, giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,1 triệu người khuyết tật với kinh phí khoảng 15.000 tỷ đồng/năm; hỗ trợ 20.000 người khuyết tật tiếp cận để học nghề và việc làm; hỗ trợ 1,2 triệu học sinh khuyết tật đến trường; tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận bảo hiểm y tế lên tới 95%.

 

Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách, nguồn lực cán bộ, nhận thức hạn chế của chính các cán bộ làm công tác hỗ trợ cho người khuyết tật mà đến nay, vẫn có một bộ phận người khuyết tật bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ này.

 
 

UBQGNKTVN đánh giá cao những nỗ lực tham gia của các Bộ, ban ngành, các hội chuyên ngành, hội đoàn thể, tổ chức phi chính phủ cùng tham gia vào công tác hỗ trợ cho người khuyết tật trong thời gian qua.

 

Tuy nhiên, UBQGNKTVN nhận thấy, dẫu có những nỗ lực như vậy, nhiều chính sách, đề án hỗ trợ cho người khuyết tật như vậy nhưng vẫn có những chương trình chồng chéo, trùng lặp và chưa thực sự vươn tới một bộ phận người khuyết tật.

 

Trao đổi thêm tại Hội thảo, đại diện Văn phòng UBQGNKTVN mong muốn các tổ chức tích cực trao đổi, thảo luận về việc tăng cường cải cách hành chính giúp người khuyết tật tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ nhiều tổ chức; tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa các tổ chức của người khuyết tật với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao hiệu quả hoạt động.

 

2020 Hoi thao M2A9584

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Đại diện Văn phòng UBQGNKTVN cho biết, Việt Nam cam kết rất đầy đủ các công ước, chiến lược, chương trình liên quan đến người khuyết tật và là một trong những quốc gia được đánh giá là có cam kết với quốc tế liên quan đến người khuyết tật đầy đủ và sớm nhất như: ký Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, ký Công ước 159 ILO, tham gia Chiến lược INCHOEN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2012-2022, tham gia Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của người khuyết tật.

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Duy Tiến, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, hai văn bản: Chỉ thị 39/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và Quyết định 753 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, là 2 văn bản rất quan trọng để thúc đẩy hỗ trợ cho 6,2 triệu người khuyết tật.

 
 

Như ông Nguyễn Văn Hồi đã đề cập, nếu làm tốt công tác điều phối, thúc đẩy các hoạt động giữa Bộ, ban ngành cùng các tổ chức xã hội trong và ngoài nước sẽ mang lại hiệu quả thực sự trong việc hỗ trợ cho người khuyết tật hiện nay.

 

Để hỗ trợ hơn nữa với người khuyết tật, ông Tiến đưa ra một số vấn đề để thảo luận: 

 

Một là, chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người khuyết tật. Hai là tăng cường hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật. Ba là đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho người khuyết tật. Liên hiệp Hội Việt Nam định hướng tích cực hỗ trợ và ưu tiên hoạt động này, thúc đẩy nghiên cứu, có giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ sức khỏe và tạo việc làm cho người khuyết tật.

 
 

Bà Dương Thị Nga - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam đã đánh giá cao hoạt động của một số tổ chức có dự án liên quan đến người khuyết tật.  "Những con chim đầu đàn" được nêu tên như DRD, MACDI, CCIHP, SRD, IDEA, PHAD, Nghị lực sống, REACH, CRDR, Viethealh. 

 

Bà Nga mong muốn, với thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam bao gồm rất nhiều tổ chức Hội chuyên môn phổ biến trên khắp 63 tỉnh thành cùng hơn 500 tổ chức tự lực cánh sinh hoạt động trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả người khuyết tật có thể là nơi sẵn sàng chia sẻ các thông tin và điều phối hoạt động của các tổ chức, gồm cả các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật.

 

Liên hiệp Hội Việt Nam kiến nghị 3 vấn đề: Tăng cường tham vấn các tổ chức làm việc về người khuyết tật (ngoài cơ chế Ủy ban) trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch; Phát huy vai trò của Cục Bảo trợ Xã hội  trong đề xuất, điều phối, giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác người khuyết tật; Cho phép thử nghiệm các phương thức xã hội hóa phù hợp, phát huy nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế cho công tác người khuyết tật.

 

Tang cuong dieu phoi ho tro nguoi khuyet tat
Hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài và trong nước với công tác hỗ trợ người khuyết tật.

 

Kết luận Hội thảo, Cục Bảo trợ xã hội ghi nhận những thành quả hiện có của các tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Cục Bảo trợ xã hội mong muốn Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ trở thành đầu mối tiếp nhận những ý kiến của các tổ chức trực thuộc để góp ý chính sách, cải thiện và đưa chính sách vào cuộc sống.

 

 
 


 
 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi