Nhiều cử tri bày tỏ tăng trưởng kinh tế trong những năm qua không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột, không theo logic thông thường và đề nghị Chính phủ giải thích.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, các quý cuối năm tăng trưởng rất cao, nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột. Nếu lý giải là do quý I vào dịp Tết nên sản xuất giảm sút thì không thuyết phục, vì được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch, nên có giảm sút cũng không thể giảm quá sâu.
Còn nếu do quy trình ngân sách theo năm, nên đầu năm chi ít, cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh, vì quý I có thể giảm chi đầu tư, nhưng các khoản khác vẫn phải chi và chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng.
Đồng thời, sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng để GDP rơi tự do như diễn biến mấy năm gần đây, ông Hàm băn khoăn và dẫn chứng: “Nếu quý IV/2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01%, thì quý I/2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%, giảm hơn 22%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao là 6,68% ở quý IV, nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý I/2017, xuống còn 5,1%. Và GDP lại đang tăng tốc rất thần kỳ ở các quý cuối năm 2017: Quý III đạt 7,46% và dự báo quý IV là 7,31%. Còn quý I/2018 có thoát khỏi quy luật bất thường này không thì chưa rõ”.
Với số liệu trên, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết, cử tri cho rằng bất hợp lý, trái với logic thông thường và đề nghị Chính phủ phải làm rõ.
Được Quốc hội mời giải thích cho đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Cách tính GDP của cơ quan thống kê là chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật, được WB, IMF công nhận”.
Bộ trưởng cho biết, quý III và quý IV bao giờ cũng tăng trưởng mạnh và có thể tin tưởng GDP cả năm 2017 sẽ đạt chỉ tiêu 6,7% vào cuối năm. Bộ trưởng cũng bổ sung thêm các số liệu của tháng 10/2017 và 10 tháng năm 2017 mới được Tổng cục Thống kê công bố để dẫn chứng về sự tăng trưởng liên tục, tích cực của nền kinh tế từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng 8,7%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 7,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,6%. Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đạt mức 10,5 triệu lượt và cả năm sẽ thu hút 13-14 triệu lượt khách. Vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký trong 10 tháng qua là 28,2 tỷ USD tăng 37,4% so với cùng kỳ và giải ngân 12 tỷ USD. Tổng mức hàng hoá bán lẻ tăng 10,7% trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 9%. Xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD để đạt giá trị 204 tỷ USD vào cuối năm 2017.
“Kết quả 10 tháng khả quan để đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế cho cả năm. Quý IV tăng cao nhất vì gắn liền với sự bứt phá của chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Do đó, chu kỳ tăng trưởng GDP trong năm đều ghi nhận sự tăng, giảm giữa các quý trong một năm. Quý I năm sau thấp hơn quý IV năm trước đã được IMF đánh giá đúng chu kỳ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng tiếp lời và lý giải cách tính GDP theo quý để đánh giá chất lượng tăng trưởng quốc gia cho cả năm.
Bộ trưởng KH&ĐT cũng cho biết thêm, chất lượng tăng trưởng kinh tế thời gian qua là tích cực, thể hiện ở 10 chỉ tiêu mà UNDP đánh giá cao Việt Nam, tập trung ở 4 nhóm: Tăng trưởng GDP ở mức trung bình cao và tương đối ổn định 6,07% trong nhiều năm; tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP được cải thiện; môi trường kinh doanh và cạnh tranh tiến bộ được đánh giá cao; phát triển đi liền với bảo đảm công bằng của xã hội.
Bộ trưởng cũng lý giải thêm về chỉ tiêu tăng GDP của năm 2018 ở mức 6,5-6,7% là hợp lý vì dự báo thương mại toàn cầu tích cực và phục hồi nhưng cần thận trọng vì nguy cơ bất ổn an ninh khu vực và xu thế bảo hộ mậu dịch thương mại của một số nước. Ngoài Samsung thì một số dự án lớn chế biến-chế tạo đi vào mở rộng sản xuất như Nghi Sơn, Fomosa, các dự án xi măng, alumin... Công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sản lượng khai thác và các chính sách cải cách kinh doanh phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng “mô hình kinh tế chưa thể chuyển sang chiều sâu nhanh được”.
Tranh luận tiếp với Bộ trưởng KH&ĐT, đại biểu Hoàng Quang Hàm đồng tình với lý giải về tính chu kỳ trong tăng trưởng GDP, nhưng có 2 nguyên nhân mà đại biểu cho rằng Chính phủ cần quan tâm.
Thứ nhất là do chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá với các giải pháp từ nay tới cuối năm là ngắn hạn. Từ năm 2015-2016 vào các thời điểm cuối năm, ta đã bán thêm dầu để bù đắp tăng trưởng, nên quý I năm sau ta không thể hút dầu để bán nên tăng trưởng hụt hơi.
Thứ hai, đại biểu cho rằng cần lo lắng khi tăng trưởng vẫn tiếp tục dựa vào tăng trưởng của vốn. Năm 2018 giảm khai thác dầu thô nhưng vẫn giữ tăng trưởng vốn từ 33- 34% thì tăng trưởng vẫn lệ thuộc vào vốn.
Đại biểu muốn động lực của tăng trưởng phải tới từ doanh nghiệp nội địa của nền kinh tế.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin mới
- Chính thức khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 - 06/11/2017 03:34
- Học sinh dân tộc và miền núi tiêu biểu góp phần làm giàu thêm nguyên khí quốc gia - 06/11/2017 03:33
- Việt Nam thiếu hàng nghìn giáo viên dạy trẻ đặc biệt - 03/11/2017 07:09
- Họp khẩn ứng phó với bão Damrey - tên cơn bão từng làm vỡ đê biển Nam Định năm 2005 - 02/11/2017 03:51
- TRỰC TIẾP Quốc hội thảo luận KT-XH và ngân sách nhà nước - 02/11/2017 03:15
Các tin khác
- Lập BCĐQG về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - 02/11/2017 03:06
- Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp - 01/11/2017 07:09
- Việt Nam: 1 trong 2 nước cải cách nhiều nhất 15 năm qua - 01/11/2017 03:54
- Tăng trưởng kinh tế gắn với an sinh xã hội - 31/10/2017 07:46
- Thủ tướng gửi thư chia buồn với các gia đình bị thiệt hại bởi bão Linda - 31/10/2017 03:23