Nhằm giải quyết bài toán thu hút khách quốc tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn trong cả nước đã chung tay chia sẻ các giải pháp để tăng lượng khách quốc tế trong thời gian tới.
Cầu Vàng Đà Nẵng, một công trình ấn tượng làm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL), trong giai đoạn 1995-2015, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam về cơ bản tăng liên tục với tốc độ trung bình 15%/năm. Giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2005 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trung bình 25%/năm. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại. Trong 7 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,9%, so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam có phần bị chậm lại do thị trường Trung Quốc giảm 2,8% so với cùng kỳ 2018, trong khi 7 tháng năm 2018 tăng 756 nghìn lượt (tương đương 34,1%) so với cùng kỳ, thị trường Australia cũng giảm nhẹ 1,2%
Thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung khi kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn. Trong khi đó, lượng khách Trung lại đang tăng ở Hàn Quốc chủ yếu do Trung Quốc mở dần lệnh cấm các tour theo đoàn sang Hàn Quốc. Tương tự, khách Trung Quốc đến Nhật Bản, Đài Loan cũng có xu hướng tăng do chính sách nới lỏng hạn chế của Trung Quốc và các hoạt động thúc đẩy thị trường Trung Quốc của các điểm đến.
Khẩn trương tìm giải pháp
Nhằm giải quyết bài toán đẩy mạnh thu hút khách quốc tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn trong cả nước đã chia sẻ các giải pháp để tăng lượng khách quốc tế trong thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách có khả năng chi trả cao rất chú trọng tới các yếu tố an ninh, an toàn. Trong khi đó, các thương hiệu của Việt Nam chưa đủ mạnh để tạo nên sự tin tưởng cho khách du lịch như thế giới đã làm được.
Bên cạnh việc đề ra cơ chế để thu hút các thương hiệu mạnh đến với Việt Nam, nội tại du lịch Việt cần khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan đặc sắc của vùng miền để tăng trải nghiệm của khách du lịch, cùng với đó là nâng cao chất lượng của nhân lực phục vụ trong du lịch, ông Thủy chia sẻ.
Ông Lương Mỹ Hưng, Giám đốc Khối du lịch quốc tế, Công ty Saigontourist thì cho rằng: Cần tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ở những thị trường tiềm năng (Hoa Kỳ, Nam Âu, Australia, ASEAN, Đông Âu...), những thị trường còn ít du khách đến Việt Nam.
Đồng thời, đầu tư xây dựng web du lịch quốc gia với nội dung hấp dẫn, đầu đủ các thông tin du lịch, được cập nhật thường xuyên để quảng bá du lịch và hoạt động như văn phòng đại diện du lịch; nỗ lực đưa các sự kiện lớn, tầm vóc quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch... về tổ chức tại Việt nam.
Còn ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Sun World dẫn nhận định từ Hiệp hội du lịch quốc tế cho hay chỉ khoảng 10% khách du lịch quốc tế muốn quay lại Việt Nam lần thứ hai. Hơn nữa, mức chi tiêu của khách quốc tế tới Việt Nam vẫn còn rất thấp, do đó cần tăng cường kích cầu và quảng bá tại các thị trường trọng điểm… Trong ngắn hạn và tương lai, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam.
Để duy trì tăng trưởng du khách từ hai thị trường này, chúng ta không chỉ cần có giải pháp kích cầu, tăng cường quảng bá, đặc biệt hướng tới phân khúc khách chi tiêu cao... mà còn cần những chính sách ưu đãi cụ thể dành cho doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc, Trung Quốc như giảm giá, tặng quà, miễn phí một vài dịch vụ…để họ có động lực đưa khách sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, không thể bỏ quên khách Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… Thị trường khách Thái Lan đến Đà Nẵng từ vị trí thứ 5 (2018) đã vươn lên vị trí thứ 3 trong 6 tháng đầu năm 2019. Và riêng quý I năm 2019, số chuyến bay từ Thái Lan tới Đà Nẵng đã tăng với tần suất 56 chuyến/tuần. Đầu tư quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường này là việc cần làm ngay, làm mạnh.
Ngoài ra cần ưu tiên đầu tư, xây dựng những sản phẩm du lịch đẳng cấp, những công trình ấn tượng, tăng sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam, tăng thu hút khách chi tiêu cao. Đổi mới sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách, đặc biệt là các trải nghiệm về đêm. Các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, trong đó có TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… vẫn đang thiếu những dịch vụ thật cao cấp để thu hút dòng khách chi tiêu cao.
Hiện nay, các hãng hàng không nước ngoài, nhất là hàng không Nga đã khai thác nhiều chuyến bay chở khách du lịch tới các điểm đến Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… với thời gian lưu trú tương đối dài (1-2 tuần), nhưng bất cập là các chuyến bay này chỉ được dừng ở một điểm đến tại Việt Nam và quay về điểm xuất phát. Nếu cho phép họ được đưa khách bay tiếp hành trình tới các điểm khác ở Việt Nam thì không chỉ một mà nhiều điểm đến trong nước sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng khách có tiềm năng chi tiêu cao này…
Tin mới
- Xăng dầu đồng loạt giảm giá - 03/09/2019 02:50
- Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 - 30/08/2019 04:45
- Tin bão số 4 và các chỉ đạo ứng phó - 30/08/2019 04:45
- Hơn 1.900 dịch vụ y tế tăng giá - 20/08/2019 07:18
- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh - 19/08/2019 03:54
Các tin khác
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn 15 Bộ trưởng, trưởng ngành - 12/08/2019 08:52
- Số người chết do mưa lũ vẫn tiếp tục tăng lên; sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Kar đã an toàn - 12/08/2019 03:16
- Những nhóm ngành được thí sinh giỏi lựa chọn - 12/08/2019 02:45
- Điểm chuẩn đại học 2019: Cập nhật danh sách điểm chuẩn đại học 2019 cả nước - 09/08/2019 03:01
- Tháng hành động năm 2019: Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em - 07/08/2019 08:24