Thứ năm, 19 Tháng 12 2019 09:32

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (giai đoạn 2014 - 2019) và lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi được tổ chức tại TP.HCM ngày 18/12/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng nhất. Một trong những mục tiêu quan trọng của bảo hiểm y tế là bao phủ sức khỏe toàn. Thông qua BHYT, ngành y tế cũng có nhiều biến đổi, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

 

Theo Thứ trưởng, không chỉ tập trung tại các cơ sở khám chữa bệnh mà còn quan tâm đến vấn đề chăm sóc nhóm người khỏe mạnh, đặc biệt những nhóm khỏe mạnh có cao huyết áp nhè nhẹ, chưa biến chứng hay đái tháo đường vẫn còn kiểm soát được, kể cả một số rối loạn tâm thần, COPD…"Tập trung đầu tư chăm sóc, theo dõi người khỏe, phát hiện và điều trị sớm tại các tuyến y tế cơ sở, sẽ giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương khi phải tiếp nhận những bệnh nhân nặng, nhiều biến chứng,” PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn giải thích thêm.

 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số người dân chưa nhận thức đúng, đầy đủ về chính sách BHYT, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mình, gia đình và cộng đồng. Nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách BHYT vẫn còn nhiều hạn chế, có tư tưởng chọn lựa người, chỉ khi ốm đau mới tham gia BHYT. Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chính vì vậy vẫn còn tham gia với tỷ lệ thấp (41%).

 

Chính vì vậy, theo các chuyên gia y tế trong hội nghị này, việc tăng cường các gói khám sức khỏe định kỳ, phát hiện, điều trị bệnh giai đoạn sớm và quản lý tình trạng bệnh sau đó, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây như cao huyết áp nhẹ hay đái tháo đường chưa biến chứng, vì một “chất lượng dân số khỏe”.

 

Thanh toán BHYT cho các bệnh viện được xem là một trong những nguồn tài chính hỗ trợ bệnh viện tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng trong khám chữa bệnh, xét nghiệm, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại… tạo điều kiện cho người tham gia BHYT có thể lựa chọn và tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tốt nhất và thuận tiện nhất; nhất là nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

 

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ điều chỉnh một số quyền lợi BHYT bao gồm: Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai và sinh con; Hỗ trợ vận chuyển; Khám sức khỏe định kỳ; Khám sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh mạn tính không lây, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh; Chăm sóc sức khỏe ban đầu; Khám chữa bệnh tại nhà đối với một số đối tượng (người cao tuổi, người khuyết tật); Sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị các trường hợp suy dinh dưỡng nặng; Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (theo luật BHYT hiện hành các dịch vụ này không được quỹ BHYT chi trả); Thực hiện BHYT bổ sung.

 

Đại diện BHYT thực hiện trên cơ sở tự nguyện đối với những người đã tham gia bảo hiểm y tế. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung; hỗ trợ mua, mua bảo hiểm y tế bổ sung. Gói bảo hiểm y tế bổ sung chi trả cho chi phí các dịch vụ y tế kỹ thuật cao hơn, dịch vụ y tế tự chọn ngoài phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

 

Luật BHYT sửa đổi khuyến khích người dân mua thêm các gói BHYT bổ sung để tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT

 

Qua đó, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; giảm chi phí điều trị, chi phí nằm viện, giảm tải bệnh viện.

 

Bảo hiểm y tế là cơ chế tài chính nhằm bảo vệ, chia sẻ nguy cơ rủi ro về tài chính cho người dân khi đau ốm, đồng thời là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.

 

Theo thống kê, số lần khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT tăng dần theo các năm: năm 2015 có khoảng 130 triệu lượt (118,1 triệu lượt khám, chữa bệnh ngoại trú và 11,9 triệu lượt điều trị nội trú), tần suất khám chữa bệnh bình quân là 1,95 lượt/người/năm, trong đó, số lượt khám chữa bệnh ở tuyến huyện chiếm khoảng 68,4% và khám, chữa bệnh tại tuyến xã khoảng 1,1%; năm 2017, có 168,889 triệu lượt (ngoại trú 153,423 triệu lượt, nội trú 15,466 triệu lượt), tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến huyện khoảng 70,6% và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã khoảng 0,9%;

 

Năm 2018, có 176 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Tỷ lệ lượt khám chữa bệnh tại các cơ sở tuyến trung ương là 3,5%; tuyến tỉnh là 25,8%; tuyến huyện chiếm tỷ trong cao nhất là 70% và tuyến xã là 0,7 %.

 

Thế nhưng, tuy chỉ chiếm 3,5% số lượt KCB nhưng chi phí mà quỹ BHYT thanh toán đối với các BV tuyến trung ương chiếm hơn 18,9% tổng chi KCB của quỹ BHYT.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi