Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết: Vùng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vùng biển Nam Bộ đã suy yếu thành vùng áp thấp vào sáng nay.
Tuy nhiên, rạng sáng 2.11, ATNĐ trên biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 12 - bão Damrey, đặt theo tên Campuchia là Con Voi và tên này từng được đặt cho một cơn bão đã đổ bộ vào tỉnh Nam Định năm 2005 làm vỡ đê biển.
Hiện nay, bão đang ở cấp 8 nhưng khi vào bờ sẽ mạnh lên cấp 10 giật cấp 13. Điều đáng lưu ý là các đài khí tượng Hong Kong, Nhật Bản dự báo bão Damrey sẽ đạt cấp 11 giật cấp 14, diễn biến bão và thời tiết nguy hiểm.
TS Hoàng Đức Cường cho biết, trong ngày 2.11, cơn bão này di chuyển rất nhanh với vận tốc từ 10-15km/giờ. Đến sáng 4.11, bão sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ. Hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng tới khu vực rộng kéo dài suốt từ Nam Trung Trung Bộ tới tận Bắc Nam Bộ từ ngày 3.11.
Cơn bão rất mạnh này sẽ kết hợp với một khối không khí mạnh đang di chuyển xuống, gây mưa lớn. Tổng lượng mưa có thể đạt mức thấp nhất là 500mm, cao nhất tới 1.000mm.
Hai kịch bản mưa sẽ xảy ra là mưa sẽ dồn dập vào một khu vực thuộc Nam Trung Bộ, hai là có thể rải trên diện rộng từ Nam Trung bộ ra tận Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh.
TS Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo: "Về thủy triều cần lưu ý, vì tháng này đang trong triều cường cao, cộng với sóng bão nên sẽ nguy hiểm cho hệ thống đê biển".
Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, để chủ động ứng phó mưa lũ, Tổng cục Thuỷ lợi đã cử 3 đoàn công tác vào Nam Bộ để chỉ đạo công tác quản lý, kiểm soát hồ chứa thuỷ lợi. Sáng nay, các đoàn công tác đã quay ngược ra khu vực Nam Trung bộ để triển khai công tác đón bão số 12.
Hiện nay, mưa tại Nam Trung bộ rất lớn. Lũ trên sông Ba ở Phú Yên và sông Cái Nha Trang đang lên. Dự báo từ 6-12 giờ tới, lũ trên sông Ba, sông Cái sẽ đạt đỉnh. Nguy cơ xảy ra sạt lở và ngập úng cục bộ từ Quảng Nam đến Khánh Hoà và Bắc Tây Nguyên. Ông Trần Quang Hoài đề nghị các hồ chủ động hạ thấp mực nước, sẵn sàng phương án xả lũ để không gây ra lũ nhân tạo.
Tại cuộc họp khẩn triển khai ứng phó thiên tai, ông Trần Quang Hoài cho biết: Trong khi việc xả lũ, quản lý hồ chứa thuỷ điện khi mưa lũ rất quan trọng thì đại diện Bộ Công Thương và ngành điện lực lại không đến dự cuộc họp.
Được biết, ngay sau cuộc họp giao ban để nắm tình hình và triển khai các giải pháp ứng phó bão, các thành viên BCĐ Trung ương PCTT sẽ tổ chức một cuộc họp kín để tính toán các thông số điều tiết mực nước các liên hồ chứa tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ... để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ lớn sắp tới.
Nguồn: Laodong.vn