Sáng ngày 9/7, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên Hội đồng đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua, đứng trước khó khăn nhiều mặt nhưng đã nỗ lực điều hành đúng, linh hoạt, kịp thời, mang lại sự phát triển, ổn định xã hội và niềm tin cho nhân dân.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát diện rộng trên toàn cầu, diễn biến phức tạp, chưa dừng lại, nhất là tại các đối tác lớn của nước ta. Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. Trong bối cảnh đó, hầu hết các nước đều nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ với mức độ chưa từng có. Theo thống kê mới nhất, nếu tháng 4, tổng các gói kích thích tài khóa mới là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Về tình hình trong nước, theo Thủ tướng, chúng ta là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh sớm nhất, gần 3 tháng qua, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và đang tích cực thực hiện mục tiêu kép. Hiện nay, các cân đối lớn của nền kinh tế đều giữ vững. Các lĩnh vực trọng yếu có xu hướng đi lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, cần nhận diện rõ rủi ro, đưa ra các biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả hơn để giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của chúng ta còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng “kiến nghị cần có các giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ, liều lượng, thời điểm nào cho phù hợp, làm thế nào để vực dậy các ngành, các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, nhất là dịch vụ, du lịch”.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua chưa đạt yêu cầu đặt ra, Thủ tướng cho rằng, cần làm mạnh mẽ hơn và nhắc lại yêu cầu cần họp giao ban nửa tháng một lần, đi kiểm tra trực tiếp, điều chuyển vốn của các những đơn vị, địa phương không giải ngân được sang các công trình khác. “Lần này phải làm cương quyết”, không để tình trạng chậm trễ như vừa qua.
Cần có các giải pháp cụ thể vực dậy các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
Thủ tướng nhấn mạnh, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kiên quyết không để mất niềm tin vào công tác chỉ đạo, điều hành. Nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực.
Nguy cơ dịch bệnh còn hiện hữu, trong khi suy giảm kinh tế thế giới tác động nặng nề trên nhiều phương diện của đất nước. Các thành viên Hội đồng nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.
Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.
Theo TS. Võ Trí Thành, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng… Còn theo TS. Trần Du Lịch, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng. Chuyên gia Bùi Đức Thụ góp ý, cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của COVID-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Một số thành viên kiến nghị, so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Phát biểu kết luận, ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thường trực của Hội đồng và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kiến nghị của Hội đồng tại cuộc họp hôm nay để Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về vĩ mô tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Tin mới
- Giảm 30% mức thu phí trong lĩnh vực y tế đến hết năm 2020 - 18/07/2020 13:41
- Người khuyết tật Việt Nam cần được tăng cường hỗ trợ qua công tác điều phối - 17/07/2020 09:33
- Trung Bộ nắng nóng gay gắt trên 39 độ, vùng núi Bắc Bộ mưa dông - 13/07/2020 03:11
- 4 tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 78 ca bệnh bach hầu: Cấp bách ngăn chặn dịch bùng phát - 13/07/2020 03:08
- Ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 từ nước ngoài trở về - 13/07/2020 03:01
Các tin khác
- Phòng, khống chế bạch hầu tại Tây Nguyên: Hơn 10 triệu liều vắc xin tiêm chủng cho 4,7 triệu người dân - 10/07/2020 02:42
- Hơn 640.000 thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2020 - 06/07/2020 03:09
- Tăng cường phục vụ người cao tuổi trong các thư viện công cộng - 06/07/2020 02:58
- Những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - 03/07/2020 03:50
- Quy định xuất, nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam - 03/07/2020 03:50