Năm 2019 ghi nhận lần đầu tiên các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo đạt xuất siêu với gần 100 triệu USD. Mặc dù giá trị không lớn, nhưng đây được coi là tín hiệu rất đáng mừng của ngành công nghiệp nặng, góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.
Năm 2019 là năm đầu tiên ghi nhận sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cán mốc xuất siêu 100 triệu USD. Ảnh minh hoạ. |
Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng công nghiệp Việt Nam, mặc dù vậy, trong 11 tháng vừa qua, công nghiệp nói chung vẫn tăng trưởng đạt 9,3%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của toàn ngành công nghiệp, với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6% (so với khai khoáng tăng 0,9%, điện-nước 9,5%, và cấp nước 6,7%) và là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Đóng góp vào sự tăng trưởng chung là vai trò của công nghiệp chế biến-chế tạo (đạt mức tăng trưởng 9,8%) chủ yếu là từ các ngành: Sản xuất kim loại (tăng trưởng 31,7%), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (24,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (12,1%), đồ nội thất (11,3%), dệt (11,3%)... đã góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đặc biệt, năm 2019 cũng ghi nhận lần đầu tiên các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo đạt xuất siêu với gần 100 triệu USD.
“Mặc dù giá trị không lớn, nhưng là tín hiệu rất đáng mừng, góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam. Tháng 12/2019 cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được xe ô tô nguyên chiếc khi Thaco xuất khẩu xe bus sang Philippines”, đại diện Cục Công nghiệp cho biết.
Bên cạnh đó, công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD. Riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp bằng chính sách
Nhận xét về con số lần đầu tiên công nghiệp chế biến, chế tạo “cán mốc” 100 triệu USD xuất siêu, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp chế biến chế tạo lần đầu tiên xuất siêu thể hiện giá trị gia tăng trong nước đã được nâng cao, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện, ít phụ thuộc hơn vào các sản phẩm công nghiệp và vào các nguyên liệu, linh kiện phụ tùng nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam dần được nâng cao và sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, sang các ngành có giá trị cao hơn, và lên nấc thang giá trị cao hơn của chuỗi giá trị.
“Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã góp phần ổn định thị trường, giúp các nhà sản xuất lắp ráp ô tô yên tâm duy trì hoạt động tại Việt Nam. Việc Thaco xuất khẩu được ô tô nguyên chiếc sang ASEAN là minh chứng cho hiệu quả của chính sách này”, lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra dẫn chứng.
Trên thực tế, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí trọng điểm, ô tô, công nghiệp hỗ trợ…
Thêm vào đó, Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 đến năm 2025 đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về thị trường, kết nối kinh doanh, tư vấn cải tiến, đào tạo, và đổi mới công nghệ…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục đưa ra định hướng phát triển và ban hành các chính sách nhằm duy trì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, ô tô, điện tử...
Thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2017, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, phát triển thị trường…
Đặc biệt, về vấn đề cốt lõi phát triển nguồn nhân lực, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã và đang triển khai việc thành lập các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia như: UNIDO, IFC/WB, JICA, KIAT, Samsung... về nâng cao năng lực hoạch định chính sách, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước và kết nối kinh doanh, đào tạo đội ngũ tư vấn viên... nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tin mới
- 10 điểm nhấn phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 - 02/01/2020 06:03
- Tạm biệt 2019, chào mừng Năm Mới 2020 trên khắp thế giới - 31/12/2019 06:31
- 10 điểm nhấn phát triển kinh tế-xã hội nổi bật năm 2019 - 30/12/2019 02:44
- Bão số 8 giật trên cấp 14 tiến vào Biển Đông, không khí lạnh, miền Bắc rét đậm - 27/12/2019 03:32
- Kinh tế Việt Nam – những đỉnh mới - 27/12/2019 03:14
Các tin khác
- Việt Nam thu hút FDI: Cột mốc mới 2019 và dự báo 2020 - 27/12/2019 03:09
- Tin bão PHANFONE và các chỉ đạo ứng phó - 25/12/2019 04:23
- Thủ tướng chỉ thị các biện pháp bảo đảm đón Tết Canh Tý vui tươi, an toàn - 20/12/2019 06:38
- Quảng Bình sớm đưa du lịch thành mũi nhọn phát triển kinh tế - 20/12/2019 05:11
- Bảo hiểm y tế sửa đổi thêm gói BHYT chăm sóc sức khỏe ban đầu - 19/12/2019 02:32