Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh 2019. Việt Nam dù có tổng điểm cao hơn năm ngoái với 3 cải cách được ghi nhận, nhưng vị trí xếp hạng lại bị tụt 1 bậc.
Xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số môi trường kinh doanh. Nguồn: WB |
Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019 – Đào tạo để Cải cách, tổng điểm của Việt Nam đã tăng 66,77 điểm lên 68,36 điểm, nhưng so về thứ hạng Việt Nam bị giảm một bậc, đứng vị trí 69 trong tổng số 190 nền kinh tế.
Như vậy, trong khu vực ASEAN Việt Nam xếp sau các nước Singapore, Malaysia, Brunei và Thái Lan.
Trong khảo sát năm nay, WB vẫn đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán (giải quyết phá sản).
Trong 10 chỉ số được WB đánh giá, Việt Nam có 4 chỉ số tăng hạng và có tới 6 chỉ số tụt hạng. Với đối tượng tiêu chuẩn là một công ty TNHH tại TP HCM, WB chỉ ra tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện khi thành lập doanh nghiệp là 8. Với tiêu chí được đánh giá cao nhất - Xin giấy phép xây dựng, số thủ tục cần hoàn thành là 10.
Cụ thể chỉ số về tiếp cận điện năng tăng ấn tượng nhất, từ vị trí 66 lên vị trí 27; chỉ số thành lập doanh nghiệp cũng tăng từ 123 năm ngoái lên 104 năm nay.
Hai chỉ số còn lại có sự cải thiện nhưng khá khiêm tốn là đăng ký tài sản từ 63 lên 60, tăng ba bậc; thực thi hợp đồng từ vị trí 66 lên vị trí 62.
"Việt Nam đã có những cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp" - WB đánh giá.
Mặc dù Chính phủ tích cực đưa ra các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song nhiều chỉ số xếp hạng của Việt Nam vẫn bị giảm. 6 chỉ số giảm điểm là thuế và bảo hiểm xã hội, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng, cấp phép xây dựng, giải quyết phá sản.
Chỉ số giải quyết phá sản vẫn ở vị trí thứ 133/190 nền kinh tế, tụt 4 bậc khi năm ngoái chỉ số này ở vị trí 129.
Chỉ số thuế và bảo hiểm xã hội lại tụt xuống tận vị trí 131, rơi tới 45 bậc so với năm ngoài (năm ngoái xếp thứ 86/190).
Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư ở vị trí 89, tụt 8 bậc so với vị trí 81 của năm ngoái.
Chỉ số thương mại qua biên giới xếp thứ 100, tụt 6 bậc so với vị trí 94 của năm ngoái.
Chỉ số tiếp cận tín dụng ở vị trí 32, giảm 3 bậc so với vị trí 29 của năm ngoái.
Chỉ số cấp phép xây dựng ở vị trí 21, giảm 1 bậc so với năm ngoái.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), năm vừa qua Việt Nam đã được ghi nhận có 3 cải cách.
Tuy nhiên, so với 5 cải cách của Việt Nam được năm ngoái và 7 cải cách của Trung Quốc, 6 cải cách của Malaysia được ghi nhận năm nay, nhiều chỉ số quan trọng bị đánh tụt hạng, trong đó đáng chú ý nhất là chỉ số thuế và bảo hiểm xã hội "lội ngược dòng" ở vị trí 131.
Cùng với việc chỉ số cạnh tranh quốc gia được WEF công bố cách đây 2 tuần khi Việt Nam bị đánh giá tụt 3 bậc, cũng như khoảng cách xếp hạng của Việt Nam trong 11 nước tham gia CPTPP, ông Tuấn bày tỏ "sự sốt ruột" và đặt ra yêu cầu đòi hỏi cải cách trong nước cần phải "mạnh mẽ và thực chất hơn".
New Zealand tiếp tục là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới với các chính sách mới giúp giảm chi phí thành lập công ty.
Theo sau là Singapore, Đan Mạch, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Trong báo cáo năm nay, Mỹ tụt hạng trong bối cảnh lao vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, còn Anh cũng mất vị thế trong nhóm dẫn đầu khi đang phải đàm phán để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Mỹ tụt 2 bậc xuống vị trí thứ 6 với những vấn đề nổi cộm như tình trạng quan liêu trong thủ tục thành lập doanh nghiệp và chậm trễ trong việc kết nối điện.
Ba vị trí chót bảng trong danh sách tiếp tục là Venezuela, Eritrea và Somalia.
Báo cáo của WB đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Theo thống kê, 190 quốc gia đã thực hiện kỷ lục 314 cải tổ giai đoạn tháng 6/2017 – 5/2018.
Báo cáo cũng chỉ ra cơ hội đào tạo cho người dùng và các hãng cung cấp dịch vụ có tác động tích cực đến điểm số của các quốc gia. Tương tự, tăng cường trao đổi thông tin giữa khu vực công và tư về các thay đổi hiến pháp cũng như quy trình pháp lý có ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra nhiều cải tổ hơn, giúp các chỉ số cải thiện hơn.
Tin mới
- Taxi Hà Nội sẽ được quản theo vùng - 19/11/2018 05:29
- Việt Nam giành HCV Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn - 13/11/2018 03:23
- Tăng mức tiền, quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi - 12/11/2018 10:21
- Tối 7/11, tại Hoàng thành Thăng Long, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức chương trình "Lễ trao quyền đăng cai Giải đua F1 cho TP. Hà Nội" công bố việc Hà Nội đăng cai tổ chức Giải đua Công thức 1 (Formula One - F1). Được sự uỷ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Phó T - 08/11/2018 03:28
- Quốc hội chốt chỉ tiêu GDP 2019 tăng 6,6-6,8% - 08/11/2018 03:25
Các tin khác
- Sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên: Dự phòng bắt đầu từ thấu hiểu - 02/11/2018 03:56
- Doanh thu từ du lịch đã đạt trên 500.000 tỷ đồng - 01/11/2018 04:02
- Tin mới nhất về bão YUTU và các chỉ đạo ứng phó - 30/10/2018 02:18
- Siêu bão Yutu giật trên cấp 17 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam - 29/10/2018 04:06
- Công điện chỉ đạo ứng phó siêu bão gần Biển Đông - 29/10/2018 02:31